Forbes Việt Nam Under 30

Thi Anh Đào, U30 Forbes Vietnam 2015: Thành công là khi biết xếp đặt các ưu tiên và đưa ra lựa chọn


2022 là bước ngoặt mới của Thi Anh Đào, theo đuổi kế hoạch mới với nhiều dự án tham vọng. Chặng đường nhiều trải nghiệm đã cho thấy một Thi Anh Đào trưởng thành, dày dặn hơn. “Khởi nghiệp cả chặng đường dài ở độ tuổi còn trẻ, thiếu nhiều thứ, về năng lực, kinh nghiệm, quá trình phát triển công ty rất nhiều áp lực đó cũng chính là quá trình phát triển bản thân,” cô nói.

Phỏng vấn: Tuyết Ân
Thiết kế: Thành Long
Hình ảnh: Duy Lê & Nhân vật cung cấp




PV: 14 năm khởi nghiệp và 7 năm từ ngày vào danh sách Under 30, những cột mốc nào ảnh hưởng lớn đến hành trình của bạn?

Thi Anh Đào: Cột mốc gắn với Under 30 khá gần thời điểm tôi được chọn vào danh sách là chính thức công bố sáp nhập Emerald vào tập đoàn quốc tế Dentsu Aegis Network. 8 năm trải qua nhiều bước tái cấu trúc, thay đổi định vị và tầm nhìn, để có thể trở thành “chiến hữu” thật sự của những nhãn hàng và đối tác. Để có được những thành quả như hiện nay thì nhịp thay đổi liên tục, áp lực rất lớn cho cả đội ngũ và bản thân tôi.

Nhưng cột mốc quan trọng nhất đến từ sớm hơn, đó là khi ba tôi mất, sự kiện này làm thay đổi hoàn toàn thế giới quan, tôi bắt đầu suy nghĩ về mục tiêu cuối cùng của cuộc đời là gì? Nó cũng được truyền cảm hứng để tôi xác định trở thành một enabler (người giúp người khác có thể hoàn thành việc họ không thể tự mình). Từ đó những lựa chọn công việc, sự nghiệp, dự án, các mối quan hệ, các ưu tiên về thời gian đều được dẫn dắt bởi suy nghĩ đó.

Năm 2019, sau 10 năm trong ngành quảng cáo truyền thông, tôi nghiệm lại tất cả những điều mình cảm thấy hạnh phúc hay tạo cho mình cảm giác thành tựu lại không giống như bất cứ người nào trong ngành. Mình không gắn bó được như những người thực sự thuộc về ngành này. Khi làm kinh doanh tôi cảm nhận sự đối mặt lớn nhất là về con người, tôi bắt đầu những kết nối nghiêm túc hơn về đào tạo và tâm lý, những ngành mà tôi tin sẽ tạo sân chơi lớn hơn cho điều mình thật sự muốn làm.


Thi Anh Đào chia sẻ với sinh viên tại TED Talks do đại học Fulbright tổ chức, 2022.

PV: Công nghệ thay đổi nhanh chóng áp lực lên các mô hình kinh doanh, cách sống, cách làm việc hay kết nối cá nhân, với trải nghiệm trong lĩnh vực này, bạn nhìn thấy bức tranh thay đổi như thế nào?

Thi Anh Đào: Thay đổi lớn nhất và dễ nhìn thấy nhất đó là cuộc cách mạng digital làm dịch chuyển các ngành từ truyền thống sang công nghệ số. Đó là lý do chúng tôi khởi nghiệp thành công, vì mình xuất hiện đúng thời điểm.

Sau giai đoạn dài, thế giới lại bước vào giai đoạn hậu kỹ thuật số. Khi quá nhiều công nghệ và tiện nghi thì nhu cầu tương tác và kết nối cao hơn, con người lại quay về nhu cầu rất căn bản, lấy con người làm trung tâm (human centric). Từ năm 2016 Isobar đã có những hội thảo về chủ đề này, tôi cảm thấy may mắn công ty mình có thể ánh xạ được từ thị trường toàn cầu và đưa vào Việt Nam.

Khi nói thương hiệu hay danh tiếng của doanh nghiệp, là để người khác có thể nói những điều tốt đẹp, thì trải nghiệm tạo ra cho khách hàng phải tốt đẹp. Tôi nghĩ khái niệm hay cách tiếp cận không mới, chỉ là công nghệ khiến người ta cảm thấy nó có quá nhiều thứ mới. Chúng ta đi từ web 1.0 đến web 3.0, ai cũng thấy mới mẻ quá nhưng đích đến cuối cùng vẫn sẽ quay về những điều rất cơ bản: con người.

PV: Ở góc độ cá nhân, sự thay đổi bắt đầu như thế nào, nó khác gì khi bạn ở tuổi U30?

Thi Anh Đào: Khi nghiệm ra mình không còn cảm thấy quá vui sướng khi những ý tưởng hay những chiến dịch được tung hô mà điều hạnh phúc nhất là nhìn thấy những người dù ở độ tuổi nào cũng có thể bước ra khỏi vùng an toàn và phát triển bản thân thì tôi nhận thấy điều mình thực sự quan tâm là ở đây là những hoạt động phát triển con người.

Niềm tự hào có khác biệt so với thời điểm vào danh sách U30. Thời điểm đó, cơ hội cho các tài năng trẻ thăng tiến ở lĩnh vực này tại Việt Nam không nhiều, do ngành còn non trẻ và đặc thù chuyên môn cao. Tôi rất tự hào Isobar Việt Nam là sân chơi cho người trẻ học hỏi, thể nghiệm, phát triển năng lực và ấp ủ nghề nghiệp, nhưng bây giờ nhiều bạn trẻ ngày đó đã trở thành những người quản lý, dẫn dắt ở nhiều tập đoàn khác trên thị trường.


Thi Anh Đào tại sự kiện Isobar Việt Nam và AccessTrade liên kết ra mắt giải pháp Connected Commerce – kết nối trực tiếp chiến dịch xây dựng thương hiệu (branding) với hoạt động bán hàng (performance) năm 2021.

Hành trình của Isobar cũng chính là hành trình trưởng thành của tôi. Đầu tiên, bản thân Isobar đã là một phần dẫn dắt thị trường khiến mình liên tục chịu áp lực đưa ra những giải pháp đổi mới sáng tạo cho thị trường. Nó tạo nên trạng thái luôn phải tìm cách đổi mới và hình thành một góc độ trong tính cách của mình là luôn tiến về phía trước, theo đuổi điều mới mẻ.

Giá trị theo đuổi từ ngày đầu khởi nghiệp là agency không đơn thuần làm thuê cho nhãn hàng mà là một cộng sự cùng họ giải bài toán kinh doanh thông qua công cụ sáng tạo truyền thông. Khi đi vào các ngành khác tôi có thể sao chiếu bản thân, giá trị mình mang đến là gì, nó đòi hỏi mình phải biết luôn nghề của họ mới có thể tư vấn hiệu quả. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn kế tiếp.

PV: Bạn có cảm thấy tiếc nuối điều gì đó chưa thực hiện được?

Thi Anh Đào: Điều muốn thực hiện tốt hơn thì rất nhiều, điển hình nhất là làm thế nào để chuyển giao năng lực và sự hiểu biết đa kênh trong truyền thông, đa ngành nghề trong tư vấn cho các lớp thành viên tham gia sau hiệu quả hơn.




PV: Bạn tham gia đầu tư phim ảnh, giáo dục, tâm lý… những trải nghiệm thành công, thất bại quanh sự “ôm đồm” như thế là gì?

Thi Anh Đào: (Cười) Đào rất ôm đồm. Có khi bạn bè nói “sao mày làm nhiều thứ quá” nhưng với tôi là hành trình khám phá những lĩnh vực khác nhau. Ngoài Isobar tôi đầu tư phim ảnh, giáo dục, mở công ty tư vấn tâm lý. Tuy nhiên để làm nhiều thứ cùng lúc thì phải cố gắng xác định rõ vai trò là nhà đầu tư, tư vấn hay vận hành… mới ưu tiên thời gian thích hợp.

Thành công thất bại đều có. Ví dụ đối với điện ảnh có thể nói đội ngũ Đào thành công. Tôi tự hào bộ phim doanh thu trăm tỉ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam là do công ty tôi đầu tư (Siêu sao siêu ngố), các cộng sự chúng tôi đã thành công trong lần hợp tác đầu tiên đã đạt ngưỡng doanh thu đó. Sau đó một năm, một phim Tết khác (Trạng Quỳnh) tạo rất nhiều tranh cãi, gây cuộc chiến truyền thông xuyên mùa Tết. Đối với điện ảnh tôi chỉ là người đầu tư và mang về những trải nghiệm thú vị.

Va vấp cũng không ít, khi đầu tư vào công ty tư vấn tâm lý. Ban đầu các chỉ số kinh doanh khá tốt cứ nghĩ khả thi. Tuy nhiên thất bại ở một điều cũ nhưng luôn mới: sự phối hợp. Các xung đột diễn ra khi mình hoàn toàn đứng từ góc độ kinh doanh trong khi các chuyên gia tâm lý nổi tiếng theo đuổi học thuật, những phản hồi không khéo làm tổn thương lòng tự trọng của họ.

PV: Lại một bài học khác?

Thi Anh Đào: Đôi khi nhìn lại khá buồn cười vì mình kinh doanh đã khá lâu mà vẫn phạm phải những sai lầm cơ bản. Bài học đầu tiên tôi bước vào ngành đào tạo tâm lý, những con người hoàn toàn khác biệt so với ngành marketing quảng cáo – những con người rất cá tính, thể hiện bản thân, đấu tranh tới cùng và nói ra suy nghĩ cách dễ dàng. Còn các chuyên gia biểu đạt hiền hòa, đôi khi rất giận vẫn không nói, họ giỏi chuyên môn không có nghĩa “dùng lý lẽ để đấu khẩu” với chúng ta nên họ cảm thấy không vui.



PV: Mục tiêu ngắn hạn trong 5 năm tới và khát vọng xa hơn nữa là gì?

Thi Anh Đào: Cách đây 7 năm, khi lần đầu trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam thì Đào chỉ có Isobar là đứa con tinh thần, đứa con đầu tiên. Thời gian qua mọi nguồn lực dồn vào đó, dù khám phá những lĩnh vực mới thì sự nghiêm túc vẫn không cao, cố gắng thế nào cũng không toàn tâm được.

Mặc dù những trải nghiệm thất bại khiến hành trình đào tạo tâm lý dang dở nhưng tôi vẫn dự định tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực này trong 3-5 năm tới, ở nhiều hình thức và vai trò (chuyên gia, doanh nhân, cố vấn…) để có thể mang đến năng lực phát triển bản thân cho nhiều người hơn. Việc xây dựng các kỹ năng và kiến thức về tâm lý để có một tinh thần vững vàng hơn trong thế giới nhiều biến động không chỉ với giới trí thức mà cần thiết hơn là những người không có cơ hội tiếp cận hay có bất cứ nhận thức nào về sức khỏe tinh thần là điều quan trọng.

Còn về dài hạn tôi nghĩ không thay đổi nhiều bởi những mục tiêu xác định từ sớm vẫn đúng cho đến bây giờ. Tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc với vai trò là người đầu tư, chỉ là trên hành trình trưởng thành mình sẽ có những cách thức hiệu quả hơn. Bởi mình đã có được những bài học lớn hơn để trong quá trình trở thành một mentor (người cố vấn) vừa giúp người khác vừa giúp chính mình.

PV: Khi thất bại hay đau buồn, động lực bước ra khỏi nguồn năng lượng tiêu cực để giữ hành trình xuyên suốt là gì?

Thi Anh Đào:Nhiều người cho rằng hành trình của tôi suôn sẻ nhưng ở bên trong chứng kiến tất cả sự vật vã. Thử tưởng tượng “con vịt quẫy đạp”, những con vịt bơi rất thư thái nhưng thực ra đôi chân bên dưới quẫy đạp điên cuồng. Áp lực của người trẻ khởi nghiệp là phải liên tục phát triển bản thân tương xứng với tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức, nó có thể dẫn đến khó khăn tinh thần như nghi ngờ năng lực bản thân, đổ vỡ lòng tin với chính mình và người xung quanh. Nhiều lúc thấy tiêu cực, muốn bỏ cuộc, đặc biệt khi tôi nhận ra mối quan tâm thật sự của mình không còn ở ngành quảng cáo, không còn nhiều động lực thôi thúc.

Sau tất cả thì kim chỉ nam cuộc sống sẽ đưa mình quay về quỹ đạo. Khi còn trẻ tôi được thôi thúc “làm người phải có bản lĩnh”, nó thành tiêu chí sống, khi trắc trở, nó đánh thức mình nếu bỏ cuộc sẽ cảm thấy xấu hổ với bản thân, giúp mình ý thức được những tiêu cực là do đang ở một trạng thái thiếu bản lĩnh và tìm cách thoát ra. Có khi bản lĩnh đó là khả năng thành thật với chính bản thân mình.

Động lực còn từ sự giúp đỡ về tinh thần lẫn không gian của những người bạn tốt, bằng cách này hay cách khác họ giúp tôi đối mặt khó khăn, học được bài học mình cần, có bài học dễ dàng nhưng có những bài học rất khó khăn.


Thi Anh Đào trong phiên thảo luận tại hội nghị Sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Summit 2022) tại TP.HCM, 2022.

PV: Vậy định nghĩa về sự thành công có thay đổi, nếu được chọn lại công việc, điều đó là gì?

Thi Anh Đào: Có thể nói tôi khá may mắn khi nhận thức về thành công khi còn khá trẻ và hiện định nghĩa đó không thay đổi nhiều. Với tôi thành công chỉ được xác định chỉ bởi chính cá nhân đó, không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố không phù hợp với giá trị họ theo đuổi, họ tạo ra kết quả tích cực cho cuộc sống và cho chính họ.

Nếu chọn lại tôi vẫn theo đuổi lựa chọn ban đầu vì chặng đường đó mang đến những bài học sâu sắc về con người, tạo ra các bước đệm hiện tại.




PV: Khi tôi thực hiện danh sách Under 30, bạn bắt đầu hành trình làm mẹ, 7 năm trải nghiệm cùng lúc các vai trò khác nhau đó có gì đặc biệt?

Thi Anh Đào: Mọi thứ diễn ra cũng tự nhiên, lập nghiệp, kết hôn, sinh con… không ai báo trước được hành trình đó ra sao, có nhiều cảm xúc và sự vật lộn như thế nào. Thời gian cho con sẽ không bao giờ là đủ với bất cứ người mẹ nào mà mình lại nhiều bận rộn nên trải nghiệm lớn của người mẹ với tôi là “cảm giác tội lỗi”. Tôi đã phải nghĩ cách thiết kế lại hệ thống hỗ trợ nuôi dạy con cùng mình, như mẹ mình hay ba của con mình. Điều này lại cho mình những kỹ năng điều phối các mối quan hệ, giải quyết những quan điểm xung đột trở thành giá trị tương hỗ.

Nếu trước đây ai hỏi bất kỳ nhân viên nào về Đào sẽ được trả lời “chị ấy rất dữ”, nhưng sau khi có con, một trợ lý đã rời công ty quay về ngạc nhiên “giờ chị khác quá”. Đơn giản, quá trình giao tiếp với con mình biết lắng nghe và học được rất nhiều, dùng cách tương tác với con để tương tác với mọi người, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Đó là bài học trưởng thành như một người mẹ, một lãnh đạo và trưởng thành hơn so với chính mình.


Thi Anh Đào và con, năm 2015 khi vào danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam cô đang mang thai con đầu lòng.

PV: Bạn quan niệm hạnh phúc theo nghĩa nào?

Thi Anh Đào: Quan điểm hạnh phúc của tôi thay đổi qua từng thời kỳ. Khi còn trẻ, bản năng cho mình xem tình yêu là tất cả. Khi qua nhiều hành trình trải nghiệm tôi cảm nhận hạnh phúc có ở nhiều nơi, chỉ là chúng ta không tích cực nhìn vào nó mà chỉ tập trung vào những thứ tiêu cực. Có khái niệm “đừng bắt con cá leo cây”. Thử áp vào các mối quan hệ, sẽ thấy nhiều thứ khiến chúng ta không cảm thấy hạnh phúc bởi nó phi tự nhiên. Biết một người không phù hợp nhưng vẫn giao việc rồi ngày ngày theo hỏi “tại sao không làm?”, khiến mình không vui vì bản chất là tự gây khó mình.

Hạnh phúc đơn giản theo tôi là nhìn nhận được giá trị những việc, những người chung quanh mang đến, mình cảm kích giá trị đó và hạnh phúc trở thành điều dễ dàng.

PV: Nhân vật tạo nguồn cảm hứng vượt trội với sự nghiệp và cuộc sống của bạn?

Thi Anh Đào: Ba tôi. Ông là hình mẫu truyền cảm hứng lớn nhất cho tôi. Mỗi khi khó khăn tôi được vực dậy bởi ông đã dạy tôi sống phải có bản lĩnh và chân thành với mọi việc, mọi người. Ông cũng dạy tôi bất kỳ sự dễ dãi nào về cảm xúc sẽ phải đánh đổi bằng các cơ hội để trưởng thành, nói bình dân hơn là “ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày”.

PV: Tại sao bạn không theo đuổi con đường chính trị?

Thi Anh Đào: Thiên hướng chính trị của tôi từ bé khá rõ bởi mình sống, tiếp xúc nhiều với những con người trong môi trường chính trị. Nhưng từ năm 3 đại học tôi lại nhận ra đặc thù của nó không phù hợp với lựa chọn sống của mình. Đặc biệt ba tôi không cản trở cũng không khuyến khích bởi theo ông con gái theo chính trị rất mệt mỏi, nhưng thực ra sau mới thấy làm kinh doanh cũng mệt mỏi thôi rồi! (cười).

Điều khác biệt lớn là cảm giác nếu chọn sự nghiệp chính trị mình không tự quyết được trong một hệ thống to lớn đó nên cuộc sống mình muốn khó thể diễn ra được. Nhìn vào cuộc đời của ba tôi, tôi biết mình không thể nào có được cuộc sống mình mong muốn nên chọn thử sức với ngành mang tính thương mại. Đó là cuộc sống mình có được, khả năng tự chủ và tự quyết cao cho việc mình làm. Thực ra sau này mới biết làm chủ doanh nghiệp cũng không thể tự quyết nhiều lắm, ví dụ đơn giản lịch làm việc là do nhân viên quyết! (cười)




PV: Trải nghiệm nào theo bạn là quan trọng khi người trẻ gặp thách thức trong cuộc sống hay sự nghiệp?

Thi Anh Đào: Các bạn trẻ hiện nay dám sống với lựa chọn của mình hơn thế hệ của tôi. Điều tôi muốn chia sẻ chính là không chỉ trong tình yêu, sự nghiệp mà cuộc sống nói chung, điều khó nhất không phải là cân bằng mình với thế giới bên ngoài hay cân bằng giữa các lựa chọn mà chính là phải hiểu rõ điều gì thực sự quan trọng cần làm ở giữa những giai đoạn cuộc đời.

Thành công của một người được xây dựng bởi 3 yếu tố: nguồn lực (kiến thức, tài năng, mối quan hệ, ngoại hình…); khả năng tận dụng nguồn lực để tạo ra kết quả; và sự ưu tiên. Tôi tin rằng ý thức về sự ưu tiên là quan trọng nhất, nếu không hai điều kiện còn lại khó thể tạo kết quả mong muốn. Theo tôi cuộc sống này chính là việc xếp đặt các ưu tiên và đưa ra lựa chọn, chứ không phải cân bằng giữa các đối trọng nào đó để cố gắng đạt được. Một sự cố gắng để cân bằng chính nó đã tạo ra sự mất cân bằng và khiến ta rất mệt mỏi.

PV: Nếu quan niệm cuộc sống là phi cân bằng, bạn có đam mê hay có thú vui nào khác để trú ẩn?

Thi Anh Đào: Tôi không thích bất cứ gì quá nhiều và cũng không ghét bất cứ gì, cũng tránh hai chữ đam mê vì với tôi nó lớn quá. Có những sở thích giúp tôi giữ trạng thái ổn định khi chịu quá nhiều áp lực, là tìm cách đi vào bên trong chính mình. Ví dụ có giai đoạn căng thẳng nhất của công ty, tôi đi vẽ tranh, nó giúp mình im lặng và tập trung hoàn toàn, trong đầu có quá nhiều thứ thì không nghĩ được gì rõ ràng cả. Hoặc tôi thích pha cafe, lúc cần cảm giác ổn định thì ngồi chế cà phê kiểu Nhật, tập trung và không bị va chạm bởi những suy nghĩ rối rắm.

PV: Còn câu chuyện viết sách?

Thi Anh Đào: Ít người biết cuốn sách xuất bản đầu tiên Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi lại là cuốn thứ hai tôi viết, nó dễ dàng hơn bởi viết cho các bạn trẻ bắt đầu va chạm sự nghiệp. Khi vào danh sách Under 30, nhà xuất bản liên hệ mình viết chia sẻ những trải nghiệm khởi nghiệp, nhưng mỗi năm trải nghiệm hơn lại thấy nó lạc hậu, thấy mình ngây thơ thế, lại viết lại. Tuy nhiên tôi đặt tham vọng lớn với chủ đề này, không chỉ viết về cách khởi nghiệp mà mong muốn chia sẻ cho bất cứ phụ nữ nào đang lựa chọn cuộc sống tự chủ, cái giá được trả trong tất cả các khía cạnh đời sống. Tôi muốn góc nhìn chân thực về những điều phải đối diện, nên muốn sự chỉnh chu, mất nhiều thời gian.

PV: Miêu tả cá nhân bạn trong ba tính từ?

Thi Anh Đào: Disciplined – làm điều gì là làm đến cùng, có mở đầu là phải có kết thúc; Soft – dễ mềm lòng; Growth-seeker – người luôn tìm kiếm sự phát triển.




Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/thi-anh-dao-u30-forbes-vietnam-2015-thanh-cong-la-khi-biet-xep-dat-cac-uu-tien-va-dua-ra-lua-chon)