Bất động sản

Đại dịch tác động ra sao đến bất động sản của Donald Trump?

Share
this:

Đại dịch COVID-19 khiến tình hình kinh doanh bất động sản của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khó tìm đối tác thuê mới.

Nằm tại góc đường 59 và đại lộ Park, khu trung tâm của quận Manhattan, là tòa nhà tuyệt đẹp mang tên Trump Park Avenue. Từng được gọi là khách sạn Delmonica, nơi đây có những cửa sổ mái vòm, hoàn thiện bằng đá cẩm thạch và căn hộ penthouse có giá bán lên đến 20 triệu USD. Donald Trump vẫn sở hữu một số tòa nhà như vậy, bao gồm nơi mà Jared Kushner và Ivanka Trump từng sinh sống.

Tuy vậy, thời gian gần đây tòa nhà này đã phần nào mất đi vẻ hào nhoáng bởi phần mặt tiền trở nên tĩnh lặng trong đại dịch COVID-19. Vào tháng 3.2020, công ty mẹ của New York Sports Clubs, điều hành phòng tập thể hình bên trong tòa nhà đã đóng cửa và sáu tháng sau tuyên bố phá sản. Capital One, nơi thanh toán 1 triệu USD/năm để thuê lại mặt bằng bên cạnh cũng rời đi hồi tháng 5.2020, khoảng 18 tháng trước khi đáo hạn hợp đồng.

Từ bên trái Trump Tower (725 Đại lộ số 5); Trump Park Avenue (502 Đại lộ Park); 1290 Đại lộ châu Mỹ và Trump Plaza (1030-1048 Đại lộ số 3). Ảnh: Nicolas Economou/Nurphoto/Getty Images; Natan Dvir/Polaris/Newscom; Anthony Beha/Sipa USA/Newscom; Mark Kauzlarich/Bloomberg.

Cũng như nhiều chủ sở hữu bất động sản khác, cựu tổng thống Mỹ gặp khó khăn trong việc giữ vững tài sản thương mại của ông trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trước đại dịch, Donald Trump từng có 30 khách thuê mặt bằng bán lẻ tại thành phố New York. Khoảng 1/4 trong số đã trả lại mặt bằng hoặc dừng hoạt động, theo ghi nhận của Forbes.

Cách đó một vài tòa nhà từ Trump Park Avenue, GNC đã đóng cửa hàng tại tòa nhà Trump Plaza, nơi mà công ty đã thanh toán ước tính 400.000 USD tiền thuê mặt bằng hằng năm. Theo người phát ngôn của Trump Organization, một doanh nghiệp mới sẽ sớm mở cửa. Theo dữ liệu bất động sản cho thuê, thu nhập đã giảm 23% từ mức trước đại dịch, khiến cho lợi nhuận suy giảm 43%.

Starbucks từng có điểm bán hàng nhộn nhịp bên trong tòa nhà Trump Tower, gắn liền với bức hình kèm theo chữ ký của Ivanka Trump hôn vào ly cà phê. Lần gần nhất ghé qua, cửa hàng này đã giăng dây đóng cửa và ở phần tìm kiếm trên trang web của Starbucks không còn hiển thị địa điểm bên trong tòa nhà.

Capital One khi còn mở cửa tại Trump Park Avenue (bên trái) và mặt bằng hiện tại. Ảnh: Google Maps

Theo người đại diện của Trump Organization, Starbucks vẫn thanh toán tiền thuê, nhưng triển vọng là không khả quan. Trả lời qua điện thoại, một nhân viên làm việc tại khách sạn Trump International, Washington, D.C. cho biết, công ty cà phê cũng đã đóng cửa điểm bán hàng tại tòa nhà này.

Cách không xa Trump Tower là tòa nhà chọc trời 1290 Avenue of Americas, nơi mà Donald Trump sở hữu 30% cổ phần bên cạnh công ty đại chúng, Vornado Reality Trust. Ngài cựu tổng thống không trực tiếp quản lý nhưng vẫn thu lời từ tòa nhà này.

Vì vậy, việc mất đi ba trong số những đối tác thuê mặt bằng bán lẻ—Teresa’s Brick Oven Pizza and Cafe, Earl of Sandwich và nhà hàng Barilla là tin không tốt cho ông. Thật khó để vận hành một điểm ăn trưa tại khu trung tâm Manhattan, khi nhiều nhân viên vẫn đang ở nhà.

Ảnh: Google Maps

Donald Trump và Vornado cũng hợp tác tại tòa nhà 555 California Street, San Francisco. Trong báo cáo đánh giá vào tháng 4.2021, số người đi vào tòa nhà đã giảm từ 5.000 xuống còn 200 trong thời điểm đại dịch. Một số ít đơn vị đang thuê, gồm Boys’ Deli, Bay Club và Proper Food đã yêu cầu được giảm tiền thuê.

Đang có những tín hiệu của sự phục hồi. Nhà hàng World Bar nằm trong tòa nhà Trump World Tower, phía đông Manhattan đã đóng cửa, nhưng vào tháng 8.2021, bảng thông cáo lại để tên của Pure Beef Inc., công ty đang xin giấy phép kinh doanh rượu. Theo người phát ngôn của Trump Organization, mặt bằng đã được thuê và sẽ sớm tiến hành việc xây dựng. Ở khu vực trung tâm, một nhà hàng kiểu Ý có tên Nerolab đang chuẩn bị khai trương tại tòa nhà The Trump Building số 40 Wall Street.

Gucci, đối tác thuê mặt bằng quan trọng nhất của Donald Trump, mỗi năm thanh toán tiền thuê ước tính 24 triệu USD và đã gia hạn hợp đồng thuê lại vào năm 2020. Vì vậy, thương hiệu bán lẻ này đã được giảm tiền thuê nhờ việc tái đàm phán sớm, mặc dù thỏa thuận trước đó chỉ đáo hạn vào năm 2026.

Teresa’s Brick Oven Pizza and Cafe chi trả 400.000 USD/năm để thuê mặt bằng tại tòa nhà 1290 Avenue of Americas, nhưng hiện tại đã đóng cửa (bên phải). Ảnh: Google Maps

Ở ngay góc phố từ cửa hàng Gucci là bất động sản bán lẻ quan trọng thứ hai của Donald Trump tại 6 East 57th Street. Nike đã thuê mặt bằng tại đây được một thập niên, hằng năm trả 16 triệu USD trước khi rời đi cách đây vài năm và cho Tiffany thuê lại. Thương hiệu trang sức này được cho sẽ hủy hợp đồng vào năm 2022, khiến cho cựu tổng thống phải đi tìm đơn vị thuê mới khi ngành bất động sản bán lẻ vẫn đang trì trệ bởi đại dịch.

Biên dịch: Minh Tuấn