Làm thế nào để sống chủ đích hơn và nhận thức từng khoảnh khắc nhằm cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần?
Nếu tôi hỏi bạn, sau khi bạn đọc xong bài này, bạn sẽ làm gì?
Rất có thể lúc đó bạn đang làm rất nhiều công việc cùng một lúc. Có thể bài này xuất hiện trên tab thông báo của bạn khi đang làm việc. Hoặc, có thể bạn tình cờ nhìn thấy trong khi kiểm tra điện thoại lúc đang ngồi ăn. Hoặc có thể, bạn thấy khi lướt mạng xã hội trước khi đi ngủ.
Do cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên bận rộn và vội vã, cùng với sự phân tâm tràn lan cũng như dòng thông tin liên tục thu hút chúng ta chú ý, từ điện thoại thông minh lẫn mạng xã hội, nên chúng ta ngày càng “không chú ý đến mọi việc xung quanh” và giảm dần khả năng nhận thức được những gì đang xảy ra ngay ở thời điểm hiện tại.
Kiểu sống xao nhãng hoặc thiếu chánh niệm này đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, chẳng hạn như hội chứng sương mù trí não, căng thẳng cũng như lo lắng đến mất ngủ, suy giảm trí nhớ cùng với khả năng học tập. Không ngạc nhiên, cuộc sống phân tâm cũng có thể hạn chế năng suất làm việc. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh điện thoại thông minh có thể làm giảm khả năng nhận thức khi bạn đang cố gắng tập trung làm việc.
Ngoài ra, chưa kể, bạn bỏ lỡ rất nhiều điều trong cuộc sống chỉ vì bạn không chú ý.
Mặt khác, khi bạn sống có ý thức hoặc chánh niệm, “bạn sẽ cảm nhận được nhiều niềm vui, cơ thể tràn đầy năng lượng, trí óc minh mẫn, sáng tạo, trái tim đầy yêu thương, cũng như có các mối quan hệ lành mạnh hơn”, tiến sĩ Deepak Chopra, bậc thầy thiền định nổi tiếng, giáo sư lâm sàng về y học gia đình và y tế công cộng tại đại học California cũng là đồng tác giả của Living In The Light (Sống cùng ánh sáng), cho biết.
Hơn nữa, “bạn trở nên vui vẻ và không sợ chết,” ông nói thêm. “Bởi vì cái chết xảy ra với cơ thể lẫn tâm trí của bạn, nhưng không xảy ra với nhận thức hay ý thức. Vì vậy, đó là mục tiêu cuối cùng trong tín ngưỡng tâm linh— được gọi là tỉnh thức,” chuyên gia sức khỏe cho biết.
“Tỉnh thức là tự bản thân nhận thức đầy đủ,” tiến sĩ Chopra viết trong những cuốn sách hướng dẫn tự phát triển bản thân, Metahuman: Unleashing Your Infinite Potential (Giải phóng nguồn năng lực tiềm ẩn). “Điều đó giống như điều chỉnh toàn bộ băng tần radio thay vì một kênh hẹp,” ông lưu ý.
Nói một cách đơn giản, hãy sống có chủ đích và nhận thức.
Tiến sĩ Chopra chia sẻ năm yếu tố quan trọng để sống có chủ đích hơn đồng thời giúp sống khỏe mạnh hơn:
Hãy chủ động, không phản ứng lại. Hãy thay đổi cách nghĩ. Bạn cần ý thức được cuộc sống của mình và đưa ra những lựa chọn có chủ ý chứ không phải là phó mặc cho cuộc sống. Tích cực lắng nghe và tạm dừng năm giây trước khi phản ứng là vài cách hiệu quả để kiểm soát cảm xúc.
Tìm và kết nối lại với con người thật. Chúng ta dường như không còn cảm nhận được sự khác biệt giữa con người thật và con người bên ngoài. Cơ thể, tâm trí cũng như các mối quan hệ, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi khả năng kết nối với con người thật. “Bạn không thể kết nối được với bất kỳ ai nếu bạn không kết nối với chính mình,” tiến sĩ Chopra lưu ý. Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với bản thân, thường xuyên kiểm tra cảm xúc, thiết lập ranh giới cá nhân đồng thời học cách từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo là một số cách giúp bạn khám phá và kết nối lại với con người thật của mình. Ngoài ra, tiến sĩ Chopra khuyên bạn nên tập Royal Yoga (Raja yoga). Hình thức yoga này bao gồm tám bước chính để cải thiện trí thông minh xã hội lẫn cảm xúc. Theo thời gian, bạn sẽ ngày càng có chủ đích hơn trong lời nói, hành động, các mối quan hệ, cách bạn quản lý cái tôi của mình, cách bạn tiêu tiền cũng như tiêu vào đâu. “Đó là sự khác biệt giữa người máy sinh học và một người tỉnh thức,” tiến sĩ Chopra cho biết.
Lựa chọn những người mình kết bạn trong cuộc sống. Các mối quan hệ tiêu cực hoặc độc hại làm cạn kiệt tinh thần lẫn cảm xúc của bạn, đồng thời làm giảm ý thức về giá trị bản thân theo thời gian. Tiến sĩ Chopra khuyên hãy sống có ý thức bao gồm việc tập trung vào việc tạo dựng mối quan hệ yêu thương, tích cực và vui tươi bền lâu.
Đồng bộ thói quen lối sống với nhịp sinh học. Nhịp sinh học đề cập đến một loạt quá trình sinh học lặp đi lặp lại do đồng hồ bên trong cơ thể điều chỉnh (ví dụ: ngủ, đói, tiết hormone…). Vì nhịp sinh học này có thể dễ dàng bị môi trường ảnh hưởng nên điều quan trọng là hãy đảm bảo rằng lối sống không làm gián đoạn các chu kỳ tự nhiên này. Theo tiến sĩ Chopra, thói quen ăn ngủ đúng giờ mỗi ngày cũng như tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn điều chỉnh nhịp sinh học. Ngoài ra, ông khuyến nghị kết hợp chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc chế độ ăn Ayurvedic vì chúng đều giúp chống viêm (do ưu tiên ăn hầu hết trái cây, rau và ngũ cốc).
Sống trọn từng khoảnh khắc. Bạn bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc cũng như cơ hội quý giá nếu lúc nào cũng “đi đây đi đó” hoặc không ngừng hồi tưởng về quá khứ. Thay vào đó, hãy học cách tập trung vào cuộc sống hiện tại, những gì đang làm và bạn là ai trong thời điểm đó. Nếu bạn đang suy nghĩ lung tung thì chỉ cần hướng sự chú ý của bạn trở lại những điều bạn đang làm. Cách đơn giản là thực hành quán niệm hơi thở, chú ý đến môi trường xung quanh đồng thời tận hưởng có thể giúp bạn phát triển thói quen chánh niệm này.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm: Trạng thái tỉnh thức là thành phần quan trọng tạo nên tính cách
11 tháng trước
Thấy gì qua làn sóng M&A trong lĩnh vực y tế Việt Nam2 năm trước
S.I.S Cần Thơ mở “điểm vàng” cứu đột quỵ