26 năm hoạt động của Cargill đã góp phần mang lại những thay đổi tích cực cho ngành nông nghiệp và các cộng đồng cư dân Việt Nam.
K
hi gia nhập thị trường Việt Nam năm 1995, Cargill chỉ có duy nhất một nhân viên, sau 25 năm chúng tôi tự hào có đội ngũ gần 1.500 nhân viên với 99% là người Việt – những người làm việc chăm chỉ mỗi ngày để nuôi dưỡng thế giới theo một phương thức an toàn, có trách nhiệm và bền vững.” Ông David MacLennan, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành tập đoàn Cargill nói như vậy trong đoạn video từ trụ sở Mỹ gửi đến 155 ngàn cộng sự trên toàn cầu nhân sự kiện kỷ niệm ¼ thế kỷ hiện diện tại Việt Nam năm 2020 mà ông không thể tham dự do COVID-19.
Cargill là một trong các công ty Mỹ đầu tiên vào Việt Nam sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện và Việt Nam mở cửa nền kinh tế để hội nhập. Quyết định mở rộng kinh doanh đến Việt Nam của tập đoàn nông nghiệp khổng lồ hơn 155 tuổi được đưa ra trong nhiệm kỳ 1976-1995 của CEO đương nhiệm lúc đó là ông Whitney MacMillan – vị CEO cuối cùng là người của gia tộc Cargill trực tiếp điều hành tập đoàn.
Năm sau đó, 1996, ông Whitney đến Việt Nam dự lễ động thổ nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên của Cargill tại Đồng Nai. Ngày nay mạng lưới của Cargill với 12 nhà máy sản xuất thức ăn (gia súc, gia cầm và thủy sản) có công suất 1,6 triệu tấn/năm cùng trung tâm ứng dụng công nghệ và các kho cung ứng nông sản đặt trên khắp Việt Nam. Năm công ty thành viên đang vận hành các mảng kinh doanh chính: dinh dưỡng vật nuôi, cung ứng nông sản, nguyên liệu thực phẩm – đồ uống, đạm động vật (ngành protein) và kinh doanh sắt thép.
Những năm 1990, nền nông nghiệp còn lạc hậu của Việt Nam thành nơi các nhà đầu tư nước ngoài từng bước tìm phương thức tiếp cận phù hợp. Nhóm Cargill bắt đầu bằng cách tập trung giải quyết các vấn đề dinh dưỡng vật nuôi, củng cố các mối quan hệ với nông dân để hiểu rõ hơn nhu cầu của họ.
Trong một tài liệu nhóm nghiên cứu để lại, việc nuôi heo lúc đó chủ yếu bằng cám gạo, rau củ và cá vụn khiến heo béo phì nhưng năng suất thấp. Họ bắt đầu đưa vào thức ăn khô dầu đậu nành, giàu protein, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho vật nuôi. Nhận thấy 90% heo lấy thịt hằng năm được nuôi nhỏ lẻ tại các hộ dân, Cargill điều chỉnh kích thước bao bì nhỏ lại 2-5kg với giá phải chăng hơn và để người dân dễ dàng vận chuyển bằng xe máy.
Năm 1999, với sự tài trợ của hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ, nhà máy đầu tiên tại Việt Nam hoạt động cũng trở thành cơ sở tập huấn cho nông dân về cách thức chăn nuôi hiệu quả, đồng thời tạo ra thị trường lớn hơn cho các sản phẩm ngũ cốc Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 1999 vinh danh Cargill là “công ty Hoa Kỳ tốt nhất tại Việt Nam”.
“Thị trường hiện quy mô lớn hơn nhiều lần, sôi động hơn và thách thức cũng cao hơn. Việt Nam là một trong những thị trường cạnh tranh cao nhất trong khu vực,” Nguyễn Bá Luân, trưởng đại diện (Country President) tập đoàn Cargill tại Việt Nam nói với Forbes Việt Nam.
Trong hai năm gần đây Cargill tập trung các ưu tiên vào châu Á, nơi chiếm hơn 60% mức tăng trưởng và hơn 31% doanh thu của toàn tập đoàn. Không công bố doanh thu tại Việt Nam, nhưng theo Luân, Việt Nam là một trong năm thị trường đóng góp hàng đầu vào tăng trưởng khu vực và là thị trường trọng điểm Cargill cam kết đẩy mạnh đầu tư trong trung và dài hạn.
Hoạt động xoay quanh ngành nông nghiệp, tỉ trọng doanh thu lớn nhất của Cargill tại Việt Nam ở ngành dinh dưỡng vật nuôi, hiện trong tốp 3 dẫn đầu thị phần nội địa. Luân cho biết “sẽ tiếp tục các hoạt động chuyên sâu, củng cố vị thế bền vững cho lĩnh vực này”. Dịch tả heo bùng phát những năm qua khiến hơn 30% tổng đàn biến mất, gây thiếu hụt cục bộ, việc gầy đàn mới đến nay vẫn chưa kịp hồi phục.
Cargill Việt Nam tính toán lại chuỗi giá trị, cung cấp con giống tốt để nông dân tăng hiệu quả chăn nuôi, trại giống đầu tiên lập năm 2020 với 600 heo cụ kỵ từ Pháp – nguồn giống được đánh giá tốt hàng đầu thế giới, hằng năm có thể cung cấp khoảng 4.000 heo giống ông bà bố mẹ để mở rộng vệ tinh chăn nuôi. Họ cũng đưa vào công nghệ nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi để tăng khả năng chống chọi với bệnh ngay từ heo nái và heo con.
• • • • • •
Báo cáo của cục Chăn nuôi năm 2020 cho thấy tổng đàn heo cả nước hơn 26 triệu con, tổng đàn bò 5,87 triệu con và tổng đàn gia cầm xấp xỉ nửa tỉ con, tăng trung bình 5% so với năm trước. Trong khi thị trường nhập khẩu các loại (thịt heo, gà, gia súc, dê, cừu) hơn 321 ngàn tấn, bằng 6% tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong nước. Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi hơn 20 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm 2019. Trong đó, 70-80% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu như ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia… Việt Nam không có lợi thế trồng trọt hoặc giá thành quá cao so với nhập khẩu.
Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là 3,84 tỉ đô la Mỹ. Cargill là một trong ba nhà cung ứng lớn nhất tại Việt Nam, khách hàng của họ là hầu hết các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi khác. Cargill cũng là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên được cấp phép phân phối cung ứng nông sản nội địa. Tuy nhiên, vị trí hiện tại ở Việt Nam được xem chưa tương xứng khi ngành cung ứng nông sản đang chiếm quy mô lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu.
Ngành nguyên liệu thực phẩm chính thức vào Việt Nam năm 2008. Năm 2009 Cargill là công ty Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép phân phối trực tiếp sắt thép. Theo Luân, hai ngành này quy mô còn nhỏ so với những gì Cargill có thể làm được, nên “sẽ là những ngành hàng mở rộng trong thời gian tới”. Trong khi đạm động vật là ngành kinh doanh nổi tiếng, có quy mô lớn thứ hai của Cargill toàn cầu nhưng chỉ mới kinh doanh tại Việt Nam năm 2018. “Đây là ngành đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam,” Luân nói.
Nguyễn Bá Luân thuộc thế hệ đầu 8X, tốt nghiệp đại học Ngoại thương năm 2003, về sau tiếp tục lấy bằng MBA của ĐH Boston. Sau khi tốt nghiệp, qua bốn năm trải nghiệm trong mảng tàu biển và xuất khẩu gốm sứ, năm 2007, Luân gia nhập Cargill phụ trách kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tám năm sau, Luân sang Singapore phụ trách cung ứng nông sản toàn Đông Nam Á và sau đó trở về thực thi chiến lược đẩy mạnh lĩnh vực này tại Việt Nam. Năm 2019, anh được bổ nhiệm làm trưởng đại diện Cargill tại Việt Nam và là người Việt đầu tiên đảm nhận vai trò này.
“Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các công ty đã đổi mới rất nhiều, định hướng và các giải pháp của Cargill cũng phải khác biệt từng ngày,” anh nói. Dịch tả heo hoành hành những năm qua đã làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng ngành. Các xu hướng mới hình thành rõ nét.
Thứ nhất, hoạt động mua bán sáp nhập và liên kết chuỗi hình thành rõ nét khi nhiều công ty nhỏ và hộ chăn nuôi bị phá sản. Những công ty trước đây đơn thuần chỉ kinh doanh thức ăn chăn nuôi thì nay lập chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến trang trại, chế biến, họ không còn đơn thuần bán hàng như trước. Thứ hai, xu hướng cung cấp thực phẩm an toàn và thức ăn chăn nuôi an toàn cho nông dân cũng đã thay đổi rất lớn tại Việt Nam.
Luân cho biết việc tập trung vào ngành chăn nuôi an toàn đã được Cargill nhất quán từ đầu nên khi thị trường trưởng thành, đội ngũ Việt Nam nỗ lực phát huy thế mạnh của tập đoàn: Sự hỗ trợ của công nghệ và sự hiểu biết toàn cầu. “Không phải khi thị trường tiến tới điểm này chúng tôi mới khởi đầu. Việc thực hiện nền tảng thức ăn chăn nuôi an toàn và quản lý trang trại hiệu quả ngay từ đầu giúp chúng tôi kịp thời cung cấp ngay khi thị trường cần nhất,” Luân cho biết.
Thị trường đánh giá Cargill đi chậm so với nhiều đối thủ, khi các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn khác cho thấy rõ tính liên kết chuỗi từ cung cấp thức ăn tới mở rộng trại nuôi, cung ứng thịt ra thị trường, nhưng Luân cho rằng “đường hướng của Cargill khác”. Cargill tiếp tục nhất quán với hoạt động kinh doanh bắt đầu từ phân khúc nông hộ chăn nuôi nhỏ, trang bị năng lực để họ phát triển thành quy mô vừa, rồi quy mô lớn. “Dù thị trường thay đổi, chúng tôi vẫn theo đuổi triết lý ‘Đi cùng nông dân để lớn mạnh’ tại Việt Nam – vì điều đó mang lại giá trị sinh kế cho bộ phận lớn nhà nông để tiếp tục phát triển,” Luân nói.
• • • • • •
Luân cho rằng: con người là trung tâm của mọi hoạt động, đặt sự an toàn lên trên tất cả; đổi mới cải tiến liên tục; và làm điều đúng đắn là các giá trị chi phối mọi hoạt động. Việc đặt sự an toàn lên đầu cho thấy qua một trong các chương trình Cargill thực hiện, năm 2018 họ chuyển đổi toàn bộ xe gắn máy sang xe hơi cho hơn 700 nhân viên thương mại, tương đương 50% nhân sự, để giảm rủi ro cho nhân viên tham gia giao thông, vốn là một trong những nguyên nhân gây tai nạn hàng đầu tại Việt Nam.
Tính đến hiện tại, Cargill đầu tư hơn 160 triệu đô la Mỹ vào các nhà máy sản xuất tại Việt Nam, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phương pháp chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản đến người dân thông qua những kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức và năng lực chuỗi cung ứng toàn cầu. Những giá trị phổ quát mang tính toàn cầu và tính địa phương được cụ thể hóa thế nào trong một ngành đặc thù liên quan đến nông dân?
“Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, chúng tôi còn theo đuổi những mục tiêu khác nhằm tạo nên những thay đổi tích cực cho cuộc sống người dân,” Luân nói về triết lý kinh doanh tập đoàn đang được đội ngũ của mình thực thi tại Việt Nam. Cam kết sứ mệnh “Nuôi dưỡng thế giới” được Cargill thực thi trong phát triển cộng đồng song hành với kinh doanh. Hành trình này xuyên suốt từ ngày đầu vào Việt Nam. Đến nay, chương trình đào tạo kiến thức liên tục cho hơn 1,7 triệu nông dân về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng vật nuôi cùng các kỹ năng quản lý trang trại, cung cấp các hỗ trợ cần thiết để nông dân cải thiện sinh kế.
Chương trình hỗ trợ cộng đồng lớn nhất của Cargill là dự án xây trường học trên khắp Việt Nam để hỗ trợ các cộng đồng tiếp cận được các cơ hội giáo dục, đồng thời tạo được những tác động tích cực cho dân cư các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Từ công trình trường học đầu tiên tại xã Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai (nơi Cargill đặt nhà máy đầu tiên tại Việt Nam), đến năm 2020 họ hoàn thành trường học thứ 100 và đặt mục tiêu 150 trường học vào năm 2030.
Quỹ Cargill Cares đã dành 4,6 triệu đô la Mỹ xây 100 trường học trên khắp Việt Nam, mở ra cơ hội cho hơn 15 ngàn trẻ em đến trường hằng năm. Ý nghĩa dự án không chỉ ở con số mà còn ở những cam kết được thực hiện bền bỉ 26 năm qua. Mô hình thiết kế dựa trên sự tình nguyện và các kỹ năng thế mạnh của nhân viên Cargill, kết nối bền vững các nhà phân phối, khách hàng, đại lý, nhà cung cấp địa phương trong tất cả các giai đoạn xây trường. Bằng cách này, họ thu hút nhiều bên cùng tham gia chiến dịch “Nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua giáo dục”.
Nghiên cứu độc lập do tổ chức Think Through Consulting thực hiện năm 2020 tại 21 trường do Cargill xây dựng tại Việt Nam, thông qua đầu tư cải thiện hạ tầng giáo dục, chương trình giúp tăng tỉ lệ học sinh đến trường và duy trì đội ngũ giáo viên, hỗ trợ tạo dựng môi trường học tập tốt hơn trong các cộng đồng Việt Nam. Số lượng học sinh đến trường tăng ở cả cấp mẫu giáo và tiểu học, từ 1.054 trẻ lên 5.278 trẻ sau khi có dự án. Tỉ lệ trẻ em nhập học tăng hơn 400%.
Trong thông điệp gửi đến đội ngũ Việt Nam năm ngoái, chủ tịch David MacLennan nhấn mạnh: “Đội ngũ Cargill tại Việt Nam đã cùng gặt hái nhiều thành công nhưng không tự mãn và dừng lại. Năm nay là khởi đầu cho thời kỳ tăng trưởng mới tại Việt Nam, tôi tự tin rằng nếu chung tay hợp sức và tiếp tục phát huy các nền tảng giá trị chung, chúng ta có thể vươn xa hơn nữa trong những năm tới.”
Tựa theo bản in “Nuôi dưỡng con người”, chuyên đề Dấu chân tỉ phú ở Việt Nam, Forbes Việt Nam số 93 phát hành tháng 5.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cargill-o-viet-nam-hanh-trinh-nuoi-duong-con-nguoi)
Xem thêm
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43