Người tỉnh thức cảm nhận những điều nảy sinh từ bên trong và xảy ra bên ngoài với thái độ không phán xét, sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Acta Psychologica cho thấy trạng thái tỉnh thức, hay khả năng tập trung vào khoảnh khắc hiện tại để cảm nhận được những điều khởi sinh từ bên trong và xảy ra ở bên ngoài trước khi hành động, có thể giúp ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Theo các nhà nghiên cứu, trạng thái tỉnh thức này có thể đạt được thông qua những bài tập cùng với liệu pháp chẳng hạn như liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) cũng như liệu pháp hành vi biện chứng (DBT).
Những phẩm chất sau đây có thể được xác định ở cá nhân ‘tỉnh thức’ cao:
. Cảm nhận được những điều khởi sinh từ bên trong và bên ngoài
. Khả năng ứng xử hiệu quả ngay cả trong những tình huống căng thẳng
. Quan điểm không phán xét đối với những suy nghĩ và cảm xúc riêng (chẳng hạn như thừa nhận không có cảm xúc “tốt” hoặc “xấu”)
Để hiểu rõ hơn về lợi ích của trạng thái tỉnh thức, một nhóm gồm các nhà tâm lý học do Lisa Best thuộc đại học New Brunswick ở Canada dẫn đầu tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tính cách trên 781 người Canada trưởng thành.
“Chúng tôi tập trung xác định các yếu tố tâm lý – xã hội cụ thể, bao gồm cả trạng thái tỉnh thức, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần như thế nào,” Best cho biết.
Trong khi hầu hết các nghiên cứu về trạng thái tỉnh thức và tính cách đều tập trung vào mối liên hệ giữa trạng thái này với các yếu tố tính cách trong mô hình “Big Five” (mô hình tính cách 5 yếu tố gồm kiên định tình cảm, hướng ngoại, tận tâm, dễ chịu và cởi mở), Best và nhóm của bà nghiên cứu sâu hơn về mối liên quan giữa trạng thái tỉnh thức với tính cách.
Chẳng hạn, thay vì tập trung vào đặc trưng bao quát về sự tận tâm, các nhà nghiên cứu xem xét từng thành phần phụ cụ thể của sự tận tâm như tổ chức, năng suất và trách nhiệm.
Họ nhận thấy trạng thái tỉnh thức thể hiện trong tính cách của con người theo hai cách chính:
1. Điều chỉnh cảm xúc tốt hơn (chẳng hạn như tạo điều kiện cho mọi người tập trung vào mục tiêu và loại bỏ những trải nghiệm khó chịu)
2. Cảm nhận bản thân tốt hơn (chẳng hạn như cảm nhận được những điều nảy sinh từ bên trong và xảy ra ở bên ngoài để luôn cởi mở)
Các nhà nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ tự nhiên giữa trạng thái tỉnh thức với sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Ví dụ, những người có trạng thái tỉnh thức cao có nhiều khả năng thực hiện nhiều hành vi nâng cao sức khỏe, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh và thay đổi thói quen để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
“Theo một cách tự nhiên, một cá nhân có thể chấp nhận và quan sát những điều nảy sinh từ bên trong và xảy ra ở bên ngoài với một thái độ không phán xét và hành xử có mục đích sẽ hướng đến hành vi lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe thể chất tốt hơn,” Best giải thích.
Theo Best, trạng thái tỉnh thức liên quan đến sức khỏe tinh thần theo ba cách chính:
. Ảnh hưởng tiêu cực đến các triệu chứng tâm thần (chẳng hạn như trầm cảm)
. Ảnh hưởng tiêu cực lên các cơ chế đối phó không thích hợp (tức là, sự trầm ngâm suy ngẫm)
. Ảnh hưởng tích cực đến các quá trình điều chỉnh cảm xúc
“Do sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ giữa sức khỏe thể chất và tinh thần, trạng thái tỉnh thức có thể giúp cải thiện sức khỏe,” Best nói.
Ví dụ, những người tỉnh thức có khả năng chống chịu căng thẳng trong cuộc sống tốt hơn, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về thể chất như bệnh tim mạch và hệ thống miễn dịch suy yếu, cũng như đau khổ về tinh thần như các triệu chứng trầm cảm lẫn lo âu.
“Điểm cần quan tâm trong nghiên cứu này có thể là trạng thái tỉnh thức tạo điều kiện cho mọi người tận hưởng cuộc sống, mặc dù trải qua những khó khăn về thể chất và tinh thần,” Best giải thích.
“Và điều thú vị về những kết quả được phát hiện là mặc dù tính cách được xem tương đối ổn định trong suốt cuộc đời, nhưng trạng thái tỉnh thức có thể dễ rèn được thông qua thực hành và liệu pháp.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Cách lựa chọn có thể dẫn đến hạnh phúc như thế nào?
Những thành phố đáng sống nhất trên thế giới