Tập đoàn bất động sản Evergrande đang gánh khoản nợ khổng lồ 302 tỉ USD và đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi cạn sạch dòng tiền mặt.
Tỉ phú Trung Quốc Hui Ka Yan có thể phải tính đến phương án tái cấu trúc khoản nợ khổng lồ 302 tỉ USD của Evergrande trong tình hình nợ nần nghiêm trọng vượt quá sức chịu đựng của công ty. Nhiều chủ nợ đã kéo đến trước cửa trụ sở phản đối.
Theo hồ sơ cáo cáo hôm 14.9 của Evergrande tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, công ty đã nhờ tư vấn từ Houlihan Lokey và Admiralty Harbour Capital để đánh giá cấu trúc tài chính cũng như định giá khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Nhà phân tích tín dụng Zhou Chuanyi từ tổ chức Lucror Analytics nhận định đây là động thái báo trước việc tái cấu trúc nợ. Nhiều nhà đầu tư hiện đang theo dõi sát sao và trông chờ thông tin khả năng thanh toán từ công ty.
“Khả năng tái cấu trúc rất cao”, bà Zhou cho biết.
Rủi ro tái cấu trúc nợ đã ảnh hưởng đến giá trái phiếu đô la của Evergrande – loại đáo hạn tháng 3.2022 với lãi suất 8,25% tụt 0,057 USD còn 0,286 USD vào thời điểm trưa tại Hồng Kông, theo thống kê của Bloomberg. Đồng thời giá trị cổ phiếu công ty bốc hơi gần 83% trong một năm qua.
Evergrande đã liên tục sử dụng đòn bẩy tài chính với lãi suất thấp để bơm vốn và mở rộng quy mô, chưa kể còn đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực bóng đá, xe điện, phát triển nguồn nước. Tình hình hiện tại cho thấy công ty sắp mất khả năng hoàn trả nợ. Theo báo cáo của tờ báo tài chính Caixin, rất đông nhà đầu tư và nhân viên đã đến biểu tình phản đối trước trụ sở công ty tại Thâm Quyến. Bọn họ đổ tiền vào các sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande nhưng chưa được chi trả bất kỳ đồng lãi nào.
Phía công ty từ chối đưa ra ý kiến. Nội dung hồ sơ báo cáo cho thấy công ty đang chịu áp lực dòng tiền cực kỳ lớn. Ngoài ra, trước các thông tin tiêu cực khiến nhiều khách mua nhà mất niềm tin, doanh số bất động sản trong tháng chín sẽ sụt giảm rất mạnh. Cũng trong hồ sơ báo cáo, Evergrande cho thấy nhiều nỗ lực huy động vốn – ví dụ như bán cổ phần niêm yết của mảng xe điện và dịch vụ bất động sản, nhưng đều không đạt kết quả mong muốn.
“Việc nâng cao định giá công ty phát sinh nhiều khó khăn, trở ngại và không chắc thành công, nên công ty không thể đảm bảo khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính dựa trên các hồ sơ và hợp đồng huy động vốn vay có liên quan”, Evergrande nêu ra trong hồ sơ.
Tháng ba năm tới sẽ là giọt nước tràn ly khi lượng trái phiếu nước ngoài trị giá 3,5 tỉ USD của Evergrande đáo hạn, theo bà Zhou từ Lucror Analytics. Bà nhận xét công ty nhiều khả năng sẽ vỡ nợ và “đắm chìm” vào những ngày dài u ám cho việc tái cấu trúc vì hầu như không thể gia tăng thêm dòng tiền.
Nhà quản lý Warut Promboon của công ty nghiên cứu tín dụng Bondcritic tại Hồng Kông nhận định khả năng các cấp chính quyền địa phương sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tái cấu trúc. “Chính phủ sẽ vào cuộc vì Evergrande quá lớn và hậu quả sẽ rất nặng nề nếu công tác xử lý tài sản không được thực hiện đúng đắn”, ông Promboon nói, không quên chỉ ra ví dụ điển hình về vụ tái cấu trúc nợ của tập đoàn hàng không HNA Goup. “Cũng như HNA, Evergrande sẽ thu nhỏ quy mô đáng kể, chỉ giữ lại phần tài sản cốt lõi.”
Vấn đề đặt ra, nhà đầu tư sẽ thu hồi được bao nhiêu phần trăm giá trị trái phiếu. Theo bà Zhou, Evergrande có thể sẽ ưu tiên trả nợ cho nhân viên và nhà cung cấp để đảm bảo tuân thủ mục tiêu chính phủ về ổn định tài chính-xã hội. Trong năm 2020, tổng nợ phải trả của công ty tăng 13,5% lên mức 829,2 tỉ Nhân dân tệ – gồm phải trả nhà cung cấp và phải trả khác, tính cả giá trị các hóa đơn mua trước-thanh toán sau. Nợ quá hạn khiến Evergrande bị các nhà cung cấp dọa kiện – thậm chí một số đã đệ đơn ra tòa.
Kết quả phân tích của chuyên gia Iris Chen từ Nomura cho thấy nhà đầu tư trái phiếu Evergrande có thể chỉ được hoàn 25% số vốn ban đầu. Nguồn tiền chi trả phần lớn từ thanh lý các công ty con đang niêm yết – ví dụ như công ty xe điện. Tuy nhiên giá trị tài sản các công ty này hiện đã giảm 60% do tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
“Tỷ lệ hoàn trả có thể cải thiện nếu Evergrande đạt giá trị thanh lý cao hơn dự tính”, bà viết. “Nhưng thanh lý tài sản quá sớm sẽ khiến nhà đầu tư trái phiếu bất lợi vì các chủ nợ khác sẽ được ưu tiên trả nợ trước.”
Biên dịch: Thiên Tứ
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/vie%cc%83n-ca%cc%89nh-nao-cho-mo%cc%a3t-evergrande-nga%cc%a3p-day-no%cc%a3)
1 năm trước
11 tháng trước