Yếu tố phân biệt thành công hay thất bại trong thế giới hậu COVID-19 là thái độ và chính sách. Những ai thích ứng được với yếu tố bất ngờ sẽ là người chiến thắng.
Lâu nay, mọi người đều tin rằng thành công trong kinh doanh và đầu tư là kết quả của việc có kế hoạch và thực thi thông minh. Tuy nhiên, thành công cũng phụ thuộc vào sự xoay chuyển nhanh nhạy, bởi mọi điều trên thế giới không thể đoán trước. Thành công là kết quả từ cách chúng ta phản ứng với những bất ngờ – cả tốt lẫn xấu.
COVID-19 xuất hiện và tình hình tệ hơn chúng ta dự đoán. Đột nhiên, một thập niên tăng trưởng toàn cầu tuyệt vời bị đảo ngược. Đây là điều bất ngờ tồi tệ. Nhưng nếu chúng ta để những con người dám nghĩ dám làm giải quyết vấn đề và hướng dòng vốn chảy vào những ý tưởng táo bạo đó, thì những tin tức tốt đẹp hơn sẽ sớm xuất hiện.
Nhiều tuần sau khi COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đóng cửa, các doanh nghiệp đã tìm ra cách giải quyết. “Quá trình chuyển đổi kỹ thuật thông thường cần năm năm đã diễn ra trong sáu tháng,” CEO Satya Nadella của Microsoft nói vào tháng 9.2020.
Nền kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái. Đây là điều bất ngờ tốt đẹp. Thế giới sẽ luôn có những điều bất ngờ, tốt và xấu. Khi năm 2021 kết thúc, chúng ta cảm thấy lo lắng vì tin xấu đã hiển hiện rõ hơn. Hãy xem xét khủng hoảng gần đây dưới góc độ khác, không phải là dịch bệnh, mà là do các chuỗi cung ứng bị phá vỡ.
Tình trạng thiếu than ở Trung Quốc khiến một nhà máy nhựa ngừng hoạt động, “lây nhiễm” sang bao bì bán dẫn, và chẳng bao lâu sau, toàn bộ chuỗi cung ứng xe hơi toàn cầu bị gián đoạn. Thời gian chờ để nhận một chiếc Mercedes mới hiện nay là 12 tháng. Đây là điều bất ngờ tồi tệ.
Công nghệ, doanh nhân, vốn đầu tư và thương mại – tất cả hợp lại thành “siêu năng lực” có thể giải quyết xuất sắc tình hình hỗn loạn này. Và siêu năng lực này sẽ luôn làm điều đó nếu có cơ hội. Có thể lấy thị trường bán dẫn toàn cầu làm ví dụ. Kể từ đầu năm nay, thị trường này đã rơi vào tình trạng gián đoạn và thiếu hụt. Thiết bị bán dẫn là yếu tố mấu chốt của mọi lĩnh vực kỹ thuật số. Vì kỹ thuật số là trung tâm của mọi thứ hiện đại, nên đây là một vấn đề lớn.
Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản có thể giải quyết vấn đề này. Dhananjay Phadnis của Fidelity châu Á cho rằng tình trạng thiếu hụt thiết bị bán dẫn đã gần chấm dứt. Phadnis từng chia sẻ với công ty tư vấn Morningstar vào giữa tháng 10.2021: “Gần đây, chúng tôi nhận thấy tình trạng thiếu hụt ở một số lĩnh vực đang bắt đầu giảm bớt, ví dụ như trong ngành công nghiệp bán dẫn, chuỗi cung ứng xe hơi, vận chuyển container. Vì vậy, tôi có thể nói rằng dù áp lực chuỗi cung ứng vẫn tồn tại, nhưng có dấu hiệu cho thấy một số vấn đề đang được giải quyết.”
Theo nhận định của chuyên mục này, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu không phải là đại dịch COVID-19 hay chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Rủi ro ở đây chính là việc các nhà lãnh đạo đang miễn cưỡng trao cơ hội để “siêu năng lực” của tổ hợp công nghệ, doanh nhân, vốn đầu tư và thương mại phát huy tác dụng của mình.
Rủi ro còn là việc Trung Quốc tự cách ngăn mình với thế giới. Thêm vào đó, rủi ro cũng chính là sự trỗi dậy của các đảng phái và nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ở Hoa Kỳ, châu Âu và Nam Mỹ. Ngoài ra, còn có rủi ro từ chính quy định và thuế làm giảm các động lực tạo ra sự đổi mới và nguồn cung mới.
Là người Mỹ sống tại thung lũng Silicon, tôi nhận thấy Đông Nam Á đang có vị thế tốt. Gần đây, khu vực này có nhiều chính sách phù hợp hơn. Tình yêu công nghệ và tinh thần đổi mới lạc quan, tinh thần doanh chủ và thương mại phát triển mạnh ở các nước ASEAN.
Nhờ điện toán đám mây và điện thoại di động giá rẻ, công nghệ trở nên dễ dàng tiếp cận đối với nhiều người hơn bao giờ hết. Đặc điểm của nguồn vốn là tính di động và hướng về phía lợi nhuận: nguồn vốn sẽ chảy vào nơi chào đón nó và trụ lại nơi trân trọng nó. Chúng ta có thể tìm thấy những người thông minh, dám nghĩ dám làm ở khắp mọi nơi.
Do đó, yếu tố phân biệt thành công hay thất bại trong thế giới hậu COVID-19 là thái độ và chính sách. Những ai thích ứng được với yếu tố bất ngờ sẽ là người chiến thắng. Những người cố gắng ngăn chặn yếu tố bất ngờ và kiềm nén sự phát triển sẽ thua cuộc.
Theo Forbes Việt Nam số 101, tháng 1.2022
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/rui-ro-phan-thuong)
1 năm trước
Ai học nhanh nhất sẽ thắng3 năm trước
Sumitomo tiến vào thị trường y tế Việt Nam