Giám đốc quản lý của GGV Capital Jenny Lee trở thành một trong những nhà đầu tư mạo hiểm được kính trọng và thành công nhất thế giới.
Nhà đầu tư mạo hiểm Jenny Lee đã tạo dựng thành công từ việc hậu thuẫn cho một vài trong số những startup công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Nay Đông Nam Á có thể mang đến cho bà những cơ hội đầu tư tương tự vào các startup giai đoạn đầu tại Singapore, quốc gia với nền kinh tế số có tốc độ phát triển nhanh chóng trong khu vực.
Năm 2020, khi phần lớn các nước trên thế giới gần như “bất động” trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, Jenny Lee, 50 tuổi, đã tìm kiếm cơ hội từ “quê nhà” Singapore để huy động vốn cho công ty của bà GGV Capital thực hiện bốn thương vụ đầu tư mới. Lee gần như không ngủ trong bốn tháng khi tham gia hơn 250 cuộc gọi Zoom để huy động số tiền 2,5 tỉ USD, quá trình thường diễn ra trong 6 tháng, và hoàn toàn đàm phán theo hình thức trực tuyến với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Lee và đội ngũ nhân sự đã mang về vốn huy động lớn nhất lịch sử 22 năm thành lập của GGV, giúp quỹ đầu tư mạo hiểm này tăng 27% giá trị tài sản đang quản lý (AUM) lên mức cao kỷ lục 9,2 tỉ USD. Lee, phụ trách toàn bộ quá trình huy động vốn bằng đồng đô la Mỹ của GGV, cảm thấy tự hào về thành quả đạt được.
“Điều này hoàn toàn xứng đáng với công sức bỏ ra. Nếu có thể huy động 10 triệu USD từ một cuộc gọi, tôi sẽ làm điều đó mỗi ngày,” Lee cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của GGC Capital ở Singapore vào tháng 6.2022.
Jenny Lee, 11 năm liên tiếp được Forbes vinh danh trong danh sách Midas List (100 nhà đầu tư mạo hiểm thành công nhất thế giới), với lần đầu góp mặt vào năm 2012, góp công không nhỏ trong việc tiếp thêm niềm tin của các nhà đầu tư vào GGV. “Jenny Lee đã tạo dựng danh tiếng của mình như một trong những nhà đầu tư mạo hiểm được kính nể nhất Singapore và thế giới,” theo phần ghi chú trong danh sách Midas List.
Từ một trong bốn phụ nữ duy nhất góp mặt trong Midas List năm 2011, Jenny Lee nằm trong nhóm 12 “nữ tướng” có tên trong danh sách năm 2022. Từ thành công trong lĩnh vực mà nam giới chiếm tỷ lệ áp đảo, Jenny Lee cũng có 3 lần được xướng tên trong danh sách World’s Most Powerful Women (Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất Thế giới) và lọt vào danh sách Asia’s Power Businesswomen (Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất châu Á) năm 2019 của Forbes.
Tại GGV Capital, Lee làm việc với những nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu và nằm trong 6 giám đốc quản lý điều hành công ty, bao gồm cả Jixun Foo – giám đốc quản lý toàn cầu người Singapore và được biết đến là nhà đầu tư giai đoạn đầu của siêu ứng dụng Đông Nam Á Grab.
Một cái tên nổi tiếng khác là Hans Tung, giám đốc quản lý người Mỹ gốc Đài Loan tập trung vào các thương vụ đầu tư tại châu Á với 10 lần nằm trong danh sách Midas List. Các thành viên khác mang đến chuyên môn trong những lĩnh vực như đầu tư, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về khởi nghiệp tại Mỹ. GGV cho biết tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) hằng năm đạt trung bình hơn 25% kể từ khi thành lập vào năm 2000.
Danh mục đầu tư của GGV Capital có 354 công ty, chia đều ở hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ (GGV cho biết cũng đầu tư vào 85 kỳ lân). Trung Quốc đóng góp nhiều công ty châu Á nhất trong danh mục đầu tư của GGV với 77 cái tên nhận vốn đầu tư, chỉ xếp sau khoảng 130 công ty của nước Mỹ.
Tuy bắt đầu sự nghiệp của nhà đầu mạo hiểm tại Morgan Stanley và Jafco Asia, nhưng Trung Quốc mới là nơi Jenny Lee tạo dựng danh tiếng của mình sau khi gia nhập GGV Capital để mở văn phòng ở quốc gia tỉ dân vào năm 2005.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc là thị trường quốc tế thứ hai của GGV (công ty mở văn phòng đầu tiên ở Singapore vào năm 2000 và đóng cửa sau đó 13 năm). Đó là tín hiệu ban đầu cho thấy GGV đặt niềm tin vào tiềm năng của Lee trong việc trở thành cái tên dẫn dắt thị trường quan trọng.
Làm việc tại Thượng Hải, Lee và Foo dẫn đầu hoặc tham gia một loạt các thương vụ đầu tư, thường với mức định giá ban đầu rất thấp, vào một vài trong số những công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, như hãng sản xuất xe điện Xpeng Motors và thương hiệu điện thoại Xiaomi. Một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất của Lee là công ty phát triển phần mềm Kingsoft WPS (Trung Quốc) vào năm 2013, giúp GGV thu lại lợi nhuận cao gấp 50 lần số vốn bỏ ra theo tính toán mới nhất vào đầu năm 2022.
Khả năng nhạy bén trong việc nắm bắt công nghệ mới nổi giúp Jenny Lee và đội ngũ nhân lựa chọn những kỳ lân trong tương lai. “Chúng tôi theo rất sát thời điểm quan trọng của công nghệ để có thể hiểu rõ công nghệ nào có khả năng trở thành ‘điều lớn lao tiếp theo’,” Lee cho biết.
Kể từ khi thành lập vào năm 2020, giá trị tài sản đang quản lý (AUM) của GGV Capital, tên gọi ban đầu là Granite Global Ventures sau đó rút ngắn thành GGV, tăng hơn 50 lần.
Jenny Lee chuyển đến Trung Quốc vào đúng thời điểm quốc gia này chuyển đổi từ công nghệ dựa vào máy tính (với sự phổ biến của cà phê Internet) sang hệ sinh thái công nghệ trên di động. Để chuẩn bị cho việc đầu tư, Lee và đội ngũ nhân sự đã tháo tung những chiếc smartphone, xác định linh kiện quan trọng bên trong và đầu tư vào các công ty về linh kiện này.
Một trong số đó là AAC Technologies, đối tác cung ứng cảm biến âm thanh quan trọng cho các mẫu điện thoại iPhones của Apple có trụ sở tại Trung Quốc. “Nhờ vậy mà chúng tôi có thể đầu tư vào các công ty sở hữu công nghệ tân tiến từ rất sớm,” Lee cho biết.
Jenny Lee cũng phải đối mặt với thách thức từ việc hoạt động tại một trong những thị trường khó khăn và triển vọng nhất cho lĩnh vực vốn mạo hiểm. Tuy đã học tiếng Quan thoại (Mandarin) ở Singapore, song Lee thừa nhận gặp khó khăn về ngôn ngữ khi chuyển đến Trung Quốc. Không những vậy, bà đại diện cho công ty không có mối liên hệ nào với quốc gia tỉ dân, cũng như mạng lưới các mối quan hệ tại đây.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2020 được đăng trên trang web của GGV, Jenny Lee cho biết “Chúng tôi đã phải học cách đọc bản kế hoạch kinh doanh bằng tiếng Hoa và nắm rõ thuật ngữ chuyên môn. Các doanh nhân mà tôi từng gặp đã dạy cho tôi cách nói chuyện, sử dụng đúng cụm từ trong tiếng Hoa và tôi giúp họ trong tiếng Anh.” Qua đó, Lee tìm ra được hướng tiến lên phía trước. “Bạn bước vào thị trường và cảm thấy lo sợ khi biết rằng mình đang bắt đầu từ con số 0.”
Một khó khăn khác nằm ở văn hóa kinh doanh tại Trung Quốc, khi ấy vẫn là nền kinh tế sử dụng tiền mặt và hai loại hình thẻ tín dụng cũng như thanh toán điện tử chưa thực sự phổ biến. Lee cho biết bà từng phải mang theo vali đựng tiền để trả lương cho nhân viên, những người chưa từng nghe đến GGV và gia nhập công ty bằng “niềm tin”. Cũng trong bài phỏng vấn năm 2020, Lee đề cập đến tính kỷ luật trong tinh thần khởi nghiệp từ những ngày đầu hoạt động. “Tôi thấu hiểu những gì các startup đang phải trải qua.”
“Nếu có thể huy động 10 triệu USD từ một cuộc gọi, tôi sẽ làm điều đó mỗi ngày,”
Vào năm 2005, GGV Capital đầu tư vào HiSoft (nay là Pactera), đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ IT thuê ngoài, lĩnh vực với các công ty Ấn Độ như Infosys chiếm tỷ lệ áp đảo. Để phát triển HiSoft, Lee đã bổ nhiệm Tiak Koon Loh, người bạn đồng hương Singapore và “cựu binh” trong lĩnh vực IT thuê ngoài, làm giám đốc điều hành (CEO). Năm 2010, Loh, từng điều hành mảng dịch vụ IT thuê ngoài của Hewlett Packard (HP) tại Trung Quốc, đã đưa HiSoft lên sàn chứng khoán Nasdaq và giúp GGV hoàn lại gấp ba lần số vốn bỏ ra.
“Jenny cảm nhận rằng HiSoft có thể trở thành doanh nghiệp toàn cầu,” Tiak Koon Loh, hiện vẫn giữ chức CEO của Pactera, cho biết. Pactera nay thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Điện tử Trung Quốc trực thuộc chính phủ Trung Quốc và là công ty cung cấp dịch vụ IT thuê ngoài lớn nhất Trung Quốc đại lục, với doanh thu hằng năm hơn 1 tỉ USD.
Tìm ra HiSoft là ví dụ cho thấy Jenny Lee bám sát theo quy trình thẩm định chuyên sâu. Khi ấy, chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ lĩnh vực IT với hàng chục khu công nghệ cao trải khắp đất nước. Lee đã tới từng nơi, trò chuyện với ban quản lý và nói họ chọn ra những công ty tốt nhất đang hoạt động trong khu công nghệ cao. Sau đó, bà gặp từng công ty này.
Lee từng tham gia bữa tiệc với hải sản và nhiều chai rượu Bạch tửu có nồng độ mạnh khi đến khu công nghệ cao ở Đại Liên. Tại khu công nghệ cao khác, bà tham gia đánh golf để ký bản thỏa thuận ngay trên mặt cỏ. “Tôi đã nỗ lực thêm chút nữa,” bà cho biết. Điều này đã mang lại thành quả khi HiSoft là một trong những công ty mà Jenny Lee gặp gỡ.
Mặc cho hạn chế về tiếng Quan thoại và mạng lưới quan hệ, Lee đã mang đến Trung Quốc kinh nghiệm kinh doanh và khả năng chuyên môn vững chắc. Sinh ra và lớn lên tại Singapore, Jenny Lee chuyển đến Mỹ để theo học ngành kỹ thuật điện tử tại đại học Cornell và tốt nghiệp hai bằng cử nhân cũng như thạc sĩ vào năm 1995.
Trong khoảng thời gian đó, Lee nhận công việc về kỹ thuật hàng không tại ST Aerospace của Singapore, nơi bà phụ trách điều chỉnh mẫu máy bay tiêm kích F16. “Ngày nào tôi cũng làm việc ngoài trời nắng các kỹ thuật viên khác và phi công tiêm khích. Đó là trải nghiệm vui vẻ” Lee cho biết trong bài blog của GGV.
Là “ngôi sao đang lên” của nhà thầu quốc phòng cho chính phủ Singapore, năm 2001, Lee được ST Aerospace cho theo học chương trình thạc sĩ kinh doanh (M.B.A) trong bốn năm tại trường quản lý Kellogg trực thuộc đại học Northwestern. Tuy vậy, Lee lại quyết định nghỉ việc trong cùng năm đó để theo đuổi niềm đam mê trở thành nhà đầu tư mạo hiểm mà bà đã ấp ủ từ lâu.
Đó là quyết định có tính rủi ro cao, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu rơi vào “vòng xoáy” khủng hoảng và đi kèm với cái giá không hề nhỏ, khi bà phải trả khoản tiền phạt 300.000 USD cho ST Aerospace do không hoàn thành học bổng tài trợ có thời hạn 11 năm, chi trả học phí cho chương trình cử nhân và thạc sĩ, cũng như thạc sĩ kinh doanh. Lee không cảm thấy hối hận và cho rằng đây là quyết định tốt nhất.
Vào năm 2019, Jenny Lee và Jixun Foo, người đã đầu tư vào Đông Nam Á từ năm 2005, quyết định mở cửa trở lại văn phòng đại diện của GGV tại Singapore, nền kinh tế số có tốc độ phát triển nhanh chóng và sản sinh ra nhiều kỳ lân như hiện nay. Tuy vậy, việc mở cửa trở lại diễn ra vào thời điểm chỉ vài tháng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, một trong những ưu tiên lớn nhất của Lee trong những năm tới là huy động khoản đầu tư quan trọng, khi GGV đã không chốt lại vốn đầu tư nào kể từ năm 2018 sau khi bà nhận về 1,88 tỉ USD.
“Bạn bước vào thị trường và cảm thấy lo sợ khi biết rằng mình đang bắt đầu từ con số 0.”
Việc GGV mở văn phòng mới tại Singapore cho thấy Đông Nam Á ngày càng nổi lên trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm toàn cầu, khi Trung Quốc mất dần vị thế trong bối cảnh nền kinh tế chững lại và căng thẳng địa chính trị với Mỹ. Đây là nơi lý tưởng để GGV tìm ra những startup và công nghệ tiềm năng trên toàn Đông Nam Á. Singapore cũng có môi trường công nghệ ấn tượng với 12 kỳ lân và hơn 9.300 startup, KPMG và HSBC lưu ý trọng báo cáo tháng 7.2022.
“Singapore đang đi đầu Đông Nam Á về nền kinh tế mới,” báo cáo cho biết. Kế đó là Indonesia, nền kinh tế có quy mô GDP hơn 1.000 tỉ USD và sở hữu các kỳ lân như GoTo và Traveloka.
GGV đã triển khai một nửa trong nguồn vốn huy động 2,5 tỉ USD từ năm 2020. Trong số các công ty tại Đông Nam Á nhận vốn đầu tư có công ty công nghệ tài chính (fintech) Thunes, hai startup về sản phẩm thay thế thịt Next Gen Foods và Growthwell (đều từ Singapore), bên cạnh công ty công nghệ giáo dục (edtech) của Indonesia Ruangguru và Azota từ Việt Nam.
Jenny Lee có thêm thành tựu đáng tự hào khác khi trở thành thành viên trẻ tuổi nhất trong ban lãnh đạo của Temasek vào tháng 1.2022. Với việc gia nhập ban lãnh đạo của quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore, Lee đã giữ đúng lời thề với một vị sếp cũ tại ST Aaerospace, người từng dặn bà “hãy trở về khi đất nước cần đến” vào thời điểm Lee từ chức năm 2001. Jenny Lee tin rằng bản thân có thể tạo ra thêm giá trị cho Temasek, khi quỹ đầu tư này muốn đẩy mạnh các thương vụ đầu tư vào những công nghệ mới nổi và công nghệ đổi mới ở khắp châu Á cũng như trên toàn thế giới.
“Tôi cảm thấy vinh dự khi trở về Singapore và đóng góp theo những cách có thể,” Lee chia sẻ.
Thông tin
Một trong những phát hiện thành công nhất của Jenny Lee là hãng điện thoại Xiaomi trước thời điểm công ty này bán ra mẫu di động đầu tiên. Vào năm 2010, GGV tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập, với sự tham dự của Jack Ma (Alibaba) cũng như nhà sáng lập kiêm CEO Xiaomi Lôi Quân (Lei Jun). Lôi Quân và Jenny Lee đã quen biết nhau từ trước, thời điểm ông là nhà đầu tư thiên thần sau khi gây dựng nên hai công ty rất thành công. Trong đó, ông nhượng lại một công ty cho Amazon và niêm yết cổ phiếu cho công ty còn lại trên sở Giao dịch Hong Kong (HKEX).
Gặp nhau tại sự kiện của GGV, Lôi Quân đã tiết lộ cho Jenny Lee về ý tưởng thành lập startup sản xuất điện thoại và đã có bản dựng đầu tiên. Khi phần lớn khách tham dự đã rời khỏi bữa tiệc, hai người nán lại để trò chuyện đi tiết hơn cho đến lúc khuya. Sau đó, Lôi Quân đã thuyết phục Lee rằng đây là thương vụ đầu tư đáng giá và khuyên GGV nên rót vốn vào startup của ông.
Jenny Lee trở thành nhà đầu tư thiên thần đầu tiên của Xiaomi và GGV Capital sau đó đầu tư vào cổ phần. Trong cuộc phỏng vấn với Forbes vào năm 2015, Lee cho biết: “Bạn có thể hiểu rằng anh ấy sẽ làm ra chiếc điện thoại và có trải nghiệm người dùng tốt hơn dành cho người dân Trung Quốc.”
Thương vụ đầu tư này mang về “trái ngọt”, khi Xiaomi nằm trong số những thương hiệu điện thoại hàng đầu thế giới và Lôi Quân sở hữu khối tài sản ròng vào khoảng 10 tỉ USD. “Việc đầu tư đôi khi là nhìn vào đôi mắt của một người nào đó để thấy niềm đam mê và ý chí muốn giành chiến thắng của họ,” Jenny Lee nói về cuộc gặp gỡ định mệnh khi đó với Lôi Quân. Là cổ đông nắm quyền kiểm soát và chủ tịch của Kingsoft, Lôi Quân cũng giúp Jenny Lee có thương vụ đầu tư thành công nhất vào Kingsoft WPS.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/jenny-lee-bong-hong-quyen-luc-cua-gioi-dau-tu-mao-hiem)
2 tháng trước
2 năm trước
“Bàn tay vàng” của Midas Frederic Court1 năm trước
Chiến lược kinh doanh: Chia tách để tăng trưởng2 năm trước
Bùng nổ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á