Ngày hôm nay, 14.9, Masan và De Heus đã chính thức ký kết bản ghi nhớ quan hệ hợp tác chiến lược nhằm nâng cao năng suất chuỗi giá trị đạm động vật Việt Nam.
Theo nội dung ký kết, De Heus và Masan sẽ phát triển quan hệ hợp tác và các cơ hội hợp tác, cùng nhau hướng đến mục tiêu tối ưu hóa và thúc đẩy năng suất của chuỗi giá trị đạm động vật từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food) tại Việt Nam trên cơ sở phát huy thế mạnh và kinh nghiệm của mỗi bên.
Cụ thể De Heus sẽ ưu tiên tập trung cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và chăn nuôi, trong khi Masan tiếp tục đầu tư phát triển vào lĩnh vực thịt mát. Đồng thời hai doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu dài với những nhà chăn nuôi độc lập thông qua việc đồng hành, hỗ trợ, tư vấn và cung cấp các giải pháp chăn nuôi trọn gói.
Quan hệ hợp tác chiến lược này là một thỏa thuận không ràng buộc, tuy nhiên, các bên đều cam kết xúc tiến một hoặc nhiều thỏa thuận hợp tác trước năm 2022. “Chúng tôi kỳ vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam,” ông Danny Le – tổng giám đốc tập đoàn Masan kiêm chủ tịch Masan MEATLife cho biết trong thông cáo.
De Heus Việt Nam trực thuộc De Heus (Hà Lan). Đây là tập đoàn sản xuất trong nông nghiệp với hơn 100 năm kinh nghiệm, hiện có mặt tại hơn 75 quốc gia, sở hữu 82 nhà máy và hơn 6.000 nhân viên trên toàn thế giới. Gia nhập thị trường thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, thực phẩm Việt Nam từ năm 2009 với các thương hiệu De Heus, Windmill và Koudijs, De Heus hiện là một trong hai công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam xét theo quy mô, sản lượng và doanh thu, theo tự bạch công ty.
Công ty đang hoàn thiện thủ tục đầu tư tại Tây Ninh cho dự án tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh với tổng giá trị đầu tư dự kiến 141,5 triệu USD (tương đương 3.325 tỉ đồng). Tháng 10 tới, De Heus sẽ khởi công xây dựng dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Gia Lai với quy mô 71.56 ha.
Masan MEATLife thuộc tập đoàn Masan hiện đang sở hữu hai nhà máy chế biến thịt gồm MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn (đặt tại Long An) với công suất thiết kế mỗi nhà máy khoảng 1,4 triệu con heo/năm. Đầu quý 2.2021 công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu ngành thịt tăng 100% so với năm 2020, đóng góp 22% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và phát triển danh mục sản phẩm thịt chế biến.
Trước nhu cầu thị trường tăng cao vì dịch bệnh, Masan MEATLife dự kiến có kết quả kinh doanh khả quan với mảng kinh doanh chất đạm trong năm 2021. Trước đó năm 2020, mảng kinh doanh chất đạm của Masan MEATLife lỗ 300 tỉ đồng, thấp hơn so với khoản lỗ 390 tỉ đồng năm 2019 do đang trong quá trình đầu tư lớn.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/masan-va-de-heus-ky-ket-hop-tac-chien-luoc)
2 năm trước
Masan vẽ chân dung khách hàng