Doanh nhân

Quỹ đầu tư PYN Elite: Ngược dòng thị trường

2 năm trước
Tác giả Giang Lê

Share
this:

Quỹ đầu tư PYN Elite do nhà quản lý quỹ Petri Deryng dẫn dắt đã có một năm 2020 rực rỡ tại Việt Nam sau tuyên bố gây sốc: Đầu tư toàn bộ vào danh mục cổ phiếu trong bối cảnh khối ngoại bán ròng ồ ạt khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát.

Nhà quản lý quỹ Petri Deryng trả lời phỏng vấn trực tuyến Forbes Việt Nam vào lúc bảy giờ sáng trung tuần tháng bảy, khi đang tận hưởng kỳ nghỉ tại hòn đảo riêng ngoài khơi Phần Lan. Tóc hoa râm, gương mặt góc cạnh, mặc áo thun cổ xanh dương đậm, giám đốc đầu tư quỹ PYN Elite, người hiện trực tiếp quản lý 742 triệu euro tài sản của quỹ đầu tư dạng mở đến từ Phần Lan, trả lời các câu hỏi một cách từ tốn và cởi mở. Phía sau ông là biển Baltic lấp lánh trong nắng, thỉnh thoảng văng vẳng tiếng kêu của ba con cừu đang gặm cỏ bên hông nhà.

PYN Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan đã kết thúc năm 2020 tại thị trường Việt Nam với kết quả tích cực: Báo cáo hoạt động của quỹ ghi nhận giá trị tài sản ròng (NAV) tăng 31,8%, hơn gấp đôi mức tăng 14,9% của VN-Index. Đây cũng là mức sinh lời lớn nhất trong số các quỹ đầu tư chủ động quy mô lớn tại Việt Nam, đồng thời là kết quả cao nhất mà PYN Elite Fund đạt được kể từ khi tập trung rót vốn đầu tư vào quốc gia hình chữ S từ năm 2014.

Hiệu suất đầu tư tích cực năm 2020 của PYN Elite được xem là kết quả của một chiến lược đầu tư đúng đắn và thực hiện đúng thời điểm. Quý 1.2020, Petri Deryng gây sốc khi tuyên bố “all in” (đầu tư toàn bộ tiền) trong bối cảnh VN- Index lao dốc vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát và khối ngoại, vốn là nhóm đầu tư dẫn dắt thị trường, đổ xô bán tháo. Tính cả năm 2020, khối ngoại đã bán ròng 1,5 tỉ cổ phiếu, tương ứng hơn 800 triệu đô la Mỹ.

Ảnh: PYN Elite cung cấp

Thời điểm đó dòng vốn đầu tư quốc tế rút về các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ với sự thăng hoa của cổ phiếu ngành công nghệ. Điều này khiến thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi như Việt Nam trở nên “thất sủng”. Người đứng đầu quỹ PYN Elite nghĩ khác, ông cho rằng hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) toàn thị trường ở mức 10,5x lúc đó là “mức giá không hề đắt”, là cơ hội tốt để mua vào. “Nhìn lại việc bán tháo thời điểm đó là sai lầm,” ông Deryng nói.

Từ cuối năm 2019, PYN Elite liên tiếp bán ra cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG), dù nhà bán lẻ hàng đầu này tăng trưởng lợi nhuận hơn 500% trong sáu năm và từng chiếm đến 18% tỉ trọng danh mục đầu tư của quỹ. Quyết định thoái vốn diễn ra trong lúc nhiều nhà đầu tư ngoại yêu thích cổ phiếu MWG sẵn sàng trả mức giá cao hơn 40-50% giá thị trường.

Không chỉ nhạy bén bán được MWG ở mức giá rất cao, PYN Elite sau đó chứng kiến bluechip này lao dốc mất một nửa giá trị do làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư cá nhân vào quý 1.2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong cộng đồng tại Việt Nam. Sự nhạy bén của quỹ này thể hiện qua tỉ lệ nắm giữ tiền mặt. Vào cuối năm 2019 tỉ lệ tiền mặt của quỹ 16%, tương đương gần 65 triệu euro. Vào tháng 3.2020, khi VN Index tạo đáy, PYN đã sẵn sàng mua vào khi tỉ lệ tiền mặt của quỹ là 9%, cao nhất trong nhiều tháng trở lại.

Sự nhạy bén khác của quỹ đầu tư này là danh mục đầu tư cổ phiếu tiềm năng, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cấu trúc danh mục với cổ phiếu “vua” chiếm tỉ trọng cao là yếu tố then chốt tạo hiệu suất cho quỹ ngoại này trong năm 2020, với các cổ phiếu cốt lõi bao gồm ngân hàng VietinBank (CTG), TPBank (TPB), HDBank (HDB), LienvietPostBank (LPB) đạt mức tăng trưởng lần lượt 65%, 56%, 42% và 95%.

Theo người đứng đầu quỹ PYN Elite, trong khi cổ phiếu ngân hàng tại các quốc gia phát triển như Phần Lan thường được xem là những khoản đầu tư tăng trưởng chậm chạp thì tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc lại là những cổ phiếu hứa hẹn. Lý do, là lĩnh vực đang phát triển, các ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 331% và lợi nhuận tăng 241% cho mỗi cổ phần trong mười năm qua.

Vượt qua giai đoạn tạo đáy vào cuối tháng 3.2021, thị trường chứng khoán Việt bắt đầu khởi sắc nhờ dòng tiền đổ vào từ chính các nhà đầu trong nước, khi chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu trong mùa đại dịch. Theo số liệu của trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, có đến 620 ngàn tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở mới, tăng 58% so với cả năm 2020, năm thị trường đã lập kỷ lục số tài khoản mới. Lượng tiền dồn vào chứng khoán đã giúp chỉ số VN-Index hồi phục 68% từ vùng đáy tháng 3.

Trong cùng thời gian này NAV của PYN Elite Fund cũng hồi phục đến 87%, theo báo cáo tháng 1.2021 của quỹ. Tuy vậy quỹ đầu tư đến từ Phần Lan cũng thừa nhận gặp khó khi hệ thống giao dịch chứng khoán nghẽn lệnh vì lượng giao dịch tăng vọt. Ông Deryng cho biết quỹ đã xoay trở linh hoạt bằng cách tìm đến những công ty môi giới chứng khoán có quy mô nhỏ vẫn còn sở hữu hạn mức lệnh, đồng thời tránh thực hiện các giao dịch quan trọng vào các phiên giao dịch chiều – thời điểm hay xảy ra nghẽn lệnh.


Xuất thân từ một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Petri Deryng thành lập quỹ đầu tư dạng mở PYN Elite vào năm 1999 với quy mô ban đầu 380 ngàn euro, định hướng đầu tư vào các thị trường khu vực châu Á, trừ Nhật Bản. Các nhà đầu tư đổ tiền vào quỹ là những người sẵn sàng chịu rủi ro cao trong ít nhất năm năm để tìm kiếm lợi nhuận dài hạn, với mức đầu tư tối thiểu hiện tại là 10 ngàn euro.

Cách thức tiếp cận thị trường của PYN Elite có thể chia làm hai bước: Thứ nhất, phân tích tình hình kinh tế vĩ mô và lịch sử giá cổ phiếu, từ đó xác định các cổ phiếu đang bị định giá thấp; tiếp đó đến gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp tiềm năng, xác định các công ty đang được quản lý tốt, có khả năng tăng trưởng vượt trội, hứa hẹn mang về lợi nhuận.

Thị trường chứng khoán đầu tiên thu hút Petri Deryng và PYN Elite là Thái Lan. Quỹ Phần Lan bước chân vào xứ chùa vàng năm 1999 – thời điểm quốc gia này vừa bước ra khỏi khủng hoảng tài chính năm 1997 và phải thả nổi đồng baht. Tại đây, PYN Elite tập trung nắm giữ các cổ phiếu giàu tiềm năng thuộc nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu, chẳng hạn như vận chuyển, vốn bị thị trường xem nhẹ dù tạo được lợi nhuận đều đặn. Năm 1999, 2003, 2009 và 2012 được xem là những cột mốc đại thắng khi quỹ gặt hái mức lợi nhuận từ 64–199%. Giai đoạn thành công nhất trong lịch sử 22 năm hoạt động của quỹ là năm 2003, với mức sinh lợi đạt 199%.

Bước ngoặt lớn với PYN Elite (lúc đó là Mutual Fund Elite) vào năm 2013 khi quyết định chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Với Petri Deryng, các mục tiêu ban đầu ông đặt ra cho thị trường Thái Lan được hoàn thành và các cổ phiếu giá rẻ đã không còn. Chỉ số SET Index của Thái Lan lúc ấy đã vượt mốc 1.300 điểm. Giám đốc đầu tư PYN Elite cho biết ông đã quan sát thị trường Việt Nam từ năm 2002 và luôn ghé Hà Nội hoặc TP.HCM mỗi năm ít nhất một lần.

Với Petri Deryng, bức tranh vĩ mô tốt là nền tảng tạo nên tăng trưởng lợi nhuận dài hạn, và thị trường chứng khoán sẽ luôn chuyển động cùng hướng với lợi nhuận.

Tại Việt Nam, PYN Elite không bó hẹp khẩu vị đầu tư quanh cổ phiếu các công ty quy mô vừa và nhỏ như trước. Những năm gần đây, bên cạnh cái tên như HDBank, TPBank, danh mục tại Việt Nam cũng “chọn mặt gửi vàng” vào cổ phiếu tiện ích như tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW). “Chúng tôi ưa thích những doanh nghiệp ít phụ thuộc vào nhu cầu và giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Dựa trên tiêu chí này, chúng tôi tìm kiếm những cái tên bị định giá thấp, sở hữu tiềm năng tăng giá gấp đôi hoặc gấp ba trong giai đoạn 3-5 năm,” ông Deryng nói.

Chiến lược đầu tư lâu dài là lý do PYN Elite bỏ qua cổ phiếu năng lượng như dầu mỏ, khí đốt, hay gần đây nhất là cổ phiếu thép, với lý do giá nhiều cổ phiếu ngành thép đã tăng 5-7 lần tính từ khi mức đáy thị trường được thiết lập vào tháng 3.2020. Petri Deryng chỉ ra giá cổ phiếu thép Việt bay cao là nhờ giá thép thế giới tăng, trong khi bản thân ông muốn tính toán giá tương lai dựa trên nhu cầu và thực trạng kinh tế Việt Nam. “Nhiều người đang kiếm tiền từ cổ phiếu thép và tôi mừng cho họ, nhưng tôi không rõ giá thép sẽ ra sao trong ba năm tới, vậy nên sẽ rất khó để xác định vị thế đầu tư với các cổ phiếu này,” ông thú nhận.

Quỹ PYN Elite từng gây xôn xao khi nhiều lần đưa ra dự báo VN-Index sẽ cán mốc 1.800 điểm trong dài hạn vào những thời điểm thị trường chứng khoán đi xuống. Gần đây, ông Deryng cũng dự báo VN-Index có thể tăng lên 1.500 điểm vào cuối năm 2021. “Tôi nghĩ rằng mình đang thực tế, chứ không hề chủ ý đóng kịch. Đó là mục tiêu dài hạn thực tế của tôi, dựa trên kinh nghiệm nhiều năm phân tích kinh tế vĩ mô và cổ phiếu.” Với Petri Deryng, bức tranh vĩ mô tốt là nền tảng tạo nên tăng trưởng lợi nhuận dài hạn, và thị trường chứng khoán sẽ luôn chuyển động cùng hướng với lợi nhuận.

Bàn tới những cơ hội đã bỏ lỡ, giám đốc đầu tư 60 tuổi của PYN Elite mỉm cười. “Tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội. Bạn sẽ không đủ mực mà in hết đâu. Tuy vậy không có việc nào khiến tôi thực sự hối tiếc.” Với ông, một giám đốc đầu tư phải có khả năng chấp nhận việc mất tiền. Điều quan trọng cần làm sau đó là tìm ra được những lựa chọn đắt giá giúp bù đắp những tổn thất trước đó và đem đến kết quả đầu tư tổng thể thật tuyệt vời.

Tựa theo bản in Ngược dòng thị trường, tạp chí Forbes Việt Nam số 96,98, xuất bản tháng 8-9.2021