Tiêu điểm

Grab chính thức lên sàn Nasdaq

Công ty siêu ứng dụng khổng lồ của Đông Nam Á, hoàn thành một trong những giao dịch lớn nhất thế giới liên quan đến công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Share
this:

Grab Holdings bắt đầu niêm yết trên sàn Nasdaq ngày 2.12.2021 sau khi các cổ đông của Altimeter Growth Corp. đồng ý sáp nhập với công ty siêu ứng dụng khổng lồ Đông Nam Á, hoàn tất một trong những giao dịch lớn nhất thế giới liên quan đến công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Altimeter cho biết thỏa thuận này định giá Grab 40 tỉ USD, đã được các cổ đông của Altimeter thông qua hôm 30.11. Hai nhà đồng sáng lập Grab, Anthony Tan và Tan Hooi Ling, đã rung chuông trên sàn Nasdaq ở Singapore, nơi công ty đặt trụ sở chính.

CEO Grab Anthony Tan cho biết: “Đây là thời điểm để Đông Nam Á tỏa sáng, chúng tôi hi vọng việc gia nhập thị trường đại chúng toàn cầu sẽ giúp mang đến vô số cơ hội mới trong khu vực.” Trước đó, Grab dự kiến huy động được 4,5 tỉ USD từ việc niêm yết.

Nguồn vốn mới sẽ giúp Grab cạnh tranh với công ty công nghệ khổng lồ Indonesia GoTo và Sea Group, chủ sở hữu Shopee để giành vị trí thống lĩnh nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ ở Đông Nam Á.

CEO và đồng sáng lập Grab Anthony Tan trong bộ đồ giao hàng. SEAN LEE CHỤP CHO FORBES ASIA

Được thành lập năm 2012, ứng dụng đặt taxi Grab đến nay đã phát triển thành siêu ứng dụng bằng cách mở rộng hoạt động sang dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và các dịch vụ tài chính số. Các dịch vụ của Grab được cung cấp tại hơn 400 thành phố ở Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Grab cũng đặc biệt quan tâm đến fintech, sẽ ra mắt ngân hàng số ở Singapore vào năm tới với sự hợp tác của công ty viễn thông khổng lồ Singtel. Năm 2017, siêu ứng dụng này đã ra mắt GrabPay, cung cấp các khoản vay, bảo hiểm, quản lý tài sản và thanh toán kỹ thuật số. “Hàng triệu người tiêu dùng khi nghĩ về GrabPay đều nghĩ họ có thể trả tiền ngay, trả tiền sau, trả tiền ở bất cứ đâu”, Tan trả lời phỏng vấn Forbes Asia tháng trước.

Theo nghiên cứu mới do Google, Temasek và Bain & Company công bố tháng 11.2021, Đông Nam Á là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) từ nền kinh tế số đạt 174 tỉ USD năm nay, tăng 49% so với năm trước đó. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng trong khu vực sử dụng thương mại điện tử và các nền tảng số khác, nghiên cứu dự báo GMV của Đông Nam Á sẽ tăng lên 363 tỉ USD vào năm 2025 và vượt 1.000 tỉ USD vào năm 2030.

Với tiềm năng to lớn của nền kinh tế số Đông Nam Á, Nirgunan Tiruchelvam, trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu trong mảng tiêu dùng tại Tellimer ở Singapore, cho biết gần đây giá cổ phiếu của Altimeter tăng lên 20 USD từ 16,50 USD trước khi Grab niêm yết. Giá cổ phiếu của Grab tăng 5,7% lên 11,64 USD sau vài giờ giao dịch trên sàn Nasdaq nhưng giá đóng cửa ở mức 11,01 USD ngày 1.12.2021.

“Đông Nam Á đang ở đỉnh cao của cuộc chuyển đổi số lớn — 60 triệu người đã bước vào nền kinh tế số vì COVID-19,” Nirgunan Tiruchelvam nói trong video trên LinkedIn khi nhắc lại khuyến nghị mua Altimeter. “Điều này tăng cơ hội cho Grab, công ty gọi xe và giao đồ ăn khổng lồ ở Đông Nam Á”.

Nirgunan Tiruchelvam cho rằng mặc dù Grab tiếp tục thua lỗ trong kết quả kinh doanh quý ba nhưng có nhiều triển vọng tăng trưởng. Mặc dù dịch vụ gọi xe bị ảnh hưởng do Đông Nam Á vẫn gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới, đặc biệt ở Việt Nam, nhưng nhu cầu giao thức ăn đã tăng và ngày càng có nhiều các giao dịch sử dụng dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Brad Gerstner, người sáng lập và CEO của Altimeter cho biết: “Siêu ứng dụng của Grab kết hợp các dịch vụ đặt xe, giao hàng và thanh toán đã đạt được sự tăng trưởng bền vững ngay cả trong thời kỳ đại dịch và đang đóng một vai trò nền tảng trong quá trình số hóa ở Đông Nam Á”.

Biên dịch: Gia Nhi