Kỳ lân công nghệ (unicorn startup) là thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp công nghệ có định giá trên 1 tỉ USD. Tại Việt Nam đã có ba kỳ lân công nghệ là: VNG, VN Pay, MoMo. Trường hợp của Sky Mavis, công ty đăng ký kinh doanh tại Singapore nhưng có trụ sở tại TP.HCM, công ty do đội ngũ người Việt sáng lập và dẫn dắt cũng có thể xem là một kỳ lân Việt Nam. Trong vòng gọi vốn series B vào cuối quý III.2021, Sky Mavis vừa huy động thành công 152 triệu USD với mức định giá công ty 3 tỉ USD.
Có vài đặc điểm chung giống nhau giữa các công ty kỳ lân: lấy công nghệ là trung tâm phát triển; thay đổi mô hình hoạt động của một ngành; dẫn đầu hoặc ít nhất thuộc nhóm công ty dẫn đầu lĩnh vực đó; tập trung giải quyết các vấn đề các vấn đề của các khách hàng cá nhân ở một thị trường rộng lớn – thông thường là thị trường quốc tế…
Nhiều kỳ lân công nghệ khu vực Đông Nam Á đều có những đặc điểm này, hoạt động ở nhiểu quốc gia, tiêu biểu như: Grab, Gojek (vận chuyển), Bigo (mạng xã hội), Traveloka (đặt phòng trực tuyến), Lazada (thương mại điện tử), VNG (phân phối game và mạng xã hội), Sky Mavis (game blockchain)…
Nhưng điều này không đúng với MoMo, ứng dụng ví điện tử được thành lập năm 2007. Trong vòng gọi vốn series E thứ 5 công bố vào cuối năm 2021, MoMo đã nhận được số tiền 200 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư quốc tế dẫn đầu bởi ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), tương ứng với giá trị công ty định giá vượt 2 tỉ USD. Tuy nhiên trao đổi với Forbes Việt Nam trong buổi ra mắt hội đồng AI của MoMo (AI Committee), ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch MoMo cho biết công ty chưa có kế hoạch mở rộng ra các thị trường quốc tế vì nhiều lý do. Thứ nhất, lĩnh vực thanh toán tại mỗi quốc gia luôn có các hàng rào gia nhập đó là giấy phép hoạt động. Thứ hai, trong lĩnh vực trung gian thanh toán, mỗi thị trường có những đặc điểm riêng biệt, vì vậy kể cả nhiều kỳ lân công nghệ lớn cũng chỉ thành công tại thị trường bắt đầu khởi nghiệp, họ gặp khó khăn khi mở rộng ở các thị trường bên ngoài. Thứ ba, MoMo nhận thấy có nhiều cơ hội khai thác sâu và cơ hội kinh doanh ở thị trường nội địa khi có nhiều nhu cầu và dịch vụ chưa đáp ứng đủ đầy đủ.
Theo MoMo, kỳ lân này hiện thu hút hơn 30 triệu người dùng. Lần đầu tiên công bố trở thành siêu ứng dụng và cán mốc 20 triệu người dùng vào tháng 9.2020, MoMo cho biết đang thử nghiệm cung cấp 400 – 500 dịch vụ khác nhau trên nền tảng ví điện tử. Từ năm 2019, MoMo đã áp dụng và đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu (data) nên đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ và sản phẩm tới người dùng dựa trên các hành vi sử dụng, thói quen chi tiêu của khách hàng và sử dụng AI dự báo nhu cầu của người sử dụng ví.… để tùy biến đưa ra các dịch vụ và sản phẩm phù hợp từ mua sắm, giải trí, chi tiêu cá nhân…
Trong dịp khai trương văn phòng mới, MoMo giới thiệu hội đồng AI, khẳng định quyết tâm áp dụng AI một cách thực tế nhất để hiểu, dự báo hành vi người dùng để tăng tích cực trải nghiệm cũng như mở rộng quy mô tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh ở thị trường nội địa. Hội đồng AI của MoMo gồm 7 thành viên, các kỹ sư công nghệ đã từng làm việc cho các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam và thế giới.
Đầu năm 2021, MoMo tuyên bố hợp tác với Nhanh.vn công ty chuyên cung cấp các giải pháp quản lý bán hàng đa kênh. Trước đó, MoMo hợp tác với ngân hàng TPBank đưa ra dịch vụ tiêu trước thanh toán sau. Ông Diệp cho biết hiện thị trường nội địa có nhiều cơ hội và dịch vụ chưa được đáp ứng đầy đủ nên MoMo sẽ không giới hạn hoạt động trong các lĩnh vực hiện có mà có thể mở rộng ra các lĩnh vực liên quan đến hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng đầy đủ nhất.
3 năm trước
OnPoint đứng sau nhãn hàng