Codex Sassoon, tập ghi chép Kinh thánh tiếng Do Thái trong thế kỷ thứ 10, sẽ được bán tại Sotheby’s vào tháng 5 và có thể trở thành bộ sách có giá trị nhất từng được bán đấu giá.
“Đó là một trong những kho báu vĩ đại nhất của thế giới.” Sharon Liberman Mintz, chuyên gia cao cấp về Do Thái tại Sotheby’s, nói về Codex Sassoon, sắp được bán đấu giá vào tháng Năm. Nhưng hiện tại, bộ Kinh thánh tiếng Do Thái hàng ngàn năm tuổi được cất giữ trong chiếc hộp nhét đầy giấy, nằm trên bàn bừa bộn tại trụ sở của nhà đấu giá ở New York. Hiếm khi bộ sách có giá trị nhất lại được lưu giữ ở một nơi như thế.
Mãi cho đến khi Liberman Mintz và đồng nghiệp nhấc hộp lên—cẩn thận như một người có thể nâng chồng giấy da dày hàng trăm năm tuổi nặng hơn 11kg, dày hơn 15cm—thì trọng lượng thực sự của Codex mới lộ rõ.
Với giá ước tính cao nhất trước buổi đấu giá (30 triệu USD- 50 triệu USD), Codex Sassoon có thể trở thành tư liệu hoặc bản thảo lịch sử đắt nhất từ trước đến giờ khi được chào bán vào mùa xuân này. Đến hiện tại, ấn bản đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ giữ kỷ lục về giá bán cao nhất 43,2 triệu USD trong năm 2021 cho tỉ phú Ken Griffin.
Tin rằng được ghi chép vào cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10, Codex Sassoon đặc biệt có giá trị vì đây là bộ Kinh thánh tiếng Do Thái đầu tiên hoàn chỉnh nhất còn được lưu giữ đến ngày nay, bao gồm 24 cuốn có cả kinh Torah (Ngũ thư), Nevi’im (Tiên tri) và Ketuvim (Văn chương).
“Chúng tôi đã xem những bản so sánh của bộ kinh này đồng thời nhận ra rằng không có bộ kinh nào có thể sánh bằng,” Liberman Mintz nói. “Đó là bộ kinh có tiếng vang đối với hàng triệu người trên khắp thế giới, vì vậy chúng tôi cảm thấy rằng giá bán phải tương đương với giá trị lịch sử quý báu của chúng.”
Codex Sassoon được ghi chép trên khoảng 200 miếng da cừu trong suốt 1 năm. Cho dù chủ nhân giàu có đã không còn sống nhưng học giả vẫn có thể truy ra được đó là ai dựa vào những trang giấy ghi chép được lưu truyền qua nhiều thế kỷ.
Vào đầu thế kỷ 11, doanh nhân Khalaf ben Abraham bán Codex cho Isaac ben Ezekiel al-Attar với giá ước tính là 37 dinar vàng (6.068 USD), hoặc đủ tiền để nuôi một gia đình bốn người trong hai năm. Đây là lần đầu tiên bộ kinh thánh được chào bán. Sau đó, Isaac để lại tập ghi chép cho các con trai với điều kiện họ không bán chúng.
Cuối cùng, Kinh thánh trở thành tài sản của một giáo đường Do Thái ở Makisin, thuộc Syria ngày nay, nhưng ngôi làng nhỏ bé đã bị phá hủy từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15 nên Kinh thánh được giao cho một thành viên trong cộng đồng đó bảo vệ cho đến khi giáo đường Do Thái được xây dựng lại. Nhưng giáo đường này không bao giờ xây xong.
“Tất cả những bối cảnh đó làm cho bộ kinh này trở nên thú vị,” Liberman Mintz nói về nguồn gốc của bộ kinh: Chúng tôi đã xem khi Kinh thánh được truyền qua nhiều thế hệ, và tôi thấy điều đó thực sự ly kỳ.”
Kinh thánh được lưu truyền trong 5 thế kỷ tiếp theo cho đến khi David Solomon Sassoon, học giả người Anh sinh ra ở Bombay cũng rất mê sách mua lại vào năm 1929. Vốn là nhà sưu tập nổi tiếng các tập ghi chép, sách tiếng Do thái cùng với các ấn phẩm Do Thái khác, Sassoon trả 350 GBP (khoảng 21.000 USD ngày nay) để mua Kinh thánh. Đây là văn bản đắt thứ năm trong bộ sưu tập 1.274 tác phẩm của ông. (Tác phẩm đắt nhất là Moreh Nevuchim của Maimonides, hay Guide for the Perplexed –Một chỉ dẫn cho người bị bối rối, ông chi số tiền tương đương 91.000 USD để mua và hiện thuộc sở hữu của Thư viện Anh).
Kể từ khi Sassoon mua Codex, Kinh thánh chỉ xuất hiện trong cuộc bán đấu giá hai lần, cả hai lần đều tại Sotheby’s: Năm 1978, khi những người thừa kế của Sassoon bán tập ghi chép cho British Rail Pension Fund với giá khoảng 320.000 USD (1,5 triệu USD ngày nay), và vào năm 1989 khi đó Kinh thánh được bán với giá 3,2 triệu USD, tương đương gần 8 triệu USD ngày nay. Người chiến thắng trong buổi đấu giá đã nhanh chóng kiếm một khoản lời: nhà tài chính Thụy Sĩ Jacqui Safra, thuộc gia đình ngân hàng Safra, trả giá cao hơn 1 triệu USD để mua lại trong cùng năm đó. Từ đó đến nay, tập ghi chép nằm trong bộ sưu tập cá nhân của Safra 83 tuổi.
Nhờ giá trị lịch sử cũng như độ hiếm của Kinh thánh, giá ước tính kỷ lục trước khi bán đấu giá từ 30 triệu USD đến 50 triệu USD của Codex Sassoon cũng được đẩy lên do doanh số bán cao của các tài liệu cổ xưa khác, bao gồm tập ghi chép của Leonardo da Vinci, Codex Leicester, mà Bill Gates mua với giá 30,8 triệu USD vào năm 1994, và bản sao Hiến pháp trị giá 43,2 triệu USD Griffin trả giá cao hơn Hiến pháp DAO để mua được vào năm 2021. Nhưng khi so sánh với các tác phẩm thánh cổ xưa khác, bộ Kinh thánh này ở một đẳng cấp khác.
Mặc dù Kinh thánh thiếu 15 chương, chủ yếu là của Genesis (Sáng thế), nhưng không nhiều so với bộ Kinh thánh nổi tiếng khác của thế kỷ thứ 10, Aleppo Codex, mất bốn mươi phần trăm số trang vào cuối những năm 1940. Bản so sánh tốt nhất tiếp theo là Leningrad Codex, Kinh thánh tiếng Do thái được viết sau gần một thế kỷ.
Codex Sassoon vẫn còn nguyên vẹn nên có thể đọc được như cuốn Kinh thánh hiện đại. Sotheby’s trưng bày bộ Kinh thánh này ở nhiều nơi trên thế giới. London là địa điểm đầu tiên triển lãm tập ghi chép trong ngày 22-28.2. Đây cũng là lần đầu tiên công chúng xem được Codex Sassoon trong hơn 40 năm. Buổi triển lãm thu hút khoảng 800 du khách mỗi ngày.
Các điểm triển lãm tiếp theo của Codex là Tel Aviv, Dallas, Los Angeles và cuối cùng New York, ở đó tập ghi chép sẽ được trưng bày trong những tuần cuối trước khi phiên đấu giá bắt đầu. Về việc ai có thể là chủ sở hữu tiếp theo của Codex Sassoon, Liberman Mintz cho biết nhiều cá nhân cũng như tổ chức trên khắp thế giới đều quan tâm. “Khi cá nhân mua được, công chúng vẫn có thể xem,” Liberman Mintz nhanh chóng lưu ý, vì nhiều tổ chức thương kêu gọi vài người mua, sau đó tặng lại cho họ (một lợi ích rõ ràng: được miễn thuế).
“Tôi nghĩ mọi thứ đều có thể xảy ra vào thời điểm này,” Liberman Mintz nói về đợt bán hàng lịch sử vào tháng Năm. “Cuốn sách này có giá trị rất cao. Thật tuyệt vời khi có thể sở hữu một phần của lịch sử, không chỉ lịch sử của người Do Thái, mà đó còn là tư liệu về nền văn minh trên toàn thế giới…”
Biên dịch: Gia Nhi
7 tháng trước
Đấu giá bộ xương hóa thạch khủng long 150 triệu năm tuổi