multi-media / Megastory

Nữ tỉ phú người hùng của đội bóng bầu dục Titan

Tỉ phú Amy Adams Strunk thuộc thế hệ nữ chủ sở hữu mới của giải NFL. Họ không chỉ giải quyết vấn đề theo những phương pháp mới mà còn tạo ra những thành tựu lớn.

Trước khi đội Tennessee Titans bắt đầu mùa giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) bằng trận đấu trên sân nhà với đội New York Giants, người chủ sở hữu của đội, Amy Adams Strunk, đã dành gần hai giờ đồng hồ với những người hâm mộ cuồng nhiệt bên ngoài sân vận động Nissan của Nashville. “Ôi trời ơi, chính là bà ấy!” một cô gái trẻ hét lên, sau đó xin chụp ảnh cùng.

Adams Strunk cho biết những người hâm mộ là điều bà yêu thích khi sở hữu đội bóng mà người cha quá cố Bud Adams thành lập năm 1960 (với tên gọi Houston Oilers) và bà cũng là cổ đông kiểm soát từ năm 2015. “Đối với tôi, người hâm mộ không phải là những con số thống kê,” bà nói. “Tôi sẽ trở thành kiểu người chủ sở hữu đội bóng đến gặp và cảm ơn họ.”

Ở tuổi 66, Adams Strunk có tài sản 1,6 tỉ đô la Mỹ nhờ 50% cổ phần của bà trong đội Titans và thuộc đội ngũ phụ nữ (đang ngày càng tăng) sở hữu các đội NFL: 18 trong số 32 đội của giải đấu này thuộc sở hữu của phụ nữ (ít nhất một phần), với 10 phụ nữ là chủ sở hữu đa số hoặc đồng sở hữu (xem biểu đồ).

Phần lớn trong số họ kế thừa đội bóng bầu dục từ cha, anh trai hoặc chồng, hoặc như Kim Pegula của Buffalo Bills và Dee Haslam của Cleveland Browns, đã mua đội bóng cùng với chồng của họ.

Tuy nhiên, thay đổi đang dần xuất hiện: mùa hè vừa qua, Mellody Hobson của công ty Ariel Investments đã mua 5,5% cổ phần của Denver Broncos với giá 245 triệu đô la Mỹ.

Theo Adams Strunk, “50% người hâm mộ của chúng tôi là nữ.” Bà được những người hâm mộ trung thành của đội Titans đặt biệt danh là “Mẹ.” “Mặc dù chúng tôi chưa bao giờ thi đấu, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không biết luật chơi. Và chúng tôi có một số quan điểm độc đáo trong việc tiếp cận phụ nữ rất đáng để bàn luận.”

Trong khi một số nữ chủ sở hữu kế thừa các đội NFL không tham gia quản lý trực tiếp, Adams Strunk không chỉ điều hành Titans mà còn mang đến sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Kể từ năm 2016, đội đã có sáu mùa giải vô địch. Quan trọng hơn, bà đã giúp đưa giải đấu NFL Draft đến Nashville ba năm trước và rất hi vọng thành phố sẽ tổ chức giải Super Bowl (siêu cúp bóng bầu dục Mỹ).

Đó là viễn cảnh mà cha của bà không thể hình dung được. Bud Adams, qua đời năm 2013 ở tuổi 90, là huyền thoại trong làng bóng bầu dục chuyên nghiệp. Thuộc tộc người da đỏ Cherokee, kiếm được nhiều tiền từ dầu mỏ, ông có công trong việc thành lập liên đoàn Bóng Bầu dục Mỹ và thành lập đội khúc côn cầu Oilers chỉ với 25 ngàn đô la Mỹ.

Năm 1997, khi thành phố Houston không đủ nguồn tài chính để tân trang sân Astrodome cũ kỹ, ông chuyển đội đến Nashville và sân vận động 69 ngàn chỗ ngồi mới.

Butch Spyridon, CEO của Nashville Convention & Visitors Corp nhớ lại: “Đó là khoảnh khắc ‘thay đổi cuộc chơi’ đối với thành phố này. Việc đó gây sốc cho toàn bộ giới thể thao và Nashville bắt đầu tự tin hơn một chút.”

Nhưng cái chết của Bud Adams cũng dẫn đến cuộc tranh giành quyền lãnh đạo đội Titans khi đội bóng này liên tục gặp tổn thất. Quyền sở hữu được chia cho hai cô con gái của ông, Adams Strunk và Susie Adams Smith, cùng vợ và con của anh trai họ, Kenneth Adams III, người tự tử ở tuổi 29 vào năm 1987.

Sau cuộc tranh cãi trong gia đình – khiến anh rể bà bị đánh bật khỏi chức vụ CEO – Adams Strunk và các cháu trai của bà đã giành quyền kiểm soát đội vào năm 2015. “Đó là quyết định khó khăn,” bà nói, “nhưng di sản của cha tôi rất quan trọng đối với tôi và các cháu trai.”

Bà cho rằng chẳng có quy định nào về cách điều hành một đội bóng bầu dục và việc đưa ra những ý tưởng lớn cũng không hẳn sẽ dễ dàng hơn. “Chúng tôi bàn rất nhiều về việc trở thành một công ty khởi nghiệp 60 năm tuổi,” CEO của đội, Burke Nihill, nói. “Amy khuyến khích chúng tôi thách thức mọi thứ.”

Tiếp đến là vấn đề khiến cha bà lo lắng: một sân vận động mới. Mặc dù việc này dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng hai tỉ đô la Mỹ và thành phố vẫn chưa ký duyệt trong bối cảnh còn băn khoăn về tài trợ của người đóng thuế, Forbes ước tính dự án này có thể làm tăng giá trị của Titans thêm 300 triệu đô la Mỹ.

Adams Strunk tin rằng sân vận động mới – sẽ có cấu trúc khép kín – không chỉ có thể tổ chức các buổi đấu của đội Titans mà còn có thể tổ chức các buổi hòa nhạc và dĩ nhiên là có cả giải đấu lớn đó với bảy triệu đô la Mỹ tiền quảng cáo.

Không tính đến Super Bowl, Adams Strunk nghĩ rằng cha của bà sẽ rất yêu thích phần việc mà bà đã hoàn thành. Bà nói: “Tôi nghĩ nếu bây giờ ông ấy nhìn xuống đây, ông sẽ rất tự hào.”

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo Forbes Việt Nam số 113, tháng 1.2023

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nu-ti-phu-nguoi-hung-cua-doi-bong-bau-duc-titan)