multi-media / Megastory

Công thức chiến thắng của tỉ phú đội đua F1

Toto Wolff đã gầy dựng nên tên tuổi đội F1 của Mercedes, đặt nền móng cho thời kỳ thống trị của đội đua Đức. Chuỗi ngày vô địch có thể đã lùi xa, nhưng vị tỉ phú quản lý đội đua lại đang thành công hơn bao giờ hết.

Trong căn phòng rộng lớn tại trụ sở chính của Mercedes-AMG Petronas ở Brackley (Anh), ánh mắt của Toto Wolff hướng về trục sau của một chiếc xe hơi màu bạc. Bánh xe bên phải bị hỏng khiến ông thấy khó chịu, phải gọi thợ sửa chữa ngay lập tức.

Tuy vậy, lúc này vị tỉ phú đồng sở hữu kiêm đội trưởng đội đua F1 không có mặt trong nhà máy, và cũng không phải đang thực hiện quy trình đánh giá chiếc xe Công thức 1 trị giá tám triệu đô la Mỹ.

Thật ra, Wolff đang không hài lòng với chiếc xe mô hình, phiên bản cổ điển chỉ dài vài cm. “Hình ảnh đó cứ đập vào mắt tôi,” ông giải thích. “Trong cuộc sống thường nhật, những lỗi nhỏ như vậy thật sự khiến tôi rất bực bội, vì tôi luôn cảm thấy bị ám ảnh với việc loại bỏ những chi tiết không hoàn thiện.”

Nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo có thể là áp lực với nhiều người, nhưng trong cuộc đua F1, nơi thành công có thể được định đoạt trong chưa đầy một phần mười giây, tâm lý đó đã giúp giữ đội đua của Wolff đứng vững trên bục vinh quang.

Suốt thập niên qua, đội trưởng 51 tuổi người Áo đã tám lần giành ngôi vô địch Constructors’ Championships, bảy lần nhận danh hiệu Driver’s Championships và đạt thành tích đáng kinh ngạc 115 lần chiến thắng giải Grand Prix ở các chặng đua khác nhau nhờ những cỗ máy xuất sắc và tay đua cừ khôi của Mercedes, Lewis Hamilton.

Đó là chuỗi thành tích chưa từng có tiền lệ trong môn thể thao này, có thể sánh ngang với các thương hiệu huyền thoại khác như đội bóng chày New York Yankees hay đội bóng rổ Boston Celtics.

Nhưng ngày vui đã lùi xa. Đội đua Mercedes đã phải hết sức cố gắng mới giành được vị trí thứ ba vào năm ngoái và chỉ về đích đầu tiên ở duy nhất một chặng đua. Việc trở lại đỉnh cao có vẻ khó thành hiện thực trong năm 2023 khi đội đua Red Bull đang giữ vững vị trí đầu bảng.

Sự thay đổi các quy định tài chính dành cho cuộc đua F1 từ năm 2021 nhằm hạn chế chi tiêu – gọi là giới hạn chi phí – khiến Wolff khó có thể tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo của mình, làm giảm nhiều cơ hội sửa chữa những sai lầm.

Việc giới hạn chi phí tạo ra thách thức lớn nhất trên đường đua nhưng lại mang đến hiệu quả tích cực đáng kể bên ngoài đường đua. Năm 2021, năm cuối cùng Mercedes giành danh hiệu Constructors’ Championships, đội đua đã đạt thành tựu tốt nhất từ trước đến thời điểm đó dưới sự quản lý của Wolff, với doanh thu 529 triệu đô la Mỹ và EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đạt 128 triệu đô la Mỹ. Mặc dù Mercedes vẫn chưa công bố số liệu năm 2022, nhưng Forbes ước tính con số sẽ vượt các mốc trên, lần lượt khoảng 10% và 30%.

Doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ đã chuyển hóa trực tiếp thành giá trị của đội đua. Năm 2019, Forbes định giá đội Mercedes một tỉ đô la Mỹ và ước tính con số này đã tăng ít nhất gấp đôi kể từ đó. Wolff sở hữu 33% cổ phần đội đua – phần lớn cổ phần được ông mua vào năm 2013 với giá ước tính 50 triệu đô la Mỹ – là nền tảng cho khối tài sản tỉ đô của ông.

Về bản chất, ông đã tạo nên một thương hiệu tương tự đội bóng bầu dục Mỹ Dallas Cowboys – thương hiệu thể thao có giá trị nhất thế giới ở mốc tám tỉ đô la Mỹ, bất kể việc họ không thể giành ngôi vô địch Super Bowl suốt 27 năm.

“Tôi sẵn sàng từ bỏ mọi lợi nhuận để giành chiến thắng,” ông nói. “Vì vậy khi phải lựa chọn giữa thành công về tài chính và thành công trong thể thao, mọi ngày trong tuần, mọi ngày trong năm, tôi luôn lựa chọn thành công trong thể thao.”

Khát khao chiến thắng đã khắc sâu trong Wolff. Sinh ra ở Vienna, từ bé ông đã mơ ước trở thành một tay đua ô tô. Nhưng ông không theo đuổi được đam mê – một phần vì chiều cao quá khổ đến 1,98m – nên nhanh chóng chuyển sang kinh doanh.

Năm 1998, ông thành lập vườn ươm công nghệ Marchfifteen có trụ sở tại Vienna và dành thời gian kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng. Hai năm sau, ở tuổi 28, Wolff thu được lợi nhuận hơn 30 triệu đô la Mỹ, chủ yếu từ việc bán công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin văn bản qua giao thức UCP và nhà phát hành trò chơi điện tử JoWooD.

Dư dả tiền bạc, ông đóng cửa công ty và trở lại với khát khao đua xe ban đầu, bắt đầu quản lý các tay đua trẻ. Trong quá trình này, ông biết đến nhà sản xuất động cơ và lắp ráp xe đua HWA AG, chuyên hỗ trợ đội đua cấp thấp của Mercedes. Ông đã mua 49% cổ phần HWA vào năm 2006, sau đó niêm yết công ty với mức giá IPO 175 triệu đô la Mỹ, bỏ túi thêm 85 triệu đô la Mỹ.


Vài năm sau, Wolff đầu tư vào đội Williams, giúp đội này giành chiến thắng vang dội tại giải đua Grand Prix ở Tây Ban Nha năm 2012. Cùng năm đó, Mercedes vẫn đang loay hoay tìm hướng thành công và đã mời Wolff đến Stuttgart để học hỏi kinh nghiệm của ông. Ông thẳng thừng tuyên bố rằng ngân sách cho đội bị cắt giảm quá mức, và Mercedes đã đáp lại bằng cách đề nghị tuyển dụng ông vào vị trí cao nhất.

“Anh ấy không phải là người chỉ biết nói nhảm,” René Berger, người bạn lâu năm của Wolff và là thành viên hội đồng quản trị của đội đua Mercedes F1, cho biết. “Toto sẽ không bao giờ nói với bạn điều gì đó mà anh ấy không chắc chắn và đó chính là lý do tại sao lời nói của anh ấy rất có sức thuyết phục.”

Wolff đồng ý làm việc cho Mercedes, với điều kiện ông có thể mua cổ phần để trở thành nhà đồng sở hữu. Năm 2013, ông rời đội Williams và nắm giữ 30% cổ phần Mercedes với giá trị 165 triệu đô la Mỹ, theo ước tính của Forbes.

Lúc ông tham gia cũng là thời điểm thuận lợi cho Mercedes khi những thay đổi về quy tắc giải đua F1 giúp tăng cơ hội sử dụng động cơ hybrid – loại động cơ mà nhà sản xuất ô tô Đức đã chi hơn 100 triệu đô la Mỹ để phát triển.

Chiến thắng nhanh chóng nối tiếp nhau xuất hiện khi Mercedes giành cả hai danh hiệu Constructors’ Championships và Drivers’ Championships năm 2014, lần đầu tiên trong chuỗi tám năm thống trị của đội. “Đó là nước đi hoàn hảo của Mercedes trong giai đoạn này,” Frédéric Vasseur, đội trưởng đội Scuderia Ferrari nói, “và họ đã thực sự dẫn đầu về động cơ.”

Kiểu chiến lược đẩy mạnh chi tiêu đang dần trở nên khó áp dụng hơn. Theo mức giới hạn chi phí vào năm 2023, các đội chỉ có thể chi khoảng 150 triệu đô la Mỹ cho trang thiết bị, kỹ thuật và nhân sự. Thu nhập của các tay đua, ví dụ như mức lương ước tính khoảng 55 triệu đô la Mỹ của Hamilton, hiện không được tính vào.

Đường đua: Wolff bắt đầu đảm nhận công việc giảng dạy để đổi lấy cơ hội học tập tại trường Kinh doanh Harvard vào năm 2024. “Mọi thứ tôi làm là để trở nên giỏi hơn trong giải đua Công thức 1,” ông cho biết.

Những năm trước, các đội có ngân sách lớn như Mercedes, Ferrari và Red Bull chi hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm, được gọi là chi phí tiếp thị toàn cầu. Các đội ở cấp thấp hơn rơi vào cảnh điêu đứng về tài chính khi cố gắng bắt kịp các đội tinh hoa F1.

Nhờ phần lớn công sức của Liberty Media – công ty đã mua giải Công thức 1 vào năm 2017 với giá 4,7 tỉ đô la Mỹ bằng tiền mặt và cổ phiếu – và FIA, cơ quan quản lý giải đua, việc giới hạn chi phí khiến các đội trở nên tương đối bình đẳng hơn nhiều.

F1 cũng đang có được sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Netflix – đặc biệt là ở Mỹ, nơi môn thể thao này bị tụt hậu về mức độ phổ biến. Ra mắt năm 2019, loạt phim tài liệu Drive to Survive ghi lại từng mùa giải F1, đã tiếp cận được lượng khán giả trẻ hơn và ưa thích kỹ thuật số.

Loạt phim này cũng tạo ra những ngôi sao F1 mới, gồm cả nhà quản lý Wolff đầy lôi cuốn được xây dựng theo hình tượng quân phiệt với tính cạnh tranh nảy lửa và yêu cầu đặc biệt kỳ lạ cho bữa sáng. (Giăm bông và trứng, với một ít thịt xông khói và hai miếng bánh mì lúa mạch đen, nướng thật giòn để chúng nứt ra.)

Và giải đua F1 sẽ càng lớn mạnh hơn trong năm nay khi có thêm một giải Grand Prix thứ ba tại Las Vegas, Hoa Kỳ vào tháng 11.2023. (Miami và Austin, Texas đã từng tổ chức các giải đua này.) “Môn thể thao này đang phát triển,” Wolff nói, “nhưng đừng coi đó là điều hiển nhiên.”

Ông cũng không hề xem nhẹ các nguồn thu của Mercedes – điều kiện cần thiết để đảm bảo một tương lai đầy hứa hẹn ngay cả khi không thể trở thành nhà vô địch thế giới. Các khoản tài trợ vẫn là nguồn thu quan trọng nhất và Ritz-Carlton, nước tăng lực Monster cùng thương hiệu đồng hồ IWC là ba trong số các đối tác của Mercedes.

Hãng cũng bán thiết bị cho các đội khác, bao gồm cung cấp hộp số cho Aston Martin. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa Wolff sẽ từ bỏ khát khao giành chiến thắng của mình. “Miễn là chúng tôi vẫn đang cạnh tranh ở tốp đầu, nỗ lực để giành chiến thắng và nằm trong số những đội hàng đầu,” ông nói. “Chẳng ai có thể áp đặt rằng năm nào chúng tôi cũng phải giành chiến thắng.”


————————————-

Biên dịch: Hoàng My

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cong-thuc-chien-thang-cua-ti-phu-doi-dua-f1)