Kỹ năng phát triển

Lợi ích từ việc tiếp nhận và đưa ra phản hồi trong cách lãnh đạo công ty

Việc Elon Musk tiến hành khảo sát người dùng về khả năng lãnh đạo của ông cho thấy tầm quan trọng của việc ghi nhận và đưa ra phản hồi của những người đứng đầu doanh nghiệp.

Share
this:

Tin tức xoay quanh Elon Musk khảo sát người dùng Twitter rằng ông có nên tiếp tục đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành (CEO) của gã khổng lồ mạng xã hội này hay không đã đặt ra những vấn đề quan trọng đối với mọi nhà lãnh đạo. Đó là liệu, khi nào và bao lâu thì họ nên tiếp nhận phản hồi về hành động, quyết định hoặc khả năng lãnh đạo của mình.

Sau khi ghi nhận 57,5% trong hơn 17 triệu người tham gia khảo sát trả lời rằng ông nên từ chức CEO, Elon Musk cho biết chỉ những người dùng đăng ký dịch vụ trả phí Twitter Blue mới có thể tham gia khảo sát về chính sách hoạt động của Twitter trong tương lai.

Các chuyên gia kinh doanh và doanh nghiệp đã đưa ra những góc nhìn cũng như đưa ra lời khuyên về cách các CEO tiếp thu phản hồi quan điểm từ người khác.

Tỉ phú Elon Musk đã khảo sát người dùng Twitter về hiệu quả trong việc điều hành của ông. Ảnh: Getty Images

Trở thành hình mẫu

“Việc Elon Musk tiếp nhận phản hồi về khả năng lãnh đạo của bản thân là những gì mà mọi nhà lãnh đạo nên làm. Có thể làm khảo sát để ghi nhận sự tin tưởng từ cộng đồng là hành động thái quá, song điều đó cho thấy các nhà lãnh đạo nên đánh giá năng suất làm việc của bản thân trong một năm vừa qua, từ việc tiếp thu ý kiến từ đội ngũ nhân sự,” Robin Pou, chuyên gia đào tạo và khai vấn lãnh đạo điều hành, tác giả và sáng lập công ty đào tạo nhà lãnh đạo, nhận định qua email.

“Tôi có thể làm gì để điều hành công ty tốt hơn? Bạn trân trọng điều gì từ ban lãnh đạo trước đó mà có thể giúp chúng tôi điều hành công ty hiệu quả hơn?Bạn muốn tôi thay đổi điều gì? Đây là những câu hỏi đơn giản nhưng tạo ra tầm ảnh hưởng lớn.

Đáng tiếc, phần lớn những người đứng đầu doanh nghiệp thường không đặt các câu hỏi như vậy, do điều đó không nằm trong suy nghĩ của họ hoặc cảm thấy e ngại về những câu trả lời có thể nhận về. Các nhà lãnh đạo thường bác bỏ phản hồi nhận được vì họ cho rằng điều đó là thiếu chính xác và nhân viên không có đầy đủ thông tin, cũng như góc nhìn bao quát về lý do đằng sau hàng động của những giám đốc điều hành. Nếu có, nhân viên đó sẽ đưa ra câu trả lời khác,” Pou kết luận.

Yếu tố quan trọng để dẫn lối thành công

Hình thành văn hóa phản hồi

“Phản hồi là một phần quan trọng quyết định đến thành công của một doanh nghiệp, mở ra các cuộc trò chuyện ý nghĩa có thể tạo ra những sự thay đổi thực sự. Do vậy, điều quan trọng nằm ở việc hình thành văn hóa phản hồi,” Janet Lenaghan, hiệu trưởng trường Kinh doanh Frank G. Zarb trực thuộc đại học Hofstra, cho biết qua email.

“Những người đứng đầu cần phải đưa ra phản hồi thẳng thắn và mang tính xây dựng nếu muốn nhận lại điều tương tự. Phản hồi là điều nên được duy trì. Các nhà lãnh đạo thể hiện sự ủng hộ và phát triển một nền văn hóa doanh nghiệp, mà mọi nhân viên đều cảm thấy an toàn để đưa ra những phản hồi trung thực sẽ hình thành doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao,” Lenaghan nhận định.

Minh bạch

“Không chỉ có thêm những thông tin bổ ích, tiếp nhận phản hồi còn hình thành văn hóa giao tiếp cởi mở và minh bạch trong doanh nghiệp. Điều này có thể xây dựng lòng tin và tính gắn kết giữa những nhân viên ở mức độ cao hơn, thúc đẩy năng suất làm việc để cho ra kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó là thấu hiểu hơn mong muốn và lo lắng từ đội ngũ nhân sự, cũng như đưa ra những quyết định sáng suốt hơn,” Shana Digital, giám đốc điều hành (CEO) của Bold Creative Brand, cho biết qua email.

Thích nghi

“Không những vậy, tiếp nhận phản hồi có thể giúp các nhà lãnh đạo thích nghi với những nhu cầu luôn thay đổi và kỳ vọng từ các cổ đông. Từ việc chủ động tiếp thu và tổng hợp phản hồi, các nhà lãnh đạo có thể đảm bảo rằng công ty sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của nhân viên cũng như khách hàng, thúc đẩy quá trình phát triển và thành công lâu dài,” Digital lưu ý.

Đối tượng tiếp nhận phản hồi

Đội ngũ nhân sự và khách hàng

“Những nhà lãnh đạo nên tiếp nhận phản hồi từ cả nhân viên và khách hàng. Trong đó, phản hồi từ khách hàng giúp họ thay đổi và đưa ra những sự điều chỉnh để đóng góp vào quá trình phát triển chung của công ty. Tất nhiên, phản hồi từ đội ngũ nhân sự luôn hữu ích trong việc vạch ra các chiến lược phát triển trong nội bộ,” Art Shaikh, nhà sáng lập và CEO của Circelt, cho biết qua email.

“Việc tiếp nhận phản hồi không nhất thiết phải thực hiện trên diễn đàn công khai, như Elon Musk đã làm trên Twitter. Các doanh nghiệp có thể khảo sát ý kiến khách hành để nắm rõ những điểm tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn như, khảo sát khách hàng sau khi ra mắt sản phẩm có thể giúp bạn nắm rõ nhận xét và khách hàng thấy sản phẩm này có hữu ích hay không. Hoặc bạn có thể thực hiện khảo sát trước khi ra mắt sản phẩm để xác định xem liệu đó có phải sản phẩm nên tập trung vào không,” Art Shaikh đưa ra lời khuyên.

Ban lãnh đạo và mạng lưới quan hệ

“Các CEO có hai nguồn phản hồi chính. Đó là một ban lãnh đạo ổn định với nhiều kinh nghiệm khác nhau có thể đưa ra lời khuyên về cách đưa ra quyết định kinh doanh quan trọng, hiệu quả làm việc và mở ra cơ hội,” Dace Opsahl, CEO của Actify, chia sẻ qua email.

“Nguồn phản hồi tiếp theo là mạng lưới các nhà lãnh đạo hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đó là những người mà bạn có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện một đối một hoặc theo nhóm để cùng thảo luận về một số chủ đề. Trong nhiều công đồng doanh nghiệp, có những nhóm hoạt động theo mô hình ‘tư vấn’, giúp các nhà lãnh đạo chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau nếu không có mạng lưới quan hệ hoặc mạng lưới đó không đáp ứng nhu cầu vì những lý do khác,” ông nhận định.


Một nhà lãnh đạo giỏi luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía. Ảnh: Getty Images

Hình thức và tần suất thực hiện

Không nên thực hiện theo một chiều

“Thay vì chỉ tiếp nhận phản hồi từ một hướng hoặc chuyển sang các buổi họp thường niên với những quyết định bồi thường, các nhà lãnh đạo nên thực hiện việc này một cách xuyên suốt trong toàn bộ công ty, bao gồm trách nhiệm báo cáo công việc,” Lenaghan nhận định.

“Để trở nên tốt hơn đòi hỏi các nhà lãnh đạo sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những gì người khác cảm nhận về họ, từ đó thay đổi hành vi một cách hợp lý,” bà kết luận.

Phản hồi chính thức và không chính thức

Chia sẻ qua email, Jay Levy – nhà đồng sáng lập và giám đốc quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm Zelkova Ventures – nhận định “Tại Zelkova, chúng tôi khuyến khích các giám đốc liên tục tiếp nhận phản hồi về mức độ hiệu quả trong công việc, những gì họ đang làm tốt và những điểm có thể làm tốt hơn nữa.

Chúng tôi tin rằng việc đánh giá hiệu quả hoạt động nên được thực hiện chính thức định kỳ 6 tháng hoặc hằng năm, và không chính thức xuyên suốt một năm. Các giám đốc nên tiếp thu phản hồi từ những người họ báo cáo và báo cáo trực tiếp, cũng như những người khác. Nhiều công ty chỉ quan tâm đến ý kiến đóng góp từ trong nội bộ, thay vì tiếp nhận phản hồi từ các yếu tố bên ngoài như đối tác kinh doanh và khách hàng.”

“Tính nhất quán quan trọng hơn tần suất”

“Với tôi, tính nhất quán quan trọng hơn tuần suất. Chúng ta thường có khuynh hướng tiếp nhận phản hồi khi gặp khó khăn hoặc xảy ra những sự cố không lường trước được. Tiếp nhận phản hồi khi bạn cho rằng mọi thứ vẫn ổn là thời điểm bạn nhìn thấy khó khăn sắp xảy đến và có đủ thời gian để vượt qua,” ông lưu ý.

Cơ hội và cảnh báo

“Lợi ích từ việc phản hồi bao gồm cả nhìn thấy những cơ hội phát triển cũng như khó khăn có thể xảy ra. Chúng tôi có thể đưa ra những sự điều chỉnh quan trọng giúp công ty cải thiện khả năng thích ứng lên đến 124% từ việc ghi nhận quan điểm của các khách hàng về quá trình điều hành,” Shaikh gợi nhắc lại.

“Hạn chế thực sự nằm ở diễn đàn công cộng, như Elon Musk đã làm. Nay, Musk sẽ phần nào bị bó buộc bởi phản hồi ông nhận về. Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng trong quan hệ công chúng nếu Elon Musk không xem trọng phản hồi từ cộng đồng,” Levy cảnh báo.

Biên dịch: Minh Tuấn