Công ty môi giới tài chính Robinhood thông báo sa thải thêm 23% nhân viên, đợt cắt giảm nhân sự thứ hai ngay trong năm 2022.
Trong một bài viết trên trang blog hôm 2.8, CEO của Robinhood Vlad Tenev thông báo đã cho thôi việc 23% nhân viên, đợt cắt giảm nhân sự thứ hai của nhà môi giới tài chính tập trung vào khách hàng trên mạng di động trong năm 2022, khi công ty đang vật lộn với số lượng khách hàng giảm sâu trong bối cảnh diễn ra “thị trường gấu” sau khi tích cực tăng cường nhân sự vào năm 2021.
Việc cắt giảm của Robinhood đặc biệt tập trung vào bộ phận kinh doanh và kế hoạch, tiếp thị cũng như quản lý chương trình, và là một phần trong quá trình cải cách cơ cấu tổ chức lớn hơn, theo Tenev.
Tenev đưa ra nguyên nhân cho đợt cắt giảm nhân sự do tình hình môi trường kinh doanh vĩ mô tiếp tục xấu đi hơn trong ba tháng qua, sau khi công ty sa thải 9% nhân viên vào tháng 4.2022, bên cạnh mức lạm phát cao và thị trường tiền mã hóa tụt giảm diện rộng. Điều này làm giảm hoạt động giao dịch của khách hàng và số tài sản được quản lý.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Robinhood báo cáo khoản lỗ thuần trong quý 2.2022 là 295 triệu USD, khi doanh thu giảm 44% xuống còn 318 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021.
Vào tháng 6.2022, số lượng người dùng hằng tháng của Robinhood giảm 34% xuống còn 14 triệu người từ quý 2.2021.
Robinhood đã thông báo đến nhân viên bị sa thải và những người chịu ảnh hưởng có thể ở lại công ty đến hết ngày 1.10, nhận lương và phúc lợi thường xuyên cũng như trợ cấp mất việc.
Đến cuối năm 2021, Robinhood có 3.800 nhân viên, theo báo cáo thường niên của công ty.
“Trong năm 2021, chúng tôi đã tuyển dụng nhiều nhân sự cho bộ phận kinh doanh và kế hoạch, khi cho rằng sự tương tác cao trong thị trường chứng khoán và tiền mã hóa ghi nhận vào thời điểm đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài sang năm 2022. Với tư cách là CEO, tôi đã chấp thuận và chịu trách nhiệm về lộ trình nhân sự đầy tham vọng của công ty. Đây là lỗi của tôi,” Vlad Tenev viết trong bức thư.
Được thành lập gần một thập kỷ trước, Robinhood có trụ sở tại Menlo Park, California đặt mục tiêu “dân chủ hóa tài chính” từ việc hỗ trợ các nhà đầu tư, thường là người trẻ và mới gia nhập thị trường, trong việc giao dịch cổ phiếu trên ứng dụng di động với chi phí thấp và thu về nhiều lợi nhuận mà không thu phí hoa hồng.
Công ty đã nhanh chóng phát triển trong thời điểm đại dịch, khi nhiều người trẻ phải ở yên tại nhà tham gia thị trường chứng khoán.
Sau khi niêm yết với mức giá 38 USD/cổ phiếu trong năm 2021, giá cổ phiếu của Robinhood kể từ đầu năm 2022 đã giảm 50% xuống còn 9,23 USD/cổ phiếu. Hai nhà sáng lập Vlad Tenev và Baiju Bhatt không còn là tỉ phú, theo ước tính của Forbes.
Trong khi đó, Robinhood, từng góp mặt trong danh sách Fintech 50 (50 công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới) năm 2021, không nằm trong danh sách năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) Gary Gensler muốn thành lập hệ thống đấu giá cạnh tranh cho các loại lệnh giao dịch của những nhà đầu tư, đe dọa đến một trong những nguồn thu chính của Robinhood là bán lệnh đặt của khách hàng cho các công ty giao dịch.
Bộ Dịch vụ Tài chính Bang New York đã phạt công ty con về giao dịch tiền mã hóa của Robinhood số tiền 30 triệu USD, với cáo buộc vi phạm các quy định về chống rửa tiền và an ninh mạng, Wall Street Journal đưa tin hôm 2.8.
Xem thêm: Giá cổ phiếu Robinhood tăng 14% sau tin FTX có thể mua lại công ty
Bitcoin trở thành tiền mã hóa đầu tư định kỳ hàng đầu trên Robinhood
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/robinhood-sa-thai-23-nhan-su)
1 năm trước