Tiêu điểm

Credit Suisse vay gần 54 tỉ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ

Credit Suisse thông báo sẽ vay 53,75 tỉ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ để củng cố tính thanh khoản sau khi cổ phiếu giảm sâu.

Share
this:

Hôm 16.3, Credit Suisse cho biết sẽ vay 50 tỉ Franc Thụy Sĩ (53,75 tỉ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) để giảm đi lo ngại về tính thanh khoản, một ngày sau khi giá cổ phiếu của ngân hàng có nguy cơ vỡ nợ này giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo Credit Suisse, động thái trên nhằm củng cố tính thanh khoản và cho biết khoản vay này theo một chương trình cho vay đảm bảo bằng các tài sản chất lượng cao và chương trình thanh khoản ngắn hạn. Việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi SNB cho biết sẵn sàng hỗ trợ Credit Suisse tăng cường khả năng thanh khoản nếu cần thiết, khẳng định ngân hàng này “đáp ứng mọi yêu cầu về vốn và thanh khoản đối với ngân hàng quan trọng trong hệ thống.”

Nhằm giảm chi phí lãi vay, Credit Suisse cũng thông báo sẽ đề nghị mua lại khoản nợ chứng khoán trị giá 3 tỉ USD, bao gồm 10 trái phiếu đồng USD có giá trị 2,5 tỉ USD và 530 triệu USD (500 triệu euro) từ bốn trái phiếu đồng euro.

CEO Ulrich Koerner cho biết Credit Suisse đang có “động thái quyết liệt” khi ngân hàng này tiếp tục thực hiện chiến lược tái cấu trúc, trở thành ngân hàng tinh gọn hơn và tập trung vào nhu cầu của khách hàng.

Ảnh: Afp via Getty Images.

Khi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngân hàng có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ ghi nhận giá cổ phiếu giảm sâu và chốt phiên giao dịch hôm 15.3 với mức giảm đáng báo động hơn 24%. Trong những ngày gần đây, cổ phiếu ngành ngân hàng toàn cầu chịu tác động nặng nề từ những lo ngại rằng sự kiện ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Tuy vậy, phần lớn những vấn đề Credit Suisse vấp phải đã diễn ra từ trước đó, bao gồm lo ngại về thanh khoản khiến số lượng khách hàng rút tiền ra khỏi ngân hàng này tăng lên trong năm 2022. Credit Suisse cho biết tình hình đã ổn định ở mức thấp hơn, song chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Lo ngại về tình hình tài chính của Credit Suisse, cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia thông báo không đầu tư thêm vào cổ phiếu của ngân hàng này do những vấn đề về quy định.

Credit Suisse đã vấp phải hàng loạt vụ bê bối trong những năm gần đây. Hồi đầu tuần, ngân hàng này thông báo đã tìm ra các điểm yếu trong quá trình báo cáo tài chính có thể thông tin thiếu chính xác về tình hình tài chính. Credit Suisse đang xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả, cho biết thêm báo cáo thường niên của ngân hàng này cung cấp “tương đối” đầy đủ tình hình tài chính trong hai năm qua.

Năm 2021, Credit Suisse báo cáo thua lỗ 7,22 tỉ USD do đối tác tài chính Greensill Capital và quỹ phòng hộ Archegos Capital phá sản. Hồi tháng 10.2022, Credit Suisse ghi nhận số lượng khách hàng rút tiền tăng cao, sau khi xuất hiện những tin đồn trên mạng xã hội dấy lên lo ngại về “sức khỏe tài chính” của ngân hàng này. Trong báo cáo thu nhập công bố vào tháng 2.2023, Credit Suisse báo lỗ 7,3 tỉ Franc Thụy Sĩ (8 tỉ USD) trong năm 2022, mức lỗ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn tại Châu Âu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 15.3, khi những lo ngại về tình hình tài chính của các thể chế này lan rộng khắp Đại Tây Dương. Tại Pháp, cổ phiếu BNP Paribas giảm hơn 10%, trong khi Société Générale chốt phiên với mức giảm hơn 12%. Cổ phiếu niêm yết tại Frankfurt của Deutsche Bank hạ 9,25% và Santander giảm gần 7% trên sàn chứng khoán Madrid.

Biên dịch: Minh Tuấn