Công ty đầu tư mạo hiểm Electric Capital đã huy động được 1 tỉ USD để đầu tư vào các startup tiền mã hóa, tài chính phi tập trung, và thị trường NFT.
Một năm sau khi các startups huy động được số vốn đầu tư mạo hiểm kỷ lục cùng với giá tiền mã hóa đạt mức cao nhất trong lịch sử, Electric Capital ở Palo Alto đã huy động được 1 tỉ USD để đầu tư vào các startup tiền mã hóa.
Số tiền đó gồm khoản 400 triệu USD được huy động trong vòng gọi vốn kết thúc hồi năm ngoái (không được thông báo đến ngày hôm nay) để mua cổ phần cũng như đồng tiền mã hóa token, cộng với 600 triệu USD được huy động trong vòng gọi vốn kết thúc tháng trước chỉ dùng để mua token. Trước đó, Electric chỉ huy động được 125 triệu USD từ hai vòng gọi vốn đầu.
Electric do Avichal Garg, 39 tuổi, cùng với kỹ sư phần mềm Curtis Spencer, 40 tuổi, thành lập. Năm 2001, khi còn đang học trung học, Garg đã bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sau khi đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp về công nghệ giáo dục. Anh tiếp tục học chuyên ngành khoa học máy tính tại Stanford và sau đó trở thành giám đốc sản phẩm tại Google.
Ngoài ra, anh cùng Spencer đồng sáng lập Spool, startup đánh dấu trang giúp người tiêu dùng lưu các bài báo lẫn video trên điện thoại. Facebook đã mua lại Spool trong thương vụ năm 2012, còn Garg cùng với Spencer ở lại gã khổng lồ truyền thông xã hội trong vài năm trước khi thành lập Electric Capital năm 2018.
Cả hai nhắm đến tạo sự khác biệt giữa Electric với các quỹ đầu tư tiền mã hóa khác thông qua tuyển dụng thêm các kỹ sư để bổ sung vào đội ngũ của công ty. Bằng cách đó, công ty có thể hiểu rõ hơn để hỗ trợ các hoạt động kỹ thuật của các công ty trong danh mục đầu tư. Trong số 15 nhân viên của Electric, tám người là kỹ sư phát triển phần mềm cùng với hai nhà thiết kế đồ họa, Garg nói.
Anh nghĩ các kỹ sư sẽ giữ vị trí quan trọng chi phối tất cả các doanh nghiệp lớn nhất. “Nếu bạn nhìn vào các công ty thương mại thành công nhất trên thế giới, về cơ bản các kỹ sư phần mềm điều hành hoạt động kinh doanh này,” anh cho biết. “Nếu bạn nhìn vào các nền tảng truyền thông thành công nhất, chúng cũng do các kỹ sư điều hành. Chúng tôi nghĩ các kỹ sư cũng giữ một vai trò quan trọng trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cũng như tất cả các thị trường vốn.” Các quỹ tiền mã hóa Paradigm và Hack VC, gần đây đã huy động được 200 triệu USD, cũng có đội ngũ kỹ sư.
Electric sử dụng kiến thức chuyên ngành kỹ thuật để tạo nên “Báo cáo dành cho nhà phát triển” hàng năm, phân tích lượng lớn mã nguồn mở được xuất bản trên kho lưu trữ GitHub. Nghiên cứu ước tính số lượng kỹ sư đang làm việc trên các nền tảng tiền mã hóa khác nhau và hệ sinh thái nào đang tăng trưởng nhanh nhất cũng như giúp cung cấp thông tin để hỗ trợ Electric quyết định đầu tư.
Một trong những khoản đầu tư tốt nhất của Electric cho đến nay là Near Protocol, đối thủ của Ethereum, hoạt động như nền tảng tiền mã hóa có thể sử dụng cho các ứng dụng khác. Sau khi ra mắt vào năm 2017, Near đã trở thành hệ sinh thái tiền mã hóa phát triển nhanh thứ ba vào năm 2021, thu hút hơn 100 nhà phát triển làm việc toàn thời gian.
Garg và Spencer đã đầu tư 500.000 USD vào Near trong năm 2018 cũng như đầu tư thêm vào những năm sau đó. Khoản đầu tư 500.000 USD hiện giờ tăng trưởng lên đến hơn 60 triệu USD, gia tăng giá trị của tổng cổ phần của Electric trong công ty Near lên “hàng trăm triệu.”
Electric cũng thực hiện nhiều khoản đầu tư vào tài chính phi tập trung, hay DeFi, hệ sinh thái chung cho các sản phẩm tiền mã hóa đang cố gắng xây dựng các hệ thống tài chính nằm ngoài sự kiểm soát của công ty hoặc chính phủ. Công ty là nhà đầu tư ban đầu của Dydx, một ứng dụng giao dịch phái sinh tiền mã hóa có 27 nhân viên đã vượt qua Coinbase về khối lượng giao dịch hàng ngày vào mùa thu năm ngoái.
Công ty cũng sở hữu cổ phần trong Zeta, một dịch vụ giao dịch quyền chọn. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư vào Syndicate, một startup phần mềm ở thung lũng Silicon giúp mọi người dễ dàng hơn trong tập hợp vốn tiền mã hóa lại với nhau và đầu tư vào các tổ chức tự trị phi tập trung.
Để triển khai khoản đầu tư mới 1 tỉ USD, Electric có kế hoạch mua cổ phần lẫn token từ 1 triệu đến 20 triệu USD. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiền mã hóa và tài chính phi tập trung, đồng thời muốn tập trung vào thị trường NFT (token mã hóa). Garg vẫn chưa sẵn sàng đầu tư trực tiếp vào các NFT như nghệ thuật kỹ thuật số hoặc vào các tổ chức tự trị phi tập trung đầu tư NFT thông qua quỹ của anh. “Bạn đánh giá điều này như thế nào?” anh nói. “Bạn đang lựa chọn đầu cơ vào một số tài sản cơ bản hay chỉ đầu cơ vào bất kỳ cái gì?”
Anh và Spencer đang có kế hoạch đầu tư vào công ty cung cấp dịch vụ, dụng cụ, hoặc công nghệ chẳng hạn như sàn giao dịch NFT, ví kỹ thuật số cũng như các công cụ tài chính cho vay tiền và sử dụng NFT làm tài sản thế chấp.
Biên dịch: Gia Nhi
2 năm trước
Bùng nổ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á2 năm trước
2 năm trước
6 startup Việt Nam tham gia ScaleUp 2022