Tập đoàn AirAsia dưới sự điều hành của nhà tài phiệt Malaysia Tony Fernades vừa ra mắt dịch vụ giao hàng trọn gói để tận dụng cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ ở Đông Nam Á và kỳ vọng giúp bù lỗ của mảng kinh doanh hàng không.
Tập đoàn AirAsia dưới sự điều hành của nhà tài phiệt Malaysia Tony Fernades vừa ra mắt dịch vụ giao hàng trọn gói để tận dụng cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ ở Đông Nam Á và kỳ vọng giúp bù lỗ của mảng kinh doanh hàng không.
Dịch vụ AirAsia Xpress là hoạt động kinh doanh mới nhất của công ty khi mở rộng sang kinh doanh kỹ thuật số để giúp tăng doanh thu của hãng hàng không vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID – 19. Dịch vụ sẽ được cung cấp ở Kuala Lumpur và các khu vực khác xung quanh Klang Valley đông đúc dân cư, trước khi mở rộng ra các khu vực khác của Malaysia và Đông Nam Á.
Với sự hậu thuẫn của Teleport — đơn vị hậu cần của tập đoàn — AirAsia Xpress cung cấp cho người dùng siêu ứng dụng hai lựa chọn: giao hàng ngay lập tức trong chưa đầy một giờ hoặc giao hàng trong ngày trong vòng sáu giờ. Hoạt động kinh doanh mới cùng với các dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn của hãng hàng không là các sáng kiến nhằm xây dựng siêu ứng dụng để cạnh tranh với những công ty khổng lồ công nghệ của Đông Nam Á như GoTo của Indonesia, Grab và Sea Group của Singapore.
Lim Ben-Jie, trưởng bộ phận giao hàng thương mại điện tử trên siêu ứng dụng AirAsia, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch. Chúng tôi tin mọi người vẫn lựa chọn các dịch vụ giao hàng hiệu quả và giá cả phải chăng — một trong những điểm mạnh cốt lõi của AirAsia. Kết hợp giữa tính tiện dụng và mạng lưới rộng khắp ASEAN cũng như ở các khu vực khác trên thế giới, AirAsia Xpress sẽ hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ giao hàng nhanh chóng và thuận tiện.”
AirAsia X của tỉ phú Tony Fernandes đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết
SK Group đầu tư vào nhánh fintech của AirAsia
Theo một nghiên cứu mới được Google, Temasek và Bain & Company đồng thực hiện và công bố vào tháng này, Đông Nam Á là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) từ nền kinh tế kỹ thuật số tăng 49% lên 174 tỉ USD trong năm nay so với trước đó. Khi người tiêu dùng trong khu vực ngày càng sử dụng thương mại điện tử và các nền tảng kỹ thuật số khác, nghiên cứu dự đoán GMV sẽ tăng lên 363 tỉ USD vào năm 2025 và vượt qua 1 nghìn tỉ USD vào năm 2030.
Quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ này báo trước tín hiệu tốt cho AirAsia, doanh nghiệp đang tìm cách tăng mảng kinh doanh kỹ thuật số lên 50% doanh thu của tập đoàn vào năm 2025. Tập đoàn đã chuyển hướng sang kinh doanh kỹ thuật số sau khi các lệnh hạn chế đi lại do COVID-19 khiến lượng hành khách và hàng hóa giảm sút.
AirAsia vừa báo cáo doanh thu quý 3 giảm 37% so với năm ngoái xuống 296 triệu ringgit (70 triệu USD). Raymond Choo, nhà phân tích của Kenanga Research ở Kuala Lumpur, ước tính thu nhập cả năm của AirAsia giảm khoảng 17%, xuống mức lỗ ròng 2,41 tỉ ringgit.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III, Tony Fernandes, CEO AirAsia, cho biết: “Là tập đoàn, chúng tôi tận dụng thời gian tạm ngưng các chuyến bay để đa dạng hóa các nguồn thu mới và hoàn toàn chuyển đổi thành công ty cổ phần đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và phục vụ đời sống.” Ông cho biết thêm siêu ứng dụng của AirAsia, cùng với sự hỗ trợ của Teleport và đơn vị fintech BigPay của tập đoàn, đang tạo được sức hút và xây dựng được vị thế quan trọng trong những thị trường chính.
Tony Fernandes và đối tác kinh doanh, Kamarudin Meranun, đã mua lại AirAsia vào năm 2001 để xây dựng hãng hàng không giá rẻ giúp nhiều người có thể di chuyển bằng máy bay. Tony đã ra khỏi Danh sách 50 người Malaysia giàu nhất năm 2021 của Forbes, cũng đầu tư trong các lĩnh vực khác như nghỉ dưỡng, bảo hiểm và giáo dục.
AirAsia X của tỉ phú Tony Fernandes đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết
SK Group đầu tư vào nhánh fintech của AirAsia
Biên dịch: Gia Nhi