Vai trò lãnh đạo tại nhiều tổ chức giáo dục vẫn thiếu vắng sự hiện diện của nữ giới.
“Việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo hay còn gọi là trao quyền cho nữ giới ở các trường đại học Việt Nam cần đi vào thực tế hơn chứ không chỉ ở tầm chính sách,” bà Hoàng Vân Anh, giám đốc Chương trình giáo dục tại British Council Việt Nam chia sẻ với Forbes Việt Nam bên lề Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương diễn ra tại Singapore tuần qua.
Việt Nam đã có một số chính sách nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Theo Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT ngày 26.1.2022 của bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, tỷ lệ các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt đạt trên 60% và đạt trên 75% vào năm 2030.
Ngoài ra, tỷ lệ nữ chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 45% vào năm 2030.
Theo bà Vân Anh, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ nữ giới tham gia quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục đại học. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, các tổ chức cần thúc đẩy sự tự tin, tạo cơ hội để nữ giới thể hiện năng lực.
Nghĩa là, tạo môi trường để nữ giới có năng lực được trao cơ hội quản lý, lãnh đạo chứ không phải trao cơ hội chỉ để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
Thiếu vắng sự hiện diện của nữ giới trong các vị trí lãnh đạo tại những tổ chức giáo dục cấp cao không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà kể cả ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Anh quốc.
Bà Vân Anh cho biết, vương quốc Anh đã chọn vấn đề bình đẳng, công bằng và đa dạng trở thành trụ cột trong phát triển nền giáo dục. Từ việc chọn lựa các trụ cột này, họ sẽ đưa ra các công cụ để giải quyết vấn đề.
“Còn ở Việt Nam, thách thức là làm sao để các trường đại học thực sự quan tâm thúc đẩy vấn đề bình đẳng, không chỉ qua các chính sách mà cần có hiệu quả thực tiễn,” bà Vân Anh chia sẻ.
Theo Báo cáo Bình đẳng giới trong giáo dục đại học của Hội đồng Anh phát hành hồi tháng 3.2022, nam giới vẫn là nhóm có lợi thế ở mọi giai đoạn của sự nghiệp học tập. Họ cũng nhận được sự đánh giá cao hơn từ sinh viên so với những người phụ nữ ở vai trò giảng viên.
Để giải quyết vấn đề giới bất bình đẳng trong giáo dục đại học, cần có sự nỗ lực phối hợp từ các tổ chức khác nhau, bao gồm cả chính phủ, các học giả, các tổ chức xã hội cũng như bản thân các cơ sở giáo dục.
Các hoạt động có thể thực hiện nhằm góp phần giải quyết vấn đề này như tạo ra các chương trình đào tạo ngắn và dài hạn, trang bị cho nữ giới các kĩ năng và nâng cao sự tự tin.
Tuy nhiên ở phía ngược lại, bản thân phụ nữ cũng cần rèn luyện sự tự tin cho bản thân và chứng minh năng lực, thay vì trông đợi được đề bạt.
“Trong hàng ngũ lãnh đạo các trường đại học ở Việt Nam, nữ giới thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Một phần là do nhiều người không chọn trở thành người lãnh đạo. Vấn đề bình đẳng giới phụ thuộc vào mỗi cá nhân và phụ nữ phải rèn luyện sự tự tin cho bản thân,” bà Lê Nguyễn Tuệ Hằng, phó hiệu trưởng đại học Duy Tân nhận định.
1 năm trước
Giáo dục là chìa khóa của phát triển1 năm trước
1 năm trước