Đồng CEO của Kakao Whon Nam-koong từ chức sau sự cố sập hệ thống máy chủ do xảy ra hỏa hoạn tại trung tâm dữ liệu SK C&C hôm 16.10.
Sáng ngày 19.10, Whon Nam-koong, đồng giám đốc điều hành (CEO) của doanh nghiệp khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Kakao, đã đưa ra thông báo từ chức trước sức ép dư luận và cơ quan quản lý tăng cường giám sát sau sự cố sập hệ thống khiến gần như toàn bộ dịch vụ nổi tiếng của công ty dừng hoạt động vào ngày 16.10.
Được thành lập bởi tỉ phú Kim Beom-su, người lần đầu tiên giữ vị trí số 1 trong danh sách 50 người giàu nhất Hàn Quốc năm 2022 của Forbes với khối tài sản 9,6 tỉ USD, Kakao cung cấp dịch vụ nhắn tin, thanh toán, ngân hàng, video game và gọi xe. Trong đó, ứng dụng KakaoTalk ghi nhận hơn 47,5 triệu người dùng tại Hàn Quốc, tương đương hơn 90% dân số nước này.
Vào ngày 16.10, trung tâm dữ liệu SK C&C của tập đoàn SK đặt tại thành phố Pangyo nằm ở phía Nam Hàn Quốc đã xảy ra vụ hỏa hoạn, khiến 32.000 máy chủ bị gián đoạn nghiêm trọng và các dịch vụ dừng hoạt động trong gần 11 tiếng. Naver, công ty công nghệ lớn nhất Hàn Quốc tính theo vốn hóa thị trường của tỉ phú Lee Hae-jin, cũng đặt máy chủ tại trung tâm dữ liệu này.
Trong buổi họp báo tại Pangyo, Hàn Quốc được truyền thông địa phương đưa tin, Whon Nam-koong cho biết “Tôi quyết định từ chức CEO tại Kakao khi bản thân cảm thấy tội lỗi và có trách nhiệm nặng nề về sự cố lần này.” Ông đã gửi lời xin lỗi đến người dùng của Kakao và cam kết công ty “sẽ cố gắng hết sức để khôi phục niềm tin của mọi người.”
Vào tháng 1.2022, Whon Nam-koong, từng giữ vai trò CEO của công ty con chuyên về game Kakao Games Corp., được bổ nhiệm vào vị trí CEO Kakao cùng với Hong Eun-taek. Sau khi Whon Nam-koong từ chức, Hong Eun-taek sẽ là CEO duy nhất của Kakao, phụ trách việc đưa ra các kế hoạch giúp công ty phục hồi sau sự cố sập hệ thống. Kakao có kế hoạch xây dựng hai trung tâm dữ liệu riêng từ năm 2023 trở đi với tổng vốn đầu tư 460 tỉ won (325 triệu USD).
Sự cố trên đã ngay lập tức tác động lên Hàn Quốc, nơi các dịch vụ từ Kakao đã len lỏi vào mọi mặt đời sống của người dân xứ sở kim chi. Hàng triệu người dùng không thể sử dụng tính năng gọi điện trên KakaoTalk, trong khi các chủ cửa hàng không thể giao dịch trên KakaoBank hay KakaoPay.
Liên đoàn các Doanh nghiệp Siêu nhỏ Hàn Quốc (KFMEs) cho biết, hơn 650 doanh nghiệp quy mô nhỏ phàn nàn rằng sự cố của Kakao khiến họ mất doanh thu.
Phản hồi về sự cố hỏa hoạn, vào ngày 16.10, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thông báo Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) đang tăng cường giám sát hoạt động của Kakao, bên cạnh việc thành lập một tổ chuyên trách về an ninh mạng để đánh giá sự cố và các hành vi chia rẽ an ninh quốc gia.
“Mặc dù do công ty tư nhân vận hành, Kakao dưới góc nhìn của người dân là mạng lưới truyền thông quốc gia,” tổng thống Yoon cho biết trong buổi họp báo do truyền thông địa phương đưa tin. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng thông báo sẽ ban hành các “biện pháp lập pháp” để khắc phục sự cố về dịch vụ của Kakao.
Trong phiên giao dịch hôm 17.10, giá cổ phiếu của Kakao sau khi xảy ra sự cố hỏa hoạn giảm 7%, thấp nhất kể từ tháng 5.2020 và hạ 70% từ mức đỉnh ghi nhận vào tháng 7.2021. Sau đó, cổ phiếu tăng gần 6% trong phiên giao dịch ngày 19.10. Tính đến thời điểm viết bài viết này, Kim Beom-su sở hữu khối tài sản ròng 4 tỉ USD, giảm hơn 50% so với tháng 4.2022.
Không chỉ sự cố trên, trong hơn 5 năm qua, Kakao đã vướng vào rắc rối khi các cơ quan quản lý Hàn Quốc mở cuộc điều tra nhằm vào hoạt động cạnh tranh độc quyền của công ty này. Hồi tháng 9.2022, cơ quan thi hành luật chống độc quyền Hàn Quốc tiến hành giám sát Kim Beom-su và tổng công ty của ông K Cube với nghi ngờ vi phạm luật tự do thương mại.
Hệ quả là Kakao buộc phải dời việc niêm yết cổ phiếu để huy động 1,3 tỉ USD cho đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) Kakao Pay sang cuối tháng 11.2022 và chưa ấn định thời điểm thực hiện đợt phát hành công khai lần đầu (IPO) của ứng dụng gọi xe Kakao Mobility.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/giam-doc-dieu-hanh-cua-kakao-tu-chuc-sau-su-co-sap-he-thong)