Kinh doanh

Giá cổ phiếu Baidu tăng cao sau thông báo ra mắt công cụ A.I

1 năm trước
Tác giả Yue Wang

Giá cổ phiếu của Baidu tăng hơn 14% sau khi công ty xác nhận sẽ ra mắt công cụ A.I tương tự như ChatGPT vào tháng 3 tới.

Share
this:

Sau khi xác nhận ra mắt công cụ A.I tương tự như ChatGPT, nền tảng tìm kiếm Baidu của tỉ phú Trung Quốc Robin Li ngay lập tức đẩy giá cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong lên hơn 14%, tính đến phiên giao dịch trưa hôm 31.1.

Theo thông cáo báo chí sáng ngày 31.1, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ chính thức ra mắt công cụ chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I), với tên gọi Ernie Bot, vào tháng 3.2023 sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm nội bộ. Baidu cho biết, việc phát triển Ernie Bot bắt đầu từ cuối tháng 9.2022, khi công ty trong những năm gần đây đã đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào nghiên cứu A.I để tạo ra nguồn doanh thu mới.

Người phát ngôn của Baidu từ chối đưa ra bình luận về việc Ernie Bot có thu phí người dùng hay không.

Vào tuần trước, OpenAI, công ty phát triển ChatGPT có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), đã ra mắt phiên bản cao cấp ChatGPT Plus, mức phí 20 USD/tháng với các tính năng gồm người dùng có thể truy cập vào giờ cao điểm và A.I phản hồi nhanh hơn. Kể từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, ChatGPT đã trở thành “cơn sốt” của ngành công nghệ toàn cầu, với công nghệ đàm thoại A.I tân tiến thu hút hơn 1 triệu người dùng chỉ trong vài ngày.

Chủ tịch và CEO của Baidu, Robin Li phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Toàn cầu năm 2021 (WAIC) diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Wu Jun/Vcg via Getty Images.

Baidu không phải công ty phát triển A.I duy nhất tại Trung Quốc ghi nhận số lượng nhà đầu tư gia tăng. Hồi tuần trước, giá trị cổ phiếu của các công ty gồm Beijing Deep Glint Technology niêm yết cổ phiếu tại Thượng Hải và Hanwang Technology (niêm yết tại Thâm Quyến) đều tăng cao khi các nhà đầu tư muốn rót vốn vào “ChatGPT” của riêng Trung Quốc. Tin tức về Baidu phát triển công cụ chatbot xuất hiện đầu tiên.

Tuy vậy, Baidu đang gặp áp lực trong việc thương mại hóa công cụ A.I, khi người dùng Trung Quốc đã có thể tra cứu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm ứng dụng Xiaohongshu hay nền tảng chia sẻ video ngắn Douyin (phiên bản nội địa của TikTok). Do đó, Robin Li đang đặt tương lai của Baidu vào công nghệ A.I, khi đầu tư vào các lĩnh vực như xe tự hành, điện toán đám mây và vi xử lý bán dẫn nhằm thu hút người dùng trở lại.

Với doanh số bán hàng từ mảng tiếp thị vẫn chiếm hơn 50% tổng doanh thu, Baidu báo cáo doanh thu trong quý kinh doanh đến tháng 9.2022 đạt 32,5 tỉ nhân dân tệ (4,6 tỉ USD), cao hơn so với kỳ vọng.

Biên dịch: Minh Tuấn