Bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng đề xuất lên chính phủ Việt Nam hành động ngay để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái mới.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 17.9 được đồng ký bởi lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài gồm AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, EuroCham và KoCham, các đại diện này đã đề xuất những việc Việt Nam cần hành động ngay để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế do Covid-19.
Thư kiến nghị dẫn chứng dữ liệu các cuộc khảo sát đã thực hiện của các hiệp hội này cho thấy, ít nhất 20% doanh nghiệp thành viên đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác. Không dừng ở đó, các cuộc thảo luận của lãnh đạo doanh nghiệp thành viên với trụ sở chính vẫn đang diễn ra mỗi đêm để quyết định xem khách hàng nên tôn trọng điều gì, từ chối và chuyển đổi sản xuất như thế nào. “Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác,” các hiệp hội cảnh báo.
Ngay cả kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp hiện tại cũng bị trì hoãn, thì các nhà đầu tư mới tiềm năng không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý, hay kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi sản xuất. Các hiệp hiệp hội cũng đánh giá rằng Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội để tận dụng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không hành động để duy trì khả năng cạnh tranh với các nước, như Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Theo đó, các hiệp hội đề xuất chiến lược phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực để tái mở cửa nền kinh tế cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Không áp dụng các biện pháp hạn chế theo Chỉ thị 15, 16 hay các hạn chế tương tự trong tương lai.
Vaccine được xem là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế, vì vậy cần ưu tiên vaccine cho nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, người giao hàng và người bán hàng thực phẩm và sản phẩm y tế thiết yếu, và công nhân tại các khu công nghiệp, cảng và hậu cần, đặc biệt là ở TP.HCM và khu vực phía Nam. Việc này bao gồm cả liều đầu tiên và liều thứ hai.
Các hiệp hội đánh giá đề xuất về hệ thống “thẻ xanh” và “thẻ vàng” là hữu ích nhưng cần làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó, quan trọng nhất là có ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi và điều phối giữa các ban, ngành, các tỉnh, thành để nhận dạng, tiếp cận và đi lại nhất quán. Ngoài ra, cũng cần cơ chế nhập liệu tiêm chủng và cấp “thẻ xanh” cho người nước ngoài, nhiều người đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước ngoài.
Các hiệp hội đề xuất trao quyền đầy đủ cho hệ thống y tế tư nhân để trở thành một đối tác trong cuộc chiến chống lại Covid-19, cả về quản lý vaccine, cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân, bao gồm chăm sóc y tế từ xa tại nhà.
Các thủ tục hải quan cần được đẩy nhanh để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu vào sản xuất và xuất khẩu, đảm bảo các sản phẩm dược phẩm, thiết bị y tế cứu sinh được đến kịp thời.
Các doanh nghiệp đã chứng minh và có kế hoạch rõ ràng cần được mở cửa trở lại và được giám sát thực hiện. Các hiệp hội cũng đề nghị ngành lao động cần gia tăng số giờ làm thêm để đáp ứng yêu cầu riêng của mô hình bong bóng sản xuất. Tuy nhiên, các hiệp hội nhấn mạnh, mô hình bong bóng sản xuất vốn đã được áp dụng tại TP.HCM và các tỉnh khác không bền vững về chi phí, hậu cần, sức khỏe, an toàn và tinh thần của người lao động, không phù hợp với các nhà máy lớn, sử dụng nhiều lao động.
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đề xuất cần tái mở cửa ngay lập tức các cửa hàng, chợ ẩm thực và chuỗi cung ứng thực phẩm để đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời cần sớm cho phép các cửa hàng bán thức ăn mang đi và bán tại chỗ (trong nhà hoặc ngoài trời) nếu tuân thủ giãn cách, phục vụ với số lượng nhất định dựa trên diện tích mét vuông và sức chứa.
Các hiệp hội cũng đồng kiến nghị, cần có sự phối hợp trên toàn quốc và giữa các tỉnh, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0, đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động.
Trong thời gian qua, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã liên tục có những kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ về các biện pháp khôi phục sản xuất kinh doanh. Dưới tác động của các đợt giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Tình hình này cũng dẫn đến việc sụt giảm niềm tin kinh doanh và chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Báo cáo chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do EuroCham thực hiện và công bố hôm 10.9 cho thấy, đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu đã giảm 30 điểm xuống còn 15.2 điểm – mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết kết quả kinh doanh “không tốt” trong ba tháng qua và sẽ tiếp diễn trong ba tháng tới. Vì giãn cách xã hội, 18% doanh nghiệp ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần nhu cầu sản xuất/đơn hàng sang các nước khác; 16% đang cân nhắc về việc này.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20.8.2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 19,12 tỉ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.135 dự án, giảm 36,8% so với cùng kỳ; mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,81 tỉ USD, giảm 42,9%.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/cac-hiep-hoi-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-de-nghi-chinh-phu-som-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh)
2 năm trước
Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu lại giảm