WHO khuyến cáo các nước không nên chủ quan và nghĩ biến thể Omicron là biến chủng cuối cùng kết thúc thời điểm nghiêm trọng của đại dịch.
Ngày 24.1, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuyến cáo thật nguy hiểm nếu nghĩ biến thể Omicron sẽ là biến thể cuối cùng xuất hiện và kết thúc giai đoạn nghiêm trọng nhất của đại dịch.
Những điều kiện “lý tưởng” sẽ làm xuất hiện thêm biến thể mới và sẽ không an toàn nếu nghĩ rằng “chúng ta đang trong giai đoạn đại dịch kết thúc,” Tedros cho biết khi mở đầu cuộc họp của ban điều hành WHO trong ngày 24.1.
Theo các nghiên cứu, biến thể Omicron – chiếm phần lớn trong số ca mắc COVID-19 ở Mỹ- có khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng ít gây tử vong hơn, dẫn đến các quốc gia như Anh đã tuyên bố thay đổi chính sách để “sống chung với COVID giống như cách chúng ta sống chung với bệnh cúm,” Thủ tướng Boris Johnson nói hồi tuần trước.
Nhưng theo tranh luận của Tedros, cách tiếp cận đó là thiển cận và nói “đột ngột chuyển từ trạng thái hoảng sợ sang trạng thái lơ là” sẽ tạo điều kiện cho giai đoạn cấp tính của đại dịch “tiếp tục kéo dài.”
Tedros kêu gọi các quốc gia không nên “mạo hiểm với virus” mà chúng ta không thể kiểm soát hoặc dự đoán được sự tiến hóa của chúng. Ông chỉ ra các trường hợp mắc COVID-19 vẫn sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế thế giới và triệu chứng hậu COVID-19 vẫn chưa được hiểu rõ.
Tuy nhiên, Tedros cho biết ông hy vọng giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc ngay trong năm nay nhờ tăng cường tiêm vaccine, xét nghiệm nhiều hơn và đẩy mạnh các liệu pháp điều trị luôn có sẵn trên toàn thế giới, chẳng hạn như oxy và phương pháp điều trị kháng virus.
Một vài quốc gia dường như đang ghi nhận hầu hết ca mắc do biến thể Omicron gây ra — các trường hợp mắc COVID-19 mới đang giảm ở Mỹ, và ở Anh, số ca mắc biến thể Omicron dường như đã đạt đến đỉnh điểm.
Tedros nói: “Học cách sống chung với COVID không có nghĩa là chúng ta cứ để virus này tự do gây bệnh.”
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận kể từ khi đại dịch coronavirus bùng phát cách đây gần ba năm là 351,9 triệu. Trong đó, hơn 71 triệu ca mắc đã được ghi nhận chỉ trong bốn tuần qua.
Các chính phủ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và Na Uy đều đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế trong tháng này hoặc cho biết đang có ý định. Đầu tháng này, tỉ phú và nhà từ thiện Bill Gates cho biết khi làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra kết thúc, số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới sẽ suy giảm và lúc đó bệnh này sẽ được điều trị “giống như bệnh cúm mùa”. Tuy nhiên, Tiến sĩ David Nabarro, đặc phái viên của WHO về COVID-19, nói với Sky News trong ngày 24.1 nên xem virus này là một loại virus “đầy bất ngờ, rất xấu xa và khá xảo quyệt.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài tháng qua tại Tây An
Số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ lên kỷ lục mới
Mỹ: Số ca tử vong do COVID-19 năm 2021 đã vượt cả năm 2020