multi-media / Megastory

CEO Trịnh Chí Cường kể chuyện kế nghiệp thăng trầm tại Nhựa Đại Đồng Tiến

Đại Đồng Tiến, doanh nghiệp nhựa tư nhân 40 năm tuổi, xấp xỉ số tuổi của CEO Trịnh Chí Cường vẫn loay hoay đường hướng phát triển sau 15 năm được chuyển giao.

Năm 2007, nhà sáng lập thương hiệu Đại Đồng Tiến, ông Trịnh Đồng đột ngột lâm trọng bệnh khiến người con trai cả Trịnh Chí Cường nhận chuyển giao quyền điều hành trong tâm thế bị động.

Theo kế hoạch ban đầu, Trịnh Chí Cường, khi ấy 25 tuổi, sẽ dành khoảng năm năm làm trợ lý cho cha đang nắm cương vị tổng giám đốc trước khi tiếp quản cơ nghiệp gia đình. Biến cố đột ngột khiến chỉ sau ba tháng làm trợ lý, Cường buộc phải ngồi vào chiếc ghế nóng, chịu trách nhiệm kinh doanh trước gia đình và cuộc sống của hàng ngàn nhân viên.

Chưa có kinh nghiệm nhưng nuôi tham vọng đưa công ty phát triển đột phá, sự non nớt trong quản lý khiến Trịnh Chí Cường có những lúc đặt công ty trong tình huống rủi ro. “Tôi không phải một người hoàn hảo, có những lúc quyết định sai và có những cái sai lớn do ngạo mạn mà giờ phải tự trả giá,” Trịnh Chí Cường trao đổi thẳng thắn với Forbes Việt Nam trong buổi trả lời phỏng vấn tại trụ sở chính của công ty trên đường Tân Thành, quận 5, TP.HCM.

Việc chuyển giao kinh doanh với các gia đình đa phần là hành trình gập ghềnh, nhiều khúc quanh với các phép thử đúng sai và điều này không ngoại lệ với Đại Đồng Tiến.

Ra đời năm 1983 từ một tổ hợp sản xuất nhỏ ở quận 5, Đại Đồng Tiến do nhà sáng lập gốc Hoa là ông Trịnh Đồng và vợ là bà Trần Thị Huê gầy dựng. Ban đầu họ chỉ tập trung vào thị trường nội địa với các sản phẩm cho gia đình như ly, bàn ghế, tủ nhựa… rồi dần mở rộng sang thùng sơn, hộp thực phẩm, bình nước, đồ chơi cho các đối tác nước ngoài như hiện tại.

Trịnh Chí Cường và em gái Trịnh Ngọc Hiền, phó tổng giám đốc Đại Đồng Tiến (Ảnh: DNCC).

Tiếp quản Đại Đồng Tiến năm 2007 là giai đoạn ngành nhựa đạt tốc độ tăng trưởng cao, Cường đã đưa doanh thu công ty tăng trưởng từ hơn 400 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng vào năm 2011.

Trong danh mục hơn bảy dòng sản phẩm hiện tại, phần lớn doanh thu của Đại Đồng Tiến đến từ các sản phẩm truyền thống như tủ, bàn ghế nhựa. Khoảng 7.200 tấn sản phẩm được tiêu thụ hằng năm, thị trường nội địa mang về đến 90% tổng doanh thu.

Không tiết lộ về kết quả kinh doanh năm 2022, nhưng Trịnh Chí Cường kỳ vọng sắp tới doanh số công ty sẽ quay về mức 1.000 tỉ đồng, tương đương giai đoạn 2011–2018 nhưng “lợi nhuận sẽ gấp ba lần.”

Xét về quy mô nhân sự, năm 2018 là thời điểm quy mô Đại Đồng Tiến lớn nhất trong lịch sử hoạt động với hai nhà máy tại Đồng Nai và Bình Tân (TP.HCM) có khoảng 2.400 lao động. Hiện tại, họ chỉ còn một nhà máy tại Bình Tân hoạt động khoảng 80% công suất với khoảng 700 lao động (tùy thời vụ.)

Tại sao công ty đi thụt lùi?

Người kế nghiệp Đại Đồng Tiến thừa nhận có những lần vấp ngã, đó là quyết định đầu tư mở rộng quy mô bằng vốn vay ngân hàng nhưng chưa tính toán cẩn trọng.

Giai đoạn 2016–2018, ngành nhựa phát triển mạnh nhưng doanh thu của một doanh nghiệp nhựa dân dụng lâu đời như Đại Đồng Tiến chỉ loanh quanh đi ngang. Cường quyết định đầu tư nhà máy, tuyển dụng nhân sự nhằm tạo cú hích giúp công ty tăng doanh thu bằng việc phát triển mở rộng. Vốn đầu tư cho nhà máy, dây chuyền sản xuất gần như toàn bộ đều đi vay.

Nhưng nhu cầu thị trường nội địa và toàn cầu sụt giảm đúng lúc Đại Đồng Tiến hoàn tất đầu tư nhà máy vào năm 2018. Bắt đầu từ làn sóng kêu gọi không dùng đồ nhựa một lần trên mạng xã hội sau khi video chiếc ống hút nhựa hơn 10cm được rút ra trong mũi một con rùa biển.

Các công ty ở châu Âu ngay sau đó dừng mua một số sản phẩm nhựa mà trước đây họ dùng để khuyến mãi. Những nhà sản xuất có thị trường xuất khẩu chính ở châu Âu như Đại Đồng Tiến bị ảnh hưởng. Kể cả ở nội địa, thị trường chính của công ty cũng bị sụt giảm khi các công ty đa quốc gia giảm tỉ lệ sử dụng đồ nhựa, đặc biệt với nhựa dùng một lần.

Ngay sau làn sóng đó, đại dịch COVID-19 kéo dài hai năm cùng những bất ổn về chính trị trên thế giới càng khiến Đại Đồng Tiến gặp khó khăn cùng áp lực nợ vay. “Hồi đó tôi vượt quyền, quyết định bằng cái tôi mà không bàn với mẹ rồi họa vô đơn chí khiến công ty gặp nhiều khó khăn, lại thêm cú đánh bồi khi bất đồng với vợ,” Cường nhớ lại giai đoạn khó khăn đã trải qua.

Bài học cho quyết định sai lầm này là gì?

Ngoài việc nhận ra lỗ hổng về cấu trúc tài chính và quản trị rủi ro, Cường được cho cơ hội sửa sai từ sự tin tưởng của các thành viên ruột thịt và nỗ lực của đội ngũ với khoảng 90% nhân sự đều ở lại gắn bó sau đại dịch.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, tổng thư ký hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) nhận xét, Đại Đồng Tiến trước đây là doanh nghiệp nhựa dân dụng lớn của ngành nhưng trong 3-5 năm gần đây, khâu quản trị chuyển giao chưa tốt nên ảnh hưởng đến tên tuổi công ty. “Nếu Cường không có chính sách quyết liệt lấy lại tên tuổi, sự ảnh hưởng lớn sẽ xảy ra vì hiện nay thị trường cạnh tranh rất gay gắt,” bà Mỹ nói.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam vào năm 2014, tổng giám đốc trẻ Trịnh Chí Cường lúc đó đã chia sẻ về thành quả của quá trình chuyển đổi công ty sau bảy năm gánh vác. Nếu về sản xuất kinh doanh, vị lãnh đạo trẻ lập phòng nghiên cứu và phát triển, ký những đơn hàng gia công mới với đối tác nước ngoài… thì ở nội bộ, Cường áp dụng cơ chế tuyển người có năng lực, thẳng tay sa thải những “đại công thần không chịu cống hiến” vốn phổ biến trong các công ty gia đình.

Thậm chí, thành viên ban giám đốc từ mảng sản xuất đến tài chính đều có người bị buộc thôi việc do không hoàn thành nhiệm vụ. Việc tận dụng “chính trị văn phòng”, quản lý đội ngũ bằng cách dùng nhóm này giám sát nhóm kia cũng được sử dụng nhưng rồi Cường nhận ra vấn đề nằm ở việc chưa có văn hóa doanh nghiệp rõ ràng.

Đại Đồng Tiến hiện có một nhà máy tại quận Bình Tân, TP.HCM (Ảnh: DNCC).

Bắt tay tìm hiểu, lấy cảm hứng từ cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại, Cường xây dựng văn hóa công ty dựa trên hệ giá trị 6T (trách nhiệm, tôn trọng, thiện lành, trí tuệ, tận tâm và thắng lợi) và quy tắc “không âm binh” (không ăn trộm, không tư lợi, không bệnh thành tích, không trốn trách nhiệm, không bè phái, không nói dối…). Riêng với cấp quản lý còn có sáu đặc tính phải đáp ứng bao gồm tín nhiệm, thành quả, nghiêm minh, dũng cảm, nhân nghĩa và trí tuệ.

Hiện những quyết định liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi nhiệm được công ty tuân thủ theo hệ quy chiếu văn hóa nói trên. “Những nhân cách này rất lý tưởng và khó thể hoàn hảo nhưng khi hướng đến lý tưởng chân thiện mỹ, họ sẽ không làm người xấu,” ông Cường nói về cách định hướng đội ngũ quản lý và giao cho họ trách nhiệm tuyển dụng nhân sự phù hợp với bộ phận của mình.

Nếu nhân sự không đạt, lãnh đạo các bộ phận quyết định cho họ nghỉ việc chứ không phải tổng giám đốc như trước đây. Tỉ lệ sa thải tại Đại Đồng Tiến hiện tại “không đáng kể” so với ba năm đầu Cường tiếp quản.

Nếu ở thế hệ sáng lập Đại Đồng Tiến, dấu ấn của một người lãnh đạo tập quyền, giỏi đối nhân xử thế và hiệu triệu người giỏi thì ở thế hệ kế thừa, Cường chọn giao quyền, trao trách nhiệm cho đội ngũ. Ông ví von bản thân hiện nay giống người thợ ký tên, phê duyệt ở bước cuối cùng vì nhân sự ở mỗi cấp bậc đều tự quản lý và chịu trách nhiệm về phần việc của mình.

“Người bên ngoài nhìn vào sẽ không thấy sự thay đổi đáng kể sau chuyển giao. Còn nội bộ, có rất nhiều điều chỉnh. Đặc biệt về phong cách quản lý, lãnh đạo của tôi. Cấp trên có nhiệm vụ định hướng cho cấp dưới nên nhịp sinh hoạt của Đại Đồng Tiến giờ như một cỗ máy,” ông Cường tự hào nói.

Người kế nghiệp Đại Đồng Tiến sinh năm 1982, một năm trước khi công ty thành lập. Đến khi sang Singapore học ngành kỹ sư sản xuất tại trường cao đẳng kỹ thuật Nanyang Polytechnic, Cường mới rèn tính tự học sau khi nghe cha mình nói: “Anh không chịu học thì các em sẽ không được cho tiền đi học ở nước ngoài.” Sau đó Cường học thêm ngành quản trị kinh doanh, tập trung vào quản trị chiến lược tại đại học Buffalo (Singapore) và trở về tiếp quản doanh nghiệp từ năm 2007.

Cường có hai người em gái và một người em trai, đều học quản trị kinh doanh nhưng chỉ em gái Trịnh Ngọc Hiền, sinh năm 1987, tham gia công ty với vị trí phó tổng giám đốc. Do những định hướng khác nhau trong kinh doanh, hai người em còn lại đều lập công ty riêng, cùng ngành nhựa nhưng “không cạnh tranh với Đại Đồng Tiến.”

Bà Huê sát cánh bên chồng kể từ lúc ông lập nghiệp đến khi phải nằm suốt trên giường bệnh. Bà hỗ trợ con trai điều hành quản lý sản nghiệp ở giai đoạn đầu, nhưng sau khi ông Đồng mất năm 2021, bà chỉ đi làm thiện nguyện và không tham gia các quyết định ở công ty. “Chúng tôi có quan điểm điều hành khác nhau nhưng đều được học từ gương ba mẹ về đạo đức, nghị lực và nhân cách. Điều đó giúp cả gia tộc họ Trịnh hầu như không ai sống theo hướng giành giật,” Cường nói.

Đại Đồng Tiến hiện có khoảng 700 lao động, cao điểm lên đến 1.000 người tuỳ thời vụ (Ảnh: DNCC).

Lần đầu tiên chia sẻ ra bên ngoài về những xáo trộn trong gia đình, cụ thể là mối quan hệ vợ chồng của mình, ông Cường cho biết đã chấm dứt cuộc hôn nhân sau 18 năm vì muốn “làm gương trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ai có tâm có tầm thì được trọng dụng tại Đại Đồng Tiến.”

Ngành nhựa Việt Nam có hơn 3.300 doanh nghiệp tập trung vào bốn nhóm chính gồm nhựa bao bì, nhựa dân dụng, nhựa công nghiệp và nhựa kỹ thuật. Khoảng 80% doanh nghiệp đặt tại miền Nam do đây là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp chế biến. Doanh thu ngành nhựa năm 2022 xấp xỉ 25 tỉ đô la Mỹ, trong đó thị trường nội địa chiếm 80%.

Bà Huỳnh Thị Mỹ nhận xét, trong mảng nhựa dân dụng, ở khu vực miền Nam có các thương hiệu lớn như Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Hiệp Thành, Tiến Liên còn khu vực miền Bắc có Việt Nhật và Song Long.

Đặc thù sản xuất của ngành nhựa với 60% nguyên liệu phải nhập khẩu. Vận hành theo hướng sản xuất tinh gọn, ông Cường cho biết nguyên vật liệu cần đến đâu mua đến đó, thay vì để tồn kho từ 2–4 tháng như trước đây. Đồng thời, đẩy mạnh tự động hóa sản xuất, sử dụng robot để tăng năng suất lao động lên 4–5 lần.

Việc áp dụng mô hình phân phối như ngành hàng tiêu dùng nhanh được Cường sử dụng từ khi tiếp quản công ty thay vì duy trì cách bán hàng theo kiểu gối đầu được thế hệ điều hành trước áp dụng hơn 20 năm. Hiện kênh truyền thống gồm 50 nhà phân phối cùng khoảng 4.000 đại lý và cửa hàng chuyên biệt mang về phần lớn doanh thu.

Theo lý giải của Cường, kênh hiện đại như siêu thị phù hợp với sản phẩm nhỏ và có vòng quay nhanh, trong khi mặt hàng của Đại Đồng Tiến thì ngược lại. “Tôi biết mình đang có lợi thế gì để đưa công ty phát triển vượt bậc so với những gì thế hệ trước đã làm được,” Cường nói về quyết tâm đưa Đại Đồng Tiến quay trở lại sau 15 năm tiếp quản chiếc ghế nóng.

Theo Forbes Việt Nam số 114, tháng 2.2023, chuyên đề Danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ceo-trinh-chi-cuong-ke-chuyen-thang-tram-ke-nghiep-tai-nhua-dai-dong-tien)