Vaccine COVID-19 từ thực vật của hãng dược Medicago không được WHO cấp phép do liên quan đến công ty sản xuất thuốc lá Philip Morris.
Vaccine COVID-19 dựa trên thực vật do công ty dược phẩm Canada – Medicago – phát triển sẽ không được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do một phần của công ty được sở hữu bởi hãng sản xuất thuốc lá Philip Morris International, WHO cho biết hôm 16.3.
Hồ sơ đăng ký cấp phép sử dụng khẩn cấp của Medicago đã tạm hoãn do công ty có mối liên hệ với Philip Morris, có thể vi phạm các chính sách nghiêm ngặt từ WHO về hợp tác với các công ty thuốc lá cũng như đơn vị trực thuộc, trợ lý tổng giám đốc WHO về Tiếp cận Thuốc và Y tế – tiến sĩ Mariângela Simão cho biết.
Do đó, vaccine Covifenz sẽ là liều tiêm COVID-19 đầu tiên được sản xuất từ phương Tây bị WHO từ chối, Bloomberg đưa tin.
Philip Morris hiện nắm giữ 21% cổ phần trong Medicago, còn 79% cổ phần thuộc về công ty dược phẩm của Nhật Bản – Mitsubishi Tanabe, người phát ngôn của Medicago cho biết.
Trong thông cáo báo chí hôm 16.3, CEO của Medicago – Takashi Nagao cho biết ông chưa nhận bất kỳ thông báo chính thức nào từ WHO, nhấn mạnh quyết định trên không liên quan đến mức độ hiệu quả và tính an toàn từ vaccine của công ty.
Nếu WHO từ chối Covifenz, vaccine này sẽ bị loại khỏi cơ chế Tiếp cận Vaccine Toàn cầu (COVAX), cung cấp vaccine và nguồn cung y tế khác để phòng, ngừa COVID-19 tại các quốc gia đang phát triển. Qua đó, gần như giảm đi nhu cầu của quốc tế dành cho Covifenz.
Vào đầu tháng 3.2022, WHO thông báo đã bác bỏ yêu cầu phê duyệt trước cho vaccine Covifenz của Medicago.
Vào tháng 10.2020, Medicago đồng ý cung cấp 76 triệu liều vaccine COVID-19 cho chính phủ Canada, nhận về 173 triệu USD từ nguồn quỹ chính phủ. Theo nghiên cứu được tiến hành trước thời điểm omicron trở thành biến chủng chủ yếu, Covifenz là vaccine COVID-19 đầu tiên dựa vào thực vật cho ra mức độ hiệu quả 71% trước virus corona và 75,3% đối với biến thể delta.
Vào ngày 24.2, cơ quan Y tế Canada đã phê duyệt sử dụng vaccine Covifenz cho nhóm tuổi từ 18-64. Vào thời điểm đó, bộ trưởng Bộ Cải cách – Khoa học và Công nghiệp Canada – Philippe Champagne đã ca ngợi việc cấp phép cho vaccine này là một cột mốc rút ngắn 40 năm trong ngành công nghiệp sản xuất sinh học tại quốc gia này, mặc cho Covifenz chưa được phê duyệt ở nước ngoài.
Khả năng hợp tác của WHO với các công ty trong ngành công nghiệp thuốc lá bị hạn chế từ Công ước Khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTP) năm 2005, với nỗ lực cấm lĩnh vực này thu về lợi nhuận từ việc tạo ảnh hưởng sang chính sách chăm sóc sức khỏe.
Việc Canada hợp tác với công ty con của Philip Morris – Medicago vấp phải sự chỉ trích từ một số cơ quan quản lý thuốc lá, khi quốc gia này đã ký vào quy ước FCTP. “Bất kể đây không phải là thư cảnh báo, việc này chắc chắn đã phá vỡ tinh thần chung của công ước. Đây không phải là thời điểm để Canada tự hào về lĩnh vực y tế công cộng,” Les Hagen, giám đốc điều hành (CEO) của tổ chức Hành động về Hút thuốc và Sức khỏe (ASH) đặt tại Edmonton, Canada cho biết.
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/who-khong-phe-duyet-vaccine-covid-19-phat-trien-tu-thuc-vat)
1 tháng trước
2 tháng trước
5 tháng trước
3 năm trước
Vaccine COVID-19: Đường chạy cùng thắng