Sau 60 năm chuẩn bị, Khải Hoàn Môn khoác lên mình diện mạo mới với 25.000 m2 vải công nghiệp polypropylene màu bạc ánh xanh có thể tái chế và 3.000 m sợi dây đỏ.
Tác phẩm sắp đặt phủ kín Khải Hoàn Môn (1961-2021) – L’arc de Triomphe, Wrapped – là dự án nghệ thuật công cộng vĩ đại nhất năm 2021 và một trong những công trình nghệ thuật công cộng vĩ đại nhất mọi thời đại. Đây là tác phẩm cuối cùng mà cố vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng, Christo (mất năm 2020) và Jeanne-Claude (mất năm 2009) đã thực hiện trong 60 năm.
Khải Hoàn Môn được khoác lên 25 ngàn mét vuông vải công nghiệp polypropylene màu bạc ánh xanh có thể tái chế và 3.000 m sợi dây đỏ. Tác phẩm chỉ được trưng bày trong 16 ngày, đến hết ngày 3.10 và sẽ không tái hiện thêm một lần nào nữa như những dự án nghệ thuật trước đó của họ. Đây thực sự là tác phẩm đồ sộ, cần tới 1.200 kỹ thuật viên làm việc trong hai tháng để hoàn thành.
Christo và Jeanne-Claude gọi đứa con tinh thần của mình là “tiếng thét của tự do”. Họ từ chối nhận tài trợ, tình nguyện viên và bất kỳ hình thức giao dịch, quyên tặng nào để giữ cho tác phẩm hoàn toàn tự do. “Để giữ tự do tuyệt đối, chúng ta không thể để mình chịu sự điều khiển của ai,” Christo nói.
Các tác phẩm nghệ thuật rất lớn, đầy tham vọng của họ nhận được tài chính từ việc bán các bản vẽ các tác phẩm trong quá trình chuẩn bị, gồm bản đồ, phối cảnh, hình ảnh và bản vẽ kỹ thuật.
Christo là nhà phác họa và họa sĩ tài ba, sử dụng các yếu tố cắt dán trong quá trình sáng tác. Ví dụ như các miếng vải trong dự án The Gates (2005) tại công viên Central Park, New York và dự án cuối cùng ở Khải Hoàn Môn. Một khi hoàn tất, ông sẽ không vẽ lại nữa.
Paris là nơi đầu tiên và cuối cùng mà Christo và Jeanne-Claude thực hiện tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Những tác phẩm đầu tiên của họ là Stacked Oil Barrels và Dockside Packages. Đó cũng chính là tác phẩm nghệ thuật công cộng ngoài trời đầu tiên mà cả hai từng thực hiện. Những con phố nhỏ hẹp của Paris đã được bao quanh bởi 89 thùng đựng dầu để phản đối sự kiện bức tường Berlin dựng lên vào tháng 8.1961.
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của họ luôn có yếu tố khác thường, khiến người thưởng lãm kinh ngạc, thường mang ý nghĩa chính trị. “Khoác áo” cho những tòa nhà quốc hội và đài tưởng niệm mang ý nghĩa lịch sử như tượng trưng cho việc che đậy quá khứ trong khi tạo ra một lớp màn trống trải để xã hội hiện đại phát triển.
Bất kỳ nơi đâu, từ những con phố ở chốn đô thị cho tới dãy đồi hoang mạc và những dòng sông đều là cảm hứng nghệ thuật của Christo và Jeanne-Claude. Họ đã đặt dấu ấn nghệ thuật trên toàn thế giới như “khoác áo” Pont-Neuf, cây cầu cổ kính nhất Paris (1985), Reichstag (tòa nhà Quốc hội Đức) tại Berlin (1995), che phủ công viên Central Park, New York bằng những “cánh cổng” làm từ miếng vải màu cam (2005). Gần đây nhất là London Mastaba, tác phẩm điêu khắc tại Hyde Park được làm từ 7.506 thùng đựng dầu chồng lên nhau thẳng đứng trên một mảng lớn trôi trên hồ Serpentine (2018).
Khi đến Paris vào cuối những năm 1950, Christo đã bị Khải Hoàn Môn mê hoặc. Ông thuê căn phòng nhỏ gần nơi này. Vào năm 1962, ông thực hiện tác phẩm nghệ thuật collage (cắt dán) về Khải Hoàn Môn bị che phủ, với góc nhìn từ đại lộ Foch và hoàn thành vào năm 1988.
Trong những ngày tháng cuối đời, Christo miệt mài thực hiện tác phẩm cuối cùng mà ông gọi đó là “temporary exhibition” (trưng bày tạm thời). Các tác phẩm của ông thường mất đến 10 năm để thực hiện và đằng sau đó là những câu chuyện và mốc thời gian riêng biệt, thành quả từ quá trình chuẩn bị công phu, thuyết phục và đàm phán với cơ quan quản lý. Dự án “khoác áo” Khải Hoàn Môn là đài tưởng niệm đầu tiên mà ông mơ ước được thực hiện từ năm 1961.
Với những người ngưỡng mộ Christo và các nhà sưu tập, nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris tổ chức triển lãm The Final Christo với 25 tác phẩm, thuật lại câu truyện về quá trình phủ kín Khải Hoàn Môn, từ khi ông bắt đầu mơ ước tới hiện thực hóa giấc mơ sau đó 60 năm.
Mỗi tác phẩm sẽ chỉ được bán trong các buổi đấu giá riêng, lợi nhuận dành cho dự án phủ kín Khải Hoàn Môn và tổ chức Christo and Jeanne-Claude, để gìn giữ di sản của họ cho thế hệ mai sau.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/khai-hoan-mon-duoc-phu-kin-la-tac-pham-nghe-thuat-cong-cong-vi-dai-nhat-nam-2021)
1 tháng trước
2 tháng trước
2 tháng trước
1 năm trước
Thị trường mỹ thuật: Sóng ngầm sôi động1 năm trước
Cụ bà cao tuổi nhất thế giới qua đời