Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Mỹ kiến nghị các giải pháp phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững

2 năm trước
Tác giả Linh Chi

Đa số doanh nghiệp Mỹ thuộc AmCham cho biết lạc quan về sự phục hồi kinh doanh trong trung và dài hạn của Việt Nam.

Share
this:

Theo đó, 85% doanh nghiệp thuộc hiệp hội này cho biết đã phục hồi được trên 60% hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý, 96% doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy lạc quan khi nhìn về hoạt động đầu tư trong trung và dài hạn ở Việt Nam.

Thông tin trên ghi nhận từ cuộc khảo sát tháng 11 này với gần 700 doanh nghiệp Hoa Kỳ tại 17 tỉnh thành trên cả nước được bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành AmCham Vietnam chia sẻ mở đầu phiên thảo luận “Triển vọng, khả năng phục hồi và tăng trưởng bền vững” chiều 23.11 tại TPHCM.

Sự kiện này là một phần trong buổi gặp gỡ giữa cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ với đại diện TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã kiến nghị nhiều vấn đề đối với chính phủ Việt Nam cho quá trình phục hồi hoạt động kinh tế.

92% doanh nghiệp cho rằng chính phủ nên có sự thống nhất về chính sách “sống chung với dịch bệnh thay vì hướng tới “zero Covid”. Có 83% đưa ra quan điểm phải nhanh chóng tiêm phủ vaccine, 73% khuyến nghị Việt Nam cần mở lại đường bay quốc tế.

Tổng giám đốc điều hành Kheng Joo Ung từ First Solar Vietnam Manufactoring – một đơn vị sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, cho rằng vấn đề quan trọng đối với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất là thiếu hụt các chuyên gia và lao động tay nghề cao sẽ tác động tới quy trình đổi mới của nhà máy.

Một số yếu tố chủ chốt đối với việc phục hồi kinh tế tại Việt Nam, theo đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nguồn: Khảo sát “Prospects for Reopening, Recover and Rebound”, AmCham Vietnam.

“Ngành sản xuất phải liên tục duy trì tính cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Nếu không có đủ chuyên gia và lao động tay nghề cao, sản phẩm make-in-Vietnam sẽ gặp bất lợi trên thị trường quốc tế,” ông Kheng nói. Ở trong nước, nhân viên di chuyển giữa các địa phương ở khu vực phía Nam đang phải tuân thủ các quy trình khác nhau về cách ly.

Theo ông Andrew Lien, giám đốc điều hành mảng sản xuất tại châu Á từ tập đoàn Wanek – doanh nghiệp FDI có tổng giá trị xuất khẩu lớn nhất năm 2020 trong ngành gỗ, việc phục hồi kinh tế sẽ diễn ra theo quá trình. Trong đó, cốt lõi để phục hồi và phát triển là mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, cũng như giữa doanh nghiệp với địa phương.

Ông cho biết các nhà máy Wanek tại tỉnh Bình Dương đã khôi phục hoạt động khoảng 70% so với công suất trước dịch, 80% nhân sự đã được tiêm vaccine. Vào lúc cao điểm dịch bệnh, doanh nghiệp này giảm từ mức đỉnh khoảng 6.000 container hàng hóa mỗi tháng xuống còn 600 container.

Dù vậy, Wanek dự kiến xây dựng một nhà máy mới với tổng đầu tư hệ thống kho 40 triệu USD ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. “Tôi cám ơn chính quyền tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiêm chủng để trở lại sản xuất và tỉnh Vũng Tàu đã tạo điều kiện cho chúng tôi xử lý thủ tục ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất,” ông Lien nói.

Đến từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú ở Vũng Tàu – tổng giám đốc The Grand Hồ Tràm tái khẳng định thông điệp đã được chia sẻ ở trên. Ông Walt Power nhận xét nhờ sự tương tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp với địa phương trong việc cập nhật thông tin đã giúp họ mở rộng hoạt động. “Việc quyết định nhanh chóng sẽ tốt hơn nghiên cứu đưa ra một quyết định tốt nhưng thực hiện chậm, đặc biệt trong bối cảnh mọi thứ biến động khó lường,” ông nói.

CEO Kỳ Nguyễn từ cảng Cái Mép đề xuất chính quyền TP.HCM và các tỉnh phía Nam nên thực hiện cơ chế thử nghiệm (sandbox): chọn các ngành xuất khẩu chủ lực và chuẩn bị các giải pháp để bảo vệ chuỗi cung ứng trong các ngành giữa những địa phương. “Thái Lan là một ví dụ điển hình khi họ duy trì được hoạt động xuất khẩu ở 60 doanh nghiệp tại năm khu công nghiệp lớn. Chúng ta nên thử nghiệm để bảo vệ doanh nghiệp của chúng ta,” ông Kỳ kiến nghị.

Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital Don Lam đề xuất 5 nhóm giải pháp mang tính “đánh nhanh thắng nhanh” cho chính phủ Việt Nam để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp: Đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng để tác động đến tăng trưởng GDP và hỗ trợ trong trung hạn; hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, mảng chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế; điều chỉnh hợp tác công tư theo hướng dễ tiếp cận vốn vay; thúc đẩy chuyển đổi số và thiết kế các gói kích thích kinh tế lẫn tài khóa.

Bà Marie Damour, đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có mối liên kết chặt chẽ, khi kinh tế Việt Nam phục hồi đồng nghĩa với kinh tế Hoa Kỳ cũng khởi sắc. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ trên toàn cầu, hai quốc gia đã xây dựng chuỗi cung ứng hai chiều. “Tôi tin rằng không có đối tác nào thích hợp hơn là các công ty Hoa Kỳ ở Việt Nam trong việc phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu,” bà nói.