Doanh nghiệp

IFC tăng cấp vốn hỗ trợ doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng và việc làm

2 năm trước
Tác giả Tuyết Ân

Khoản tài trợ thương mại 1,1 tỉ USD của IFC hướng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Share
this:

Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) của IFC thực hiện trong 12 tháng diễn ra đại dịch (từ tháng 7.2020 đến tháng 6.2021) đã cấp hơn 1,1 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ổn định các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và duy trì việc làm cho người lao động.

Theo đó, định chế tài chính này đã tài trợ cho sáu ngân hàng Việt Nam để họ nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu các SMEs. IFC tài trợ các ngân hàng phát hành 974 bảo lãnh có tổng giá trị 686 triệu USD để hỗ trợ cho gần 2.000 nhà xuất nhập khẩu.

HSBC GDP 2021
Ảnh: IFC

Sáu ngân hàng nhận tài trợ gồm ngân hàng TMCP An Bình, Đông Nam Á, Tiên Phong, ngân hàng Quốc tế Việt Nam, ngân hàng Công thương Việt Nam và ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng. IFC cho phép các ngân hàng giãn lịch thanh toán, cấp khoản tài trợ mới cho các SMEs bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa xuyên biên giới thông suốt và giảm bớt khó khăn về thanh khoản.

IFC cũng cấp 418 triệu USD cho các nhà cung cấp trong nước để gia hạn thời hạn thanh khoản cho đối tác mua hàng. Hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ chuỗi cung ứng toàn cầu của IFC, nguồn vốn cấp ngắn hạn để các nhà cung cấp đang xuất khẩu hàng hóa cho bên mua quốc tế, được chiết khấu hóa đơn sau khi bên mua chấp thuận.

Như vậy IFC đã nâng tổng mức tài trợ chuỗi cung ứng thêm 28% trong năm tài chính 2021, hỗ trợ 31 doanh nghiệp may mặc và nông nghiệp duy trì hoạt động và đảm bảo cho hơn 100.000 việc làm. Khoản tài trợ này đã tăng đột biến khi các nhà cung cấp bị hạn chế về thanh khoản do COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bà Nathalie Louat, giám đốc Toàn cầu Tài trợ Thương mại và Chuỗi cung ứng IFC chia sẻ rằng trong các cuộc khủng hoảng trước đây, kinh nghiệm của IFC trên toàn cầu là góp phần duy trì sự luân chuyển hàng hóa thông suốt có vai trò quan trọng với hoạt động của doanh nghiệp và ổn định việc làm trong giai đoạn đầu của đại dịch.

“IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tích lũy vốn lưu động và tăng cường hoạt động thương mại khi chu kỳ sản xuất phục hồi và các nền kinh tế được tái thiết sau khủng hoảng,” bà nói