Sau khi Italy trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên chặn chatbot ChatGPT vào ngày 31.3 vì thiếu minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu, kế tiếp là quốc gia châu Âu nào sẽ cấm sử dụng công cụ này?
Quyết định này của Italy đã khuyến khích nhiều quốc gia láng giềng thực hiện theo.
“Trong vài ngày gần đây, nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới và một quốc gia, Italy, đang cố gắng làm chậm lại tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ này, mà đang dấy lên mối lo ngại,” theo nhật báo Le Parisien của Pháp.
Nhiều thành phố khác nhau ở Pháp bắt đầu thực hiện nghiên cứu riêng “để đánh giá những thay đổi do ChatGPT mang lại và hậu quả của việc sử dụng công nghệ này vào nhiều hoạt động của địa phương,” theo Ouest-France.
Thành phố Montpellier muốn cấm quan chức của thành phố sử dụng ChatGPT, như một biện pháp đề phòng,” tờ báo đưa tin. “Phần mềm ChatGPT nên bị cấm trong nhóm quan chức của thành phố vì việc sử dụng công nghệ này có thể gây bất lợi.”
Theo BBC, ủy ban Bảo vệ dữ liệu Ireland “sẽ phối hợp với tất cả các cơ quan bảo vệ dữ liệu của EU (Liên minh châu Âu)” để thực hiện lệnh cấm.
Ngoài ra, văn phòng Ủy viên Thông tin, cơ quan quản lý dữ liệu độc lập của Vương quốc Anh, nói với BBC rằng cơ quan sẽ “hỗ trợ” sự phát triển của AI nhưng cũng sẵn sàng “khước từ những hành vi vi phạm” luật bảo vệ dữ liệu.
ChatGPT cũng bị chặn ở Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga.
Liên minh châu Âu đang trong quá trình soạn thảo đạo luật Trí tuệ Nhân tạo, trong đó đạo luật “xác định loại AI nào có khả năng gây ra hậu quả xã hội,” Le Parisien giải thích. “Đặc biệt đạo luật mới này có thể sẽ giúp chống lại các thành kiến phân biệt chủng tộc hoặc quan niệm sai lầm về thuật toán cũng như phần mềm trí tuệ nhân tạo tổng quát (chẳng hạn như ChatGPT).”
Đạo luật trí tuệ nhân tạo cũng sẽ chỉ định mỗi quốc gia có một cơ quan quản lý phụ trách trí tuệ nhân tạo.
Trường hợp của Italy
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy giải thích rằng cơ quan đang cấm và điều tra ChatGPT do những lo ngại về quyền riêng tư liên quan đến mô hình do startup của Hoa Kỳ OpenAI tạo ra. Microsoft đầu tư hàng tỉ đô la vào startup này.
Cơ quan quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân công bố quyết định này “có hiệu lực ngay lập tức” vì “robot ChatGPT không tôn trọng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như không có hệ thống xác minh tuổi của người dùng vị thành niên,” theo Le Point.
Còn theo Reuters, “với động thái này, Italy trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên đưa ra lệnh cấm sử dụng chatbot dựa vào trí tuệ nhân tạo đang phổ biến.”
Cơ quan quản lý của Italy cho biết cơ quan không chỉ chặn chatbot của OpenAI mà còn điều tra xem liệu công cụ này có tuân thủ quy định về Bảo vệ dữ liệu chung của EU hay không.
Bảo vệ trẻ vị thành niên
Cơ quan cho biết thêm rằng công nghệ mới “đưa ra những câu trả lời hoàn toàn không phù hợp so với mức độ phát triển và nhận thức của trẻ vị thành niên.”
Thông cáo báo chí của cơ quan quản lý Italy giải thích thêm rằng vào ngày 20.3, ChatGPT “bị mất dữ liệu (‘rò rỉ dữ liệu’) liên quan đến các cuộc trò chuyện của người dùng và thông tin liên quan đến việc thanh toán của người đăng ký dịch vụ trả phí.”
Cơ quan cũng chỉ ra “thiếu cơ sở pháp lý biện minh cho việc thu thập và lưu trữ hàng loạt dữ liệu cá nhân nhằm mục đích ‘huấn luyện’ các thuật toán làm cơ sở cho hoạt động của nền tảng.”
ChatGPT được ra mắt công chúng vào tháng 11 và nhanh chóng thu hút hàng triệu người sử dụng vì ấn tượng với khả năng trả lời rõ ràng các câu hỏi khó, bắt chước phong cách viết, và thậm chí vượt qua các kỳ thi. ChatGPT cũng có thể được sử dụng để viết mã máy tính mà không cần có kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin.
Cơn sốt xung quanh ChatGPT
“Kể từ khi được phát hành vào năm ngoái, ChatGPT tạo ra một cơn sốt công nghệ, khiến đối thủ ra mắt các sản phẩm tương tự đồng thời nhiều công ty tích hợp công cụ này hoặc công nghệ tương tự vào ứng dụng cũng như sản phẩm,” theo Reuters.
“Ngày 31.3, OpenAI, đã vô hiệu hóa ChatGPT cho người dùng ở Italy theo yêu cầu của cơ quan, cho biết công ty tích cực thực hiện nhiều công việc để giảm sử dụng dữ liệu cá nhân trong việc huấn luyện các hệ thống AI như ChatGPT.”
Cơ quan quản lý của Italy hiện đang yêu cầu OpenAI “thông báo về các biện pháp đã thực hiện trong vòng 20 ngày ” để khắc phục tình trạng này – hoặc có nguy cơ bị phạt 20 triệu euro (21,7 triệu USD), chiếm đến 4% doanh thu hằng năm trên toàn thế giới, theo Euronews.
Thông báo này được đưa ra khi cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo trong ngày 27.3 rằng bọn tội phạm sẵn sàng lợi dụng các chatbot AI như ChatGPT để thực hiện hành vi lừa đảo cũng như những tội phạm mạng khác.
Europol cảnh báo, khả năng phát triển nhanh của chatbot có thể sẽ bị những kẻ có mục đích xấu khai thác ngay để thực hiện cuộc tấn công giả mạo, cung cấp thông tin sai lệch cũng như phát tán phần mềm độc hại.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
OpenAI công bố phiên bản mới nhất GPT-4 cho ChatGPT
Google chuẩn bị ra mắt công cụ A.I cạnh tranh với ChatGPT
Sáu điều chưa biết về ChatGPT và cuộc đua hiện thực hóa AI
11 tháng trước
Cuộc cải tổ ở tập đoàn gia tộc thế kỷ Aboitiz1 năm trước
OpenAI ra mắt ứng dụng ChatGPT trên iPhone1 năm trước
Từ ChatGPT hình dung về tương lai mới2 năm trước