Tài chính

Adyen ra mắt phần mềm thế hệ mới cho tính năng “tap to pay” trên Iphone

1 năm trước
Tác giả Emily Mason

Adyen ra mắt phần mềm thế hệ mới cho tính năng thanh toán không tiếp xúc trên Iphone, sử dụng trong mua sắm trực tiếp lẫn trực tuyến.

Share
this:

Adyen, một nhà cung cấp phần mềm thanh toán ở Amsterdam, đã trở thành công ty đầu tiên phân phối rộng rãi phần mềm thế hệ mới cho dịch vụ thanh toán không tiếp xúc của Apple, vượt qua đối thủ Stripe khi khách hàng thanh toán trực tiếp trên Iphone của người bán mà không cần thêm phần cứng thiết bị đầu cuối bổ sung nào.

CEO Pieter van der Does của Adyen. Ảnh: Pimhendriksen.com/Forbes

Hồi tháng 2, Apple đã công bố tính năng “chạm để thanh toán – tap to pay – trong đó người bán chỉ cần chiếc iPhone và một ứng dụng hỗ trợ đối tác. Trước đó, công ty cho biết đang hợp tác với Stripe để cung cấp dịch vụ như vậy, nhưng ứng dụng đó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm beta và sẽ ra mắt vào mùa xuân.

Công ty dịch vụ thanh toán Shopify (hợp tác với Stripe thực hiện) và Square đang cung cấp dịch vụ cho một số người bán được chọn. Trong khi đó, bất kỳ khách hàng Hoa Kỳ nào của Adyen đều có thể bắt đầu sử dụng ngay tính năng thanh toán không tiếp xúc từ iPhone.

Các nhà sản xuất quần áo Vince, G-Star, Scotch & Soda và Nike đang sử dụng dịch vụ mới này. Phần mềm của Adyen được thiết kế để tích hợp với phần mềm hiện hữu của người bán, tránh phải tải thêm.

Adyen đang tìm cách tận dụng các mô hình mua sắm mới khi tình trạng gián đoạn xảy ra trên thế giới do đại dịch COVID-19, giám đốc tài chính Ingo Uytdehaage nói với Forbes.

“Trong đại dịch, có một giai đoạn nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến và sau đó cửa hàng mở cửa trở lại, người mua sắm quay lại cửa hàng, vậy làm cách nào để bạn kết nối cá nhân? Bạn có biết khi nào người mua sắm thực sự đến cửa hàng không? Bạn thấy họ mua sắm trực tuyến không? Tôi nghĩ đây là những thông tin chi tiết mà các nhà bán lẻ đang tìm kiếm.”

Trong khi đối thủ cạnh tranh ở Hoa Kỳ, Square, nổi tiếng về cung cấp dịch vụ cho những người bán truyền thống còn Stripe chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán cho các công ty thương mại điện tử, thì dịch vụ thanh toán của Adyen hướng đến cả hai hình thức mua sắm trực tiếp lẫn trực tuyến.

Pieter van der Does, CEO hiện tại và Arnout Schuijiff thành lập Adyen vào năm 2006. Họ làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử từ năm 2000, khởi nghiệp tại Bibit, một nền tảng thanh toán điện tử khác do Schuijiff thành lập.

Vào năm 2018, Van der Does và Schuijiff đã trở thành tỉ phú sau khi Adyen phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày nay, mặc dù những nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu fintech, Van der Does và Schuijiff vẫn là những tỉ phú với giá trị tài sản ròng lần lượt là 1,8 tỉ USD và 2,4 tỉ USD.

Trong năm 2021, Adyen đã xử lý giao dịch trị giá 516 tỉ USD cho các khách hàng bao gồm Uber, Spotify, Levi’s và eBay, so với các giao dịch trị giá 640 tỉ USD Stripe xử lý. Adyen được niêm yết trên EuroNext Amsterdam và có vốn hóa thị trường 43,36 tỉ USD. Doanh thu của công ty tăng với tốc độ trung bình 64% trong ba năm, tuy nhiên giống như cổ phiếu của các công ty công nghệ, giá cổ phiếu của Adyen cũng đang sụt giảm.

Cổ phiếu lưu ký tại Hoa Kỳ của công ty giảm 45% tính đến thời điểm hiện tại, giao dịch quanh mức 13,81 USD. Tình trạng bán tháo trên thị trường cũng ảnh hưởng đến các đối thủ cạnh tranh.

Cổ phiếu PayPal giảm 62% vào năm 2022 và Block (trước đây là Square) giảm 60%. Đầu ngày 14.7, Stripe đã cắt giảm mức định giá nội bộ xuống còn 74 tỉ USD, theo Wall Street Journal. Mức định giá hiện nay thấp hơn 28% so với mức định giá mới nhất của các nhà đầu tư tư nhân 95 tỉ USD sau vòng gọi vốn 600 triệu USD hồi tháng 3 năm ngoái.

Mặc dù các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn nhưng Adyen vẫn lên kế hoạch tiếp tục tăng trưởng ở Hoa Kỳ. Vào năm 2021, hơn 40% doanh thu của công ty đến từ thị trường bên ngoài châu Âu, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai, theo Uytdehaage. Công ty cũng đang mở rộng văn phòng tại New York và San Francisco. Adyen đã tuyển thêm 34 nhân viên mới trong tháng 6 và tháng 7, theo dữ liệu của LinkedIn, trái ngược xu hướng nhiều công ty công nghệ đang sa thải nhân viên.

“Chúng tôi có thêm nhiều khách hàng nổi tiếng trong nước như Sporting Goods của Dick chẳng hạn, chúng tôi ngày càng được xem là lựa chọn rất tất nhiên nếu bạn muốn xử lý các khoản thanh toán ở Hoa Kỳ,” Uytdehaage cho biết.

“Tôi nghĩ đó là vì chúng tôi mang đến sự đổi mới, cụ thể là trong lĩnh vực thương mại thống nhất này. Không có nhiều công ty, hầu như không có công ty nào thực sự có thể thực hiện cả thanh toán trực tuyến lẫn trực tiếp tại cửa hàng trên cùng một nền tảng và sau đó kết hợp lại dữ liệu với nhau. Đó là lợi ích lớn cho các nhà bán lẻ.”

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Zventures dẫn đầu vòng đầu tư 4 triệu USD vào startup thanh toán tiền mã hóa ở Singapore
Startup thanh toán Opn trở thành kỳ lân mới của Nhật Bản
Strike tích hợp với Shopify, hợp tác với NCR và Blackhawk để thanh toán bitcoin đến người bán hàng