Chặng đường 27 năm kinh doanh của Unilever tại Việt Nam tạo ra những tác động tích cực trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng và những nỗ lực bảo vệ môi trường.
Thử ngắm quang cảnh trái đất từ trên cao vào sáng sớm một ngày đầu thiên niên kỷ thứ ba. Ánh nắng mặt trời chói chang, mặt đất không một bóng cây, đại dương khô hạn, không gian im lặng, những đường phố hoàn toàn vắng bóng người. Hành tinh xanh đã trở nên hoang tàn, cả bề mặt ngập tràn trong rác thải, thi thoảng một cơn gió thổi tung cát bụi.
Nổi bật trên đường chân trời của các siêu đô thị như New York hay Thượng Hải không phải là các tòa cao ốc hiện nay mà là các núi rác xếp thành từng khối vuông, chồng lên nhau cao vút. 700 năm trước đó con người nhận ra trái đất không thể tái sinh nên di chuyển lên sinh sống ở các phi thuyền. Lượng rác thải khổng lồ phủ kín bề mặt địa cầu do các robot tự hành ở lại dọn dẹp.
Đó chỉ là những phân cảnh giả tưởng trích đoạn từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng Wall-E của hãng Pixar. Với thông điệp tình yêu và bảo vệ môi trường, bộ phim là lời cảnh báo về chủ nghĩa tiêu dùng thái quá khiến hệ sinh thái tự nhiên mất cân bằng, không thể tái sinh đẩy trái đất rơi vào thảm họa diệt vong. 14 năm sau khi bộ phim viễn tưởng được công chiếu, thông điệp đó không lỗi thời mà càng có tính thời sự hơn.
Cùng với hiệu ứng nhà kính do khí CO2, sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu, rác thải nhựa là vấn đề nan giải đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại. Theo World Wildlife Fund, các vật dụng đồ nhựa hằng ngày cần tới hàng trăm năm để phân hủy. Theo World Bank, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về việc xả rác thải nhựa vào đại dương. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mỗi năm một người Việt Nam thải ra môi trường gần 19kg rác nhựa, phần lớn được chôn lấp thô sơ không qua tái chế và xử lý.
Trong khi đó theo hiệp hội Nhựa Việt Nam, sản phẩm đồ nhựa theo đầu người tại Việt Nam đã tăng nhanh từ mức 3,8kg/người/năm lên 41 kg/người/năm trong giai đoạn 1990-2015. Chắc chắn con số này tăng lên nhanh hơn nữa trong những năm gần đây khi tại các đô thị lớn nhịp sống hiện đại khiến đồ nhựa dùng một lần xuất hiện khắp nơi qua các ứng dụng gọi đồ ăn mang đi như Beamin, Grab, Gojek…
Vào đầu năm 2022, vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và rộng hơn là các vấn đề môi trường bắt đầu được quan tâm trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cam kết “net-zero” phát thải CO2 vào năm 2050 của chính phủ tại hội nghị COP26 ở Glasgow. Sớm hơn cột mốc này, song song với việc kinh doanh tại Việt Nam, nhiều tập đoàn đa quốc gia đến từ EU vạch lộ trình phát triển bền vững. Một trong số đó là Unilever Việt Nam, thành viên của tập đoàn Unilever, công ty đứng thứ 125 trong danh sách Global 2000 năm 2022 của Forbes.
“Cốt lõi hoạt động của Unilever Việt Nam là phát triển bền vững. Chúng tôi không chỉ dừng lại ở phát triển kinh doanh mà rất chú trọng đến sự phát triển ở các lĩnh vực môi trường, xã hội và con người,” bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ tịch của Unilever Việt Nam nói trong buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam tại trụ sở công ty. Khi nhắc đến phát triển bền vững, khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đang ngày càng được chú ý nhiều hơn và Unilever Việt Nam là một trong những cái tên đang hành động cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và quản lý, xử lý bao bì nhựa.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, hiện tại sản phẩm Unilever có mặt trong hàng triệu gia đình Việt Nam từ mỹ phẩm, chất tẩy rửa tới thực phẩm tiêu dùng. Năm 2021, công ty đứng thứ 28 trong số các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, theo tổng cục Thuế. Khi kể về hành trình của Unilever tại Việt Nam, bà Vân nhắc lại câu chuyện từ năm 1883 người sáng lập công ty này đã giới thiệu sản phẩm xà phòng Sunlight tại vương quốc Anh với mục đích phổ biến và nâng cao nhận thức về vấn đề vệ sinh cá nhân trong tầng lớp bình dân lúc đó.
Tương tự, khi công ty này xuất hiện tại Việt Nam cũng đã góp phần tạo ra sự thay đổi nâng cao nhận thức cộng đồng. Các sản phẩm như xà bông Lifebuoy, bột giặt Omo, dầu gội đầu Sunsilk, sản phẩm chăm sóc răng miệng thương hiệu P/S… giờ đây quen thuộc với cuộc sống hàng triệu gia đình.
“Tại Unilever, chúng tôi tin rằng để công ty phát triển và trường tồn, chúng tôi cần xây dựng kinh doanh bền vững, và đưa phát triển bền vững vào cốt lõi của mô hình hoạt động của mình,” bà Vân nói. Chủ tịch Unilever Việt Nam nhận xét Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Chỉ trong 10 năm gần đây thiên tai bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại về tài sản và sinh kế của nhiều người dân. “Trong kinh doanh hay cuộc sống, chúng ta có thể có kế hoạch A, kế hoạch B nhưng chúng ta chỉ có duy nhất một hành tinh để gắn kết và bảo vệ,” bà nói.
Về sự phát triển bền vững của Unilever, CEO Unilever Alan Jope từng nói: “Sẽ không có một Unilever bền vững nếu không có một hành tinh bền vững.” Vào cuối năm 2020, tập đoàn Anh quốc đã công bố các mục tiêu và hành động để thực hiện lộ trình giảm phát thải. Trong ngắn hạn, vào năm 2025, tập đoàn cam kết giảm 70% lượng phát thải tuyệt đối phát sinh từ hoạt động vận hành của Unilever so với năm 2015.
Trong trung hạn, vào năm 2030, tập đoàn cam kết giảm 100% lượng phát thải tuyệt đối phát sinh từ hoạt động vận hành của Unilever so với năm 2015. Trong dài hạn vào năm 2039, Unilever hướng tới mục tiêu toàn bộ chuỗi giá trị đạt lượng phát thải bằng 0, bao gồm cả các nhà cung cấp và phân phối, các đối tác đang chiếm tới 75% số lượng phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Tại Việt Nam, vào năm 2021, Unilever Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu không phát thải CO2 từ hoạt động vận hành của doanh nghiệp, trước thời hạn chín năm so với cam kết của tập đoàn mẹ. Công ty chuyển đổi sử dụng sang năng lượng tái tạo trong vận hành, tìm kiếm các nguyên liệu mới, cải tiến sản phẩm nhằm giảm phát thải khí carbon. Nhưng nguồn khí thải carbon từ hoạt động vận hành trong nội bộ nhà máy của Unilever chỉ chiếm một phần nhỏ, tương ứng 25% lượng khí thải carbon xuất phát trong toàn bộ chuỗi giá trị: từ nguyên liệu thô, khí thải từ việc vận chuyển nguyên liệu, đến các hoạt động của nhà máy, sau đó là quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và được sử dụng.
“Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu khí hậu một mình, mà cần đến sự hợp tác, chung tay của tất cả các đối tác, nhà cung cấp trong toàn chuỗi giá trị,” bà Vân thừa nhận và kể mới nhất cuối tháng 5.2022 công ty đã tổ chức hội nghị “Chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính” với hơn 200 nhà cung cấp và đối tác tham gia, nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện các giải pháp cắt giảm khí nhà kính với những chương trình cụ thể.
Nếu lộ trình cắt giảm nhà kính là một hành trình dài với nhiều bước thực hiện thì trong ngắn hạn Unilever Việt Nam đã thực hiện nhiều sáng kiến môi trường trong quyết tâm quản lý bao bì nhựa. “Nhựa là vật liệu có giá trị, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, giúp đảm bảo việc phân phối sản phẩm được diễn ra an toàn và hiệu quả, đồng thời phát thải ít carbon hơn nhiều so với những vật liệu thay thế khác. Vấn đề cần quan tâm chính là nhựa lại tồn tại quá nhiều trong môi trường,” bà Vân đưa ra quan điểm.
Theo nữ lãnh đạo Unilever Việt Nam, hiện nay, các nhà máy của công ty không có rác thải chôn lấp ra môi trường. Công ty đặt ra các mục tiêu cam kết cụ thể vào năm 2025: 100% bao bì sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng; giảm 50% nhựa sử dụng trong sản xuất; thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng nhựa bán ra. Để thực hiện mục tiêu khó khăn này, Unilever đã tiến hành song song hai chương trình lớn sử dụng bao bì bền vững và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Với quan điểm “ít nhựa hơn, nhựa tốt hơn, tiến tới không dùng nhựa,” Unilever tập trung vào hai yếu tố chính: “Đầu tiên, cần đảm bảo mọi thứ chúng tôi sản xuất đều có thể tái chế. Thứ hai, phải sử dụng tối đa vật liệu tái chế, khi sử dụng vật liệu tái chế là chúng ta giảm sử dụng nhựa nguyên sinh,” bà Vân nói. Nhờ vào công nghệ mới mà hiện nay 100% vỏ chai của các sản phẩm Sunlight, Comfort, Love Beauty & Planet đều được sản xuất từ nhựa tái sinh PCR; công nghệ nén và cô đặc sản phẩm giúp công ty cắt giảm đáng kể lượng nhựa sử dụng trong sản xuất bao bì. Công nghệ Smartsense, Unilever chuyển bao bì dầu gội dây CLEAR sang bao bì Mono PE thúc đẩy quá trình tái chế sau đó diễn ra dễ dàng hơn.
“Việc cấm nhựa không phải là giải pháp, mà cần xuất phát ở việc đảm bảo tất cả nhựa chỉ xuất hiện trong nền kinh tế tuần hoàn. Hiểu một cách đơn giản: chúng ta cần xem nhựa như một nguồn tài nguyên thay vì chất thải,” bà Vân nhận định. Do đó, Unilever đã hợp tác cùng bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa từ năm 2020.
Một trong những nút thắt của vấn đề quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam là hệ thống phân loại và thu gom rác thải nhựa chưa đồng bộ. Nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thông qua hợp tác cùng Urenco, VietCycle và Duy Tân, Unilever đã phát động chương trình thu gom rác thải tại Hà Nội. Kết quả chương trình thu hồi 7.500 tấn rác tái chế, trong đó có đến 6.500 tấn rác thải nhựa – có thể chuyển giao tái chế và sử dụng trong sản xuất bao bì của Unilever. Số lượng này là khiêm tốn so với 1,8 triệu tấn chất thải nhựa Việt Nam thải ra môi trường mỗi năm. “Vấn đề chúng ta phải hành động, phải có sự khởi đầu để dẫn đến sự thay đổi nhận thức cộng đồng,” bà Vân nói.
Chủ tịch Unilever Việt Nam kỳ vọng hành động của các doanh nghiệp như Unilever sẽ trở nên có ý nghĩa và tạo ra cộng hưởng lớn hơn nếu cũng có các hành động tương tự của các doanh nghiệp trong nước. Trong đó không thể không nhấn mạnh tới vai trò kiến tạo điều phối hành động của cơ quan quản lý qua hành lang chính sách và quản lý. “Chúng tôi kêu gọi hành động từ các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng để cùng chung tay với chúng tôi tạo ra sức mạnh tổng hòa nhằm nâng cao hơn nữa các tác động tích cực đến môi trường,” bà Vân nói.
——————————————-
Theo Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022, chuyên đề Kinh tế tuần hoàn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/unilever-viet-nam-cam-ket-ben-lau)