Công ty cổ phần tập đoàn Hà Đô lấn sân sang mảng năng lượng, tạo doanh thu ổn định bên cạnh lĩnh vực bất động sản có tính chu kỳ.
Chiều ngày 9.4.2021, trên bãi đất trống thuộc xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, các nhân viên của công ty cổ phần tập đoàn Hà Đô có chủ tịch là một vị đại tá quân đội phát động chiến dịch 120 ngày đêm thi đua hoàn thành vượt tiến độ dự án.
Đây không phải lần đầu họ bắt đầu dự án bằng cách phát động phong trào như thời chiến. Bốn tháng sau, tháng 8.2021, dự án điện gió đầu tiên của công ty trở thành một trong ba nhà máy điện gió về đích đầu tiên trong tổng 106 nhà máy điện gió trên cả nước được đăng ký công nhận vận hành thương mại trước ngày 31.10.2021, thời hạn chính phủ cho phép hưởng ưu đãi tốt nhất về giá bán (FiT).
Được biết đến với vai trò một nhà phát triển các dự án bất động sản, Hà Đô lấn sân sang lĩnh vực năng lượng với mục tiêu tạo thêm trụ cột ổn định cho doanh thu công ty bên cạnh lĩnh vực truyền thống là bất động sản.
Công ty hiện sở hữu 8 dự án điện gồm 5 dự án thủy điện, 2 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió. Trong đó có ba nhà máy điện đưa vào vận hành trong quý 3.2021 giữa bối cảnh COVID-19. Tổng các dự án điện của Hà Đô có tổng công suất phát điện 462MW, dự kiến mang về doanh thu ổn định khoảng 2.000 tỉ đồng mỗi năm, là bước chuyển dịch chiến lược của Hà Đô trong lĩnh vực bất động sản sang lĩnh vực năng lượng.
Nằm trên diện tích 15 hecta thuộc một trong những vị trí có thông số gió tốt nhất Việt Nam, dự án điện gió 7A ở tỉnh Bình Thuận, có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng dễ dàng được nhận biết từ xa bởi các roto ba cánh màu trắng cao ngạo nghễ có hình dạng và nguyên tắc vận hành tương tự các cánh máy bay.
Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến với turbine loại không hộp số của hãng Enercon (Đức) với ưu điểm có thể hoạt động với tốc độ gió thấp. Song song đó là hệ thống cáp ngầm kết nối turbine có thẩm mỹ cao, vấn đề thường ít được các dự án điện chú ý. Hệ thống trạm biến áp 110kV sử dụng thiết bị đồng bộ của hãng ABB (Thụy Sĩ) hoạt động tin cậy. Theo kế hoạch, mỗi năm dự án sẽ phát lên lưới điện quốc gia khoảng 179 triệu kWh điện (tương đương sản lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước trong 8 ngày).
Sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam dẫn đến nhu cầu về năng lượng gia tăng. Theo các chuyên gia, nhu cầu điện thường tăng gấp 1,8-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Theo Quy hoạch điện VII của chính phủ, đến năm 2025, nhu cầu công suất nguồn điện của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, hơn 90.000 MW và đến năm 2030 sẽ lên đến 130.000 MW.
Việt Nam hiện có ba nguồn điện chủ yếu: nhiệt điện (than, khí), thủy điện và năng lượng tái tạo (gồm điện gió và điện mặt trời). Nhiệt điện than trong nhiều năm nữa vẫn là nguồn điện chính của Việt Nam, tuy nhiên chính phủ đang đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo để giảm dần tỷ trọng điện than phù hợp với các cam kết quốc tế về môi trường.
Với tiềm năng điện tái tạo dồi dào của Việt Nam, theo quy hoạch điện VII, các nguồn điện mặt trời và điện gió từ 6,5% năm 2021 sẽ được tăng dần để đạt 30% tổng công suất toàn hệ thống vào năm 2030 và tăng lên 41% vào năm 2045, vượt qua công suất nhiệt điện than.
Nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo, chính phủ đã đưa ra chương trình giá mua bán điện cố định (FiT) cho điện mặt trời giá 0,09 USD/kWh. Chính sách này đã thu hút thành công nhiều nhà đầu tư vào điện mặt trời vì họ có thể nhìn thấy được nguồn thu ổn định trong nhiều năm sau đó.
Chính phủ sau đó tiếp tục triển khai giá bán điện ưu đãi FiT 8,5 cent/kWh cho điện gió trên bờ và 9,8 cent/kWh cho điện gió ngoài khơi trong 20 năm cho các dự án điện gió hoàn thành trước ngày 31.10.2021.
Hà Đô nhờ sở hữu năng lực về xây dựng và trước đây từng có một trung tâm thiết bị cơ khí nên họ chọn lĩnh vực đầu tư nhà máy thủy điện từ năm 2006. Anh Nguyễn Trọng Minh, chủ tịch HĐQT công ty Hà Đô chia sẻ: “Trong thủy điện, chi phí xây dựng chiếm 70% chi phí đầu tư của nhà máy. Với điện gió và điện mặt trời, công nghệ chiếm 70%, còn lại 30% là chi phí xây dựng”.
Nhờ lợi thế về xây dựng, dự án điện mặt trời đầu tiên của công ty năm 2018, Hồng Phong 4 tại tỉnh Bình Thuận hoàn thành chỉ trong vòng sáu tháng từ lúc bắt đầu thi công tới lúc phát điện. Hồng Phong 4 sử dụng công nghệ hiện đại của Ideematec (Đức) cho sản lượng điện năng cao hơn 19,5% so với thông thường và có khả năng chống chịu được sức gió bão mạnh cấp 12, theo công ty.
Theo anh Minh, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh có tính chu kỳ, trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, các công ty ghi nhận doanh thu cao. Tuy nhiên, nguồn doanh thu từ bất động sản không ổn định. Do đó, Hà Đô chọn năng lượng là lĩnh vực tập trung thứ hai, sẽ mang lại doanh thu đều đặn.
Công ty chứng khoán VNDIRRECT nhận xét, các dự án điện của Hà Đô không thuộc quy mô lớn, công suất thường từ 30-60MW, tuy nhiên công ty làm dự án chắc tay thể hiện qua tỉ suất đầu tư thấp nhờ thi công xây dựng nhanh giúp đưa vào vận hành thương mại (COD) kịp thời, nhờ đó hưởng được giá bán ưu đãi tốt nhất, mang lại hiệu quả cho các nhà máy.
Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhà mua điện đại diện cho chính phủ, đến hết thời hạn quy định 31.10.2021, có 84/106 nhà máy kịp đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị vận hành thương mại được công nhận đúng thời hạn. Trong đó dự án 7A của Hà Đô nằm trong ba dự án sớm nhất. Trong khi nhiều dự án khác đã không kịp tiến độ, mất cơ hội hưởng giá FiT chủ yếu do cản trở bởi dịch bệnh COVID-19.
Anh Minh tiết lộ, việc lấn sân từ bất động sản sang năng lượng đến từ tầm nhìn của ông Nguyễn Trọng Thông, chủ tịch công ty. “Chủ tịch định hướng đầu tư những gì xã hội đang cần. Ông dựa trên sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao,” anh Minh, con trai ông Thông, chia sẻ.
Gia đình ông Thông hiện nắm hơn 33% cổ phần Hà Đô. Nguyễn Trọng Minh kể về cha mình, “là người sâu sát, những nhà máy đầu tiên, ông trực tiếp đi khảo sát, làm việc với các chuyên gia và đàm phán với đối tác giúp đem đến thành công cho các dự án. Nhân viên tại công trường không lạ khi bắt gặp ông trong hình ảnh trang phục giản dị, mũ bảo hộ ghé hỏi thăm và động viên”.
Hà Đô tiền thân là một xí nghiệp xây dựng trực thuộc bộ Quốc phòng thành lập năm 1990. Công ty tham gia vào lĩnh vực bất động sản năm 1994, sau đó niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2010. Năm 2016, bộ Quốc phòng thoái vốn, bắt đầu quá trình bứt phá trong lĩnh vực bất động sản.
Hà Đô được biết đến là nhà đầu tư bất động sản có ưu thế nhờ sở hữu quỹ đất sạch tương đối tốt, hiện có khoảng 122 hecta chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội, giúp họ có doanh thu lớn trong 5 năm tới, theo KB Securities Việt Nam. Nhiều dự án Hà Đô triển khai đều bán hết nhanh chỉ trong một năm đã tạo nên uy tín cho chủ đầu tư, theo công ty chứng khoán này. Bước ngoặt lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản từ dự án Hà Đô Centrosa Garden tại quận 10, TP.HCM năm 2018, khẳng định tên tuổi công ty trong việc triển khai các dự án quy mô lớn.
Hà Đô đầu tư vào năng lượng khá sớm, từ năm 2006 bắt đầu với nhà máy thủy điện Za Hưng quy mô 30 MW, chớp cơ hội nhà nước ưu đãi cho các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ. Ban đầu, họ chỉ vận hành 2 nhà máy loại nhỏ, đến nay danh mục đầu tư gồm 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió ở các tỉnh thành.
Sau hơn một thập niên đầu tư vào năng lượng, Hà Đô bước vào giai đoạn hái quả. VNDIRECT dự đoán doanh thu từ mảng năng lượng của Hà Đô sẽ tăng gấp đôi năm 2021 và tăng trưởng kép 40,1% trong năm 2021-2022 nhờ công suất thiết kế các nhà máy điện trong kỳ tăng 34,1% sau khi ba dự án thủy điện Sông Tranh 4, Đăk Mi 2 và nhà máy điện gió 7A vận hành trong năm 2021.
Mặc dù tỉ trọng doanh thu từ điện của công ty chỉ chiếm 27,7% tổng doanh thu nhưng lại chiếm tới hơn 41% lợi nhuận gộp cho Hà Đô, đã khẳng định được chiến lược mở rộng kinh doanh đúng đắn của công ty. Tham vọng của Hà Đô, theo anh Minh, giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào điện gió và mặt trời, tăng gấp đôi công suất – từ 462 MW lên 1 GW tới năm 2025.
“Về chiến lược, chúng tôi đã tách mảng điện ra một công ty riêng nắm toàn bộ dự án điện gió và điện mặt trời và nó sẽ là tài sản cơ sở để công ty có thể tiếp tục huy động vốn để tiếp tục phát triển các dự án mới trong tương lai,” anh Minh chia sẻ.
Đọc thêm:
SolarBK: Khát vọng năng lượng mặt trời
Forbes Việt Nam số 100: Phát triển năng lượng tái tạo
Net-zero ở Việt Nam và vai trò của năng lượng tái tạo
Tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani đầu tư 80 tỉ USD vào năng lượng xanh
Sách lược: Dean Solon thành tỉ phú năng lượng mặt trời nhờ cải tiến quy trình sản xuất
2 tháng trước
Super Energy đặt cược vào ngành năng lượng Việt Nam