Doanh nghiệp

Rikkeisoft: Cây lớn nhanh

Rikkeisoft, công ty chuyên về gia công phần mềm đạt cột mốc 1.200 nhân sự sau mười năm. Phương châm vận hành tại doanh nghiệp có sáu đồng sáng lập này là: “Thành công sẽ đến khi làm việc cùng nhau.”

Share
this:

Tạ Sơn Tùng, chủ tịch Rikkeisoft, gần như không thay đổi so với thời điểm Forbes Việt Nam trò chuyện với anh cách nay bảy năm. Anh không né tránh, trả lời trực diện, kể cả các câu hỏi về số liệu tài chính của doanh nghiệp. Đó là bản tính của Tùng, người được xem là “đại sứ của Rikkeisoft”, phụ trách bán hàng, tiếp thị ngay từ những ngày đầu công ty hoạt động.

Đâu là điểm nhấn của Rikkeisoft? Mỗi năm tăng thêm trung bình 150 nhân sự. Hiện tại, sau 10 năm hoạt động, họ dự kiến có khoảng 1.500 nhân sự vào cuối năm nay. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hướng tới “vận hành tinh gọn”, Rikkeisoft công bố các chiến lược mở rộng tham vọng về nhân sự.

“Tôi muốn chuyên sâu về gia công phần mềm để đưa được nhiều kỹ sư ra nước ngoài, thay đổi cuộc sống, tư duy của mọi người và hình ảnh của Việt Nam,” Tùng nói. Rikkeisoft tạo ra sự khác biệt khi những nhà sáng lập đều là các du học sinh tại Nhật, hiểu văn hóa và sử dụng ngôn ngữ Nhật. “Đó là những lợi thế cạnh tranh để khách hàng chọn chúng tôi,” Tùng cho biết.

Với bốn văn phòng tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Nhật cùng các hoạt động tại thị trường Mỹ và châu Âu, Rikkeisoft là công ty phần mềm mang tính đặc thù, chuyên tập trung vào thị trường Nhật Bản. Thị trường này mang lại 85% doanh thu cho Rikkeisoft, riêng mảng gia công phần mềm chiếm tỉ trọng khoảng 80%, bên cạnh các nguồn thu từ tư vấn giải pháp và sản phẩm chuyển đổi số. “Thị trường gia công phần mềm còn rất tiềm năng, cơ hội rất nhiều,” Tùng nói với Forbes Việt Nam tại văn phòng của Rikkeisoft (ghép từ Ritsumeikan và Keio, tên hai trường đại học mà nhóm sáng lập nhận học bổng theo học ở Nhật) ở TP.HCM nằm trên đường Tự Cường, quận Tân Bình.

Tạ Sơn Tùng (giữa) và các cộng sự gồm Nguyễn Viết Lâm, Đặng Thái Hòa, Phan Thế Dũng, Hà Huy Luân.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp như đại dịch, chiến sự Nga – Ukraine, đồng yen giảm giá mạnh, khiến doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí. Nhưng nhờ tập trung vào thị trường Nhật Bản, nơi công ty có hơn 100 nhân viên và những khách hàng “tử tế, sòng phẳng”, họ nhận được hỗ trợ tài chính bằng các khoản vay ưu đãi từ chính phủ Nhật trong hai năm 2020 và 2021.

Có lãi ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Tùng cho biết công ty anh luôn đặt mục tiêu tăng trưởng về nhân sự. Lý do một phần nằm ở sở thích cá nhân của anh về quản trị số đông. “Thứ nhất, đó là bài toán hay và khó,” Tùng nói, “Thứ hai, sẽ có nhiều người có cơ hội ra nước ngoài. Tôi muốn nhiều kỹ sư Việt Nam ra nước ngoài để trưởng thành hơn về tư duy và có nhiều cơ hội hơn.”

Tùng suy nghĩ như vậy xuất phát từ chính quá trình phát triển cá nhân. “Được đi nước ngoài là một sự thay đổi quá lớn với tôi,” anh nhớ lại. Tùng sinh ra trong gia đình có căn nhà rộng 30m2 thường xuyên có sáu người lớn và hai trẻ nhỏ cùng sinh sống. Mẹ anh làm nghề may áo dài, bố là thương binh, từ nhỏ Tùng đã rất chăm học, luôn là học sinh giỏi từ cấp 1 đến cấp 3 ở các trường anh theo học tại Hà Tây và Hà Nội. Nhận học bổng của chính phủ đi học tại Nhật Bản khiến anh hiểu rõ “thế giới thật tuyệt vời và mình chẳng biết gì cả.”

Xuất thân đó cũng có nhiều nét tương đồng với năm người đồng sáng lập công ty khác, gồm Phan Thế Dũng, CEO; Đặng Thái Hòa, phó tổng giám đốc, CEO Rikkei AI; Bùi Quang Huy, CEO Rikkei Japan; Nguyễn Quang Kỷ, phó tổng giám đốc Rikkei Japan, và Đào Thành Chung, giảng viên đại học Bách khoa, cố vấn cấp cao.

Họ đều là những sinh viên xuất sắc được tuyển thẳng vào đại học Bách khoa Hà Nội (trừ Tùng phải thi), có học bổng đi Nhật. Nếu có khác biệt, như Tùng kể, là họ đều sở hữu khả năng lập trình vượt trội hơn Tùng. “Tôi biết mình có học cả đời cũng không bằng họ về lập trình,” anh nói. Do đó, anh tập trung vào hoạt động sở trường là kết nối con người và trở thành người phụ trách bán hàng duy nhất trong thời kỳ đầu (hiện đội ngũ tiếp thị bán hàng của anh có khoảng 35 người ở cả Việt Nam và Nhật Bản.)

Tùng và các đồng sáng lập khởi đầu Rikkeisoft khi nhận thấy cơ hội lớn và rõ ràng chỉ vài tháng sau khi làm việc tại FPT Software, doanh nghiệp CNTT Việt Nam hiện có gần 40 ngàn nhân sự và vẫn luôn duy trì vị thế lớn nhất trong thị trường gia công phần mềm cho Nhật Bản.

“Các bạn ấy rất nhanh. Đó là thế hệ nhìn cơ hội nhanh, họ lập tức sẵn sàng từ bỏ chỗ hiện tại để đi tìm chỗ kiếm được tiền, khác với thế hệ trước phải tính toán kỹ,” ông Nguyễn Thành Nam, cựu tổng giám đốc FPT Software, hiện là phó chủ tịch HĐQT trường đại học FPT, nhận định.

Dưới con mắt của một nhà quản trị doanh nghiệp lập trình kỳ cựu tại Việt Nam, ông Nam cho rằng “thách thức khó nhất trong công ty Việt Nam không phải là kiếm nhiều tiền, mà là xây dựng được công ty to. Mình kém quản trị nên trong công ty to là cãi nhau loạn cào cào.”

Đội ngũ lãnh đạo sáu người đó bổ khuyết cho nhau. Một thách thức luôn hiện hữu là duy trì tinh thần cùng hướng tới mục tiêu chung. Tùng cho biết họ gắn kết được với nhau vì hiểu nhau, biết và chơi với nhau từ thời còn là học sinh, sinh viên sống xa nhà từ 16 năm trước.
Dũng là bạn thân của Tùng từ thời đại học, trong khi Hòa ở cùng phòng với Tùng khi học ở Nhật. Hòa thích làm kỹ thuật, hiền lành và được tôn trọng vì luôn “nghĩ kỹ trước khi nói và nói là đúng.”

Huy quản trị nội bộ giỏi, tư duy logic. Dũng học rất nhanh, không cả nể, phản biện thẳng thắn. Còn Tùng xuất sắc trong tạo dựng quan hệ. Cả đội đồng sáng lập chỉ có Tùng làm kinh doanh, còn năm người thiên về kỹ thuật. Lý thuyết “dụng nhân như dụng mộc” đã được họ áp dụng vào thực tế.

“Bí quyết là giao cho từng người đúng vai trò, đương nhiên mình phải hiểu người ta,” Tùng cho biết. Dù có những bất đồng nhưng một khi thống nhất, họ cùng tập trung để đạt được mục tiêu. “Bản chất chúng tôi thẳng, thật, mục đích vì công ty phát triển, không vì cá nhân.”

Tùng kể dự án phần mềm đầu tiên đem về 30 triệu đồng, dự án tiếp theo thực hiện trong hai tuần giúp họ kiếm được 184 triệu, bằng lương cả năm họ nhận được từ FPT Software trước đó. Hiện nắm hơn 36% cổ phần công ty, Tùng cho biết dự kiến doanh thu năm 2022 khoảng 800 tỉ đồng, với biên lợi nhuận khoảng 20% nếu đồng yen ổn định (nếu yen thấp, mức lợi nhuận chỉ ở tầm 5%.)

Chi phí hoạt động công ty trung bình 2,4 tỉ đồng/tháng cách nay bảy năm đã tăng lên 40 tỉ đồng hiện nay. Đà Nẵng, nơi công ty có 260 nhân sự, đang nổi lên là một địa điểm tốt nhờ lợi thế có đường bay thẳng tới Nhật, chi phí vận hành thấp, dễ tìm nhân sự “làm được việc”, tính ổn định cao đã tạo ra biên lợi nhuận tới 50% vào năm 2021. “Nếu tiếp tục tốt như vậy, công ty sẽ chuyển đại bản doanh về Đà Nẵng,” anh cho biết. Họ nhắm tới xây dựng văn phòng cho khoảng 1.500 nhân sự tại vùng đất miền Trung này.

Năm 2021, chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào blockchain, Rikkeisoft cũng không đứng bên ngoài. Họ gọi được vài triệu đô la Mỹ tiền đầu tư và có những khoản đầu tư tỉ lệ lợi suất rất cao. Rikkeisoft cũng đặt mục tiêu chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại sàn HoSE vào năm 2024 để chứng minh “công ty gia công phần mềm CNTT có thể có giá trị cao.”

Sau vài năm thử nghiệm không hiệu quả tại thị trường Việt Nam, dự kiến từ tháng 8.2022, Rikkeisoft sẽ tập trung hoàn toàn vào việc gia công phần mềm cho khách hàng Mỹ và châu Âu song song với thị trường Nhật Bản để giảm bớt rủi ro. Mở rộng thị trường sang Mỹ và châu Âu buộc Rikkeisoft phải nhanh chóng đào tạo nhân sự có kỹ năng phù hợp với yêu cầu mới, đặc biệt về giao tiếp.

Thị trường CNTT tại Việt Nam đang rất thiếu nhân sự. Dự báo Nhật Bản vẫn sẽ là thị trường tốt cho các công ty công nghệ Việt Nam, với quy mô có thể mở rộng từ 800 tỉ yen (2019) lên 3.000 tỉ yen vào năm 2030. Theo chiến lược quốc gia đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam sẽ tăng số lượng nhân lực trong ngành CNTT từ 400 ngàn người ở thời điểm hiện tại lên khoảng 1,5 triệu người trong 10 năm.

Rikkeisoft muốn giải quyết vấn đề thiếu nhân sự ngành CNTT trong bối cảnh tuyển dụng đang ngày càng trở nên khó khăn và “tuyển nhân sự người Nhật Bản dễ hơn Việt Nam, với chi phí thấp hơn và kinh nghiệm cao hơn.” Công ty đã có giấy phép thành lập học viện đào tạo nhân sự, chuyển đổi nghề nghiệp khác sang lĩnh vực CNTT. Họ hướng tới tập trung vào sinh viên sắp ra trường hay những lao động Việt Nam hết hạn lao động tại Nhật. “Tôi tin sẽ kiếm được việc cho họ trong lúc đào tạo họ, nhờ vào sự thấu hiểu thị trường,” Tùng cho biết.

Bên cạnh hoạt động gia công phần mềm, dàn lãnh đạo của Rikkeisoft cũng mở rộng đầu tư từ năm 2021, với quỹ đầu tư Rikkei Capital năm triệu đô la Mỹ, chuyên đầu tư vào công nghệ blockchain và các tài sản số. Tùng cho biết lĩnh vực này tạo ra nhiều lợi nhuận hơn rất nhiều so với gia công phần mềm. Ví dụ game Titan Hunters (mô hình chơi để kiếm tiền), nơi họ là cổ đông chính và đã gọi vốn được 2,1 triệu đô la Mỹ; hay các dự án blockchain đem lại khoản lợi nhuận gấp 1.200 lần.

“Dù vậy, gia công phần mềm vẫn là mảng cốt lõi,” Tùng cho biết. Anh so sánh một dự án blockchain có thể tạo ra lợi nhuận 10 triệu đô la Mỹ trong một năm, nếu làm gia công phần mềm sẽ cần một doanh nghiệp có 2.000 nhân sự để tạo ra lợi nhuận tương tự.

Ông Nguyễn Thành Nam đã ví Rikkeisoft như một cái cây lớn nhanh vì hợp thổ nhưỡng Việt Nam. Nếu Rikkeisoft giữ được sự cạnh tranh về chất lượng, giá thành và tiếng Nhật, bên cạnh việc đội ngũ hiểu nhau, ra quyết định nhanh, được đào tạo bài bản và biết ngoại ngữ, họ sẽ vẫn có tương lai tốt phía trước.

Nhưng “họ cũng cần lắng nghe những lời chê để giúp mình tỉnh táo, chứ mới thành công, nhiều người nịnh mình mà mình tưởng thật. Thất bại sẽ đến khi ta bắt đầu ảo tưởng,” ông Nam cảnh báo.

(Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam, tháng 5.2022, chuyên đề Đi tìm kỳ lân kế tiếp)