Startup A.Team đã huy động 55 triệu USD để phát triển nền tảng cung cấp đội ngũ lao động với chuyên môn cao cho các dự án có giá trị lớn.
Vào đầu năm 2020, Raphael Ouzan thành lập A.Team với một tôn chỉ duy nhất: Bạn cần phải có đội ngũ nhân sự chất lượng cao để xây dựng nên sản phẩm.
Trong khi nhiều nền tảng freelance (làm việc tự do) cho phép nhân lực ngành công nghệ nhận nhiều công việc tẻ nhạt, Ouzan cho biết anh muốn tạo ra đội ngũ người lao động hàng đầu có khả năng “đảm đương những việc lớn hơn nhiều.” Đến nay, đội ngũ freelancer của anh đã hỗ trợ xây dựng các sản phẩm từ phần mềm sản xuất vaccine đến ứng dụng học tập.
Vào ngày 17.5, A.Team bất ngờ thông báo vòng huy động vốn Series A trị giá 55 triệu USD do Tiger Global Management, Insight Partners và Spruce Capital Partners đồng dẫn dắt.
Các nhà đầu tư nổi tiếng của startup này còn có công ty vốn mạo hiểm trực thuộc Roc Nation của nam rapper Jay-Z và chuyên gia về nhà lãnh đạo Adam Grant. Ouzan cho biết, McGraw-Hill, Lyft, PepsiCo và Saks Fifth Avenue nằm trong số 200 khách hàng của A.Team.
Như nhà sản xuất tại Hollywood tập hợp đội ngũ tài năng để sản xuất bộ phim, mô hình kinh doanh của A.Team dựa trên việc tìm những dự án có giá trị tương xứng cho nhân tài có trình độ cao nhất.
Điều này đồng nghĩa với chắt lọc và hạn chế số người tham gia vào nền tảng, đưa ra công việc khách hàng phù hợp và hình thành cộng đồng thông qua nội dung, kết nối và thảo luận.
“Chúng tôi tạo ra nền tảng cho những ai chưa từng có ý định tham gia vào nền tảng,” Raphael Ouzan, người từng được BillGuard – startup về tài chính cá nhận giúp anh lọt vào danh sách Under 30 Israel năm 2016 của Forbes cho biết.
Hoạt động tại New York, Ouzan đã tập hợp nhóm nhà tư vấn và nhà đầu tư nổi tiếng cho A.Team, bao gồm Lemonade và nhà sáng lập Fiverr Shai Wininger, Brian Bjelde – phó chủ tịch mảng nhân sự của SpaceX và cựu CEO Upwork, Stephane Kasriel.
Điều thu hút giám đốc sáng lập của NFX và nhà đầu tư mạo hiểm Gigi Levy-Weiss tham gia dẫn dắt vòng hạt giống trị giá 5 triệu USD của A.Team vào năm 2020 là tiềm năng từ mô hình gig work (làm công việc độc lập).
“Bằng cách chuyển sản phẩm từ cá nhân sang đội ngũ làm việc, A.Team đã thành công trong việc thay đổi cung – cầu và là một trong những công ty phát triển nhanh nhất mà tôi ghi nhận,” Levy-Weiss, cũng đầu tư vào A.Team trong vòng gọi vốn mới nhất cho biết.
Bên cạnh cam kết về những công việc mà Ouzan gọi đó là “thử thách đòi hỏi cao,” đội ngũ phát triển của A.Team nhận khoảng 130 USD/giờ và mỗi tuần dành ra trung bình 20 giờ cho các dự án.
Qua đó, giúp A.Team thu hút hơn 4.000 người lao động chuyên nghiệp, hằng tháng có hơn 500 hồ sơ đăng ký tham gia, Ouzan cho biết.
Tuy không tiết lộ về doanh thu, Raphael Ouzan cho biết lợi nhuận tăng gấp bảy lần so với năm 2021. Công ty tạo ra lợi nhuận từ việc thu phí các khách hàng doanh nghiệp, mà Ouzan hi vọng sẽ nâng lên khoảng 100 USD/tháng.
Tình hình thiếu hụt nhân tài công nghệ tăng lên trong cuộc khủng hoảng lao động.
A.Team được thành lập khi nhiều công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài công nghệ và nhiều người lao động đang cân nhắc lại cách, cũng như vì sao họ làm việc.
“Nhìn chung, cả hai bên đều công nhận rằng mô hình 9-5 truyền thống cần được xem xét lại. Tuy tính linh hoạt từ làm việc theo hợp đồng về ngắn hạn có thể tạo hứng thú, tôi cũng từng nhìn thấy mọi người muốn được kết nối và khó xảy ra, khi bạn liên tục chuyển đổi qua lại giữa các công ty, dự án này sang dự án khác,” Danielle Phaneuf, chủ tịch chiến lược của PwC tập trung vào vấn đề nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động số cho biết.
Trong năm 2021, 36% người lao động Mỹ chuyển sang làm việc freelance, bất kể đó là nghề tay trái hay công việc chính, các doanh nghiệp ngày càng cần phải tìm đến nguồn nhân lực và nền tảng bên ngoài để hoàn thành công việc, cũng như nâng cao kỹ năng cho chính nhân viên của họ, theo nghiên cứu của Upwork.
Điều này đặc biệt đúng khi tuyển dụng nhân tài về công nghệ để hỗ trợ xây dựng các công cụ và chức năng mới, Curtis Britt – phó chủ tịch của công ty nghiên cứu Korn Ferry lưu ý.
Theo Britt, thử thách nằm ở “một freelancer hay nhân sự thuê ngoài thường là giải pháp ‘chữa cháy’ tạm thời. Những gì bạn nhìn thấy là rất nhiều công ty hiện nay đang nỗ lực sáng tạo cách họ có thể phát triển nhân tài riêng.”
Tuy các nhóm freelance có khả năng thực hiện công việc có giá trị cao, song mô hình này cũng kèm theo rủi ro. Bên cạnh nỗi lo thường trực về an ninh, việc thuê ngoài để tạo ra sản phẩm sở hữu trí tuệ trọng tâm có thể dấy lên những câu hỏi về bản quyền và quyền sở hữu, Adam Robinson – nhà sáng lập và CEO của Hireology, nền tảng quản lý nhân viên.
“Có được đội ngũ gắn kết với mức độ tin cậy cao và khả năng giải quyết vấn đề, cũng như cùng nhau xây dựng sản phẩm là điều thực sự quan trọng. Nếu họ là nhân viên toàn thời gian, sản phẩm công việc chắc chắn thuộc quyền sở hữu của công ty. Do vậy, bạn cần phải thận trọng về thỏa thuận với các freelancer,” Robinson cho biết.
Làm việc theo nhóm
Ouzan cho biết anh dành sự tập trung vào giá trị của đội ngũ làm việc từ khoảng thời gian còn là sĩ quan trong cơ quan tình báo công nghệ quân sự của Israel, phụ trách về chiến tranh mạng và mật mã học.
A.Team hình thành cộng đồng cho người dùng bên ngoài, bao gồm nhân viên xây dựng sản phẩm độc lập, kỹ sư phần mềm, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà thiết kế… bằng cách tạo ra “đội ngũ làm việc trên nền tảng đám mây” cùng nhau thực hiện dự án từ 12-18 tháng.
Các freelancer có thể gặp gỡ nhóm làm việc tại không gian làm việc chung, tổ chức hội thảo và khóa đào tạo, hội họp cũng như tham gia ban cố vấn và mạng lưới.
“Vấn đề từ những ai muốn rời khỏi công ty và đi theo sự nghiệp của bản thân là họ không có sự hỗ trợ nào. Fiverr và Upwork đều rất tuyệt nếu bạn muốn có nguồn thu thập phụ, nhưng đó chắc chắn không phải là con đường thực hóa lý tưởng của bản thân cho người lao động chuyên nghiệp với kỹ năng và mức lương cao,” Ouzan cho biết.
Vinay Menda, nhà đồng sáng lập của Blank Street – công ty về cà phê di động, sử dụng A.Team để tìm dự án freelance và nhà quản lý sản phẩm để hỗ trợ tạo ra ứng dụng và chương trình khách hàng trung thành.
Menda thích “sự linh hoạt trong việc tuyển dụng những người có chuyên môn về công việc cụ thể cho các dự án đặc thù” và để A.Team chọn lọc nhân tài, giúp quá trình tuyển dụng diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Nếu mô hình của A.Team trở nên phổ biến, các công ty chắc chắn có khả năng gặp khó khăn từ những ai muốn đưa nguồn nhân lực công nghệ vào dàn nhân sự. “Chúng tôi sẽ bắt đầu ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của các trang web freelance về lĩnh vực cụ thể có được quy mô thực sự. Việc này sẽ tiếp tục tạo ra áp lực về số lượng lao động toàn thời gian sẵn có,” Robinson dự đoán.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/startup-a-team-huy-dong-55-trieu-usd-phat-trien-doi-ngu-freelance)
10 tháng trước