Twitter sẽ hạn chế thêm nhiều nội dung như tình hình chiến sự tại Ukraine nhằm ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch tới người dùng.
Vào ngày 17.5, Twitter cho biết sẽ hạn chế thêm nhiều nội dung về các cuộc khủng hoảng, như xung đột vũ trang tại Ukraine. Chính sách này sẽ giới hạn số lượng bài đăng, kể cả khi chủ sở hữu mới tiềm năng là Elon Musk muốn công ty làm điều ngược lại
Mạng xã hội này sẽ cấm nội dung tuyên truyền sai lệch về tội ác chiến tranh, các cuộc tấn công quy mô lớn và sự kiện diễn ra trực tiếp đến người dùng.
“Ngay khi tiếp nhận bằng chứng về thông tin sai lệch, chúng tôi sẽ không truyền đi hoặc gợi ý nội dung thực hiện theo chính sách này trên toàn Twitter,” Yoel Roth, người đứng đầu bộ phận An toàn của Twitter viết trong bài đăng.
Các bài viết vi phạm sẽ bị gắn nhãn cảnh báo và thông báo tới người dùng bài đăng của họ đã vi phạm chính sách Crisis Misinformation (Thông tin sai lệch về khủng hoảng).
Twitter sẽ vô hiệu hóa tính năng thích, chia sẻ và đăng lại, giảm đi mức độ lan truyền của bài viết. Yoel Roth nhận định, những động thái này có thể giảm tỷ lệ tiếp cận bài đăng từ 30%-50%.
Twitter và các công ty mạng xã hội khác đã đưa ra biện pháp tương tự trong việc ngăn chặn những hình thức về thông tin sai sự thật khác, bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Twitter là cái tên đi đầu về việc này và thường tiến hành trước các sáng kiến tương tự từ Meta – công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp. Tuy đây là nỗ lực đáng trân trọng nhưng lại đẩy Twitter vào thế khó khi cần phải phân xử yếu tố cấu thành thông tin sai lệch.
Với chính sách Crisis Misinformation mới, kế hoạch của Twitter là phụ thuộc chủ yếu vào quy trình “xác minh từ nhiều nguồn đáng tin cậy, có sẵn công khai, bao gồm bằng chứng từ các nhóm giám sát xung đột, tổ chức nhân đạo, đơn vị điều tra mã nguồn mở, nhà báo,…”
Trước đây, những động thái kiểm soát tự do ngôn luận từ Twitter chưa từng làm hài lòng tất cả mọi người. Những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng động thái của Twitter là chưa đủ. Còn những ai theo chủ nghĩa bảo thủ như Elon Musk lại nhận định việc này là quá mức. Cuối cùng, không ai hài lòng và Twitter bị kẹp giữa hai bên.
Chính sách này được đưa ra trong thời điểm tương đối nhạy cảm của Twitter, với thương vụ mua lại công ty của Elon Musk đang trong tình trạng lấp lửng. Tuy chưa công khai tiết lộ quá nhiều về những dự định dành cho Twitter, Musk đã khá thẳng thắn về việc mong muốn công ty giảm kiểm soát tự do ngôn luận.
Trong khi đó, ban lãnh đạo của Twitter đang đốc thúc các cổ đông chấp thuận cho mức đề nghị 54,20 USD/cổ phiếu, bất chấp việc công ty ban hành các chính sách mà Elon Musk chắc chắn sẽ không lấy làm thích thú.
Hiện tại, Elon Musk chưa lên tiếng về đợt thay đổi chính sách ngôn luận mới nhất của Twitter.
Xem thêm: Elon Musk mất 18 tỉ USD sau khi huy động tiền mua Twitter
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/twitter-thay-doi-chinh-sach-ve-noi-dung)
2 ngày trước
2 năm trước
Rapper Kanye West mua mạng xã hội Parler