Tổng giám đốc VinHMS Nguyễn Văn Hoàng: “Không có tầm nhìn lớn, rất khó để tuyển dụng những người tuyệt vời”
Lấy bằng Thạc sĩ tại University of Houston, Texas và đã có gần 10 năm ở Houston để xây dựng các giải pháp phần mềm cho nhiều công ty trong danh sách Fortune 500, ông Nguyễn Văn Hoàng hiện dẫn dắt VinHMS, doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản lý khách sạn.
Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh phần mềm VinHMS (Tập đoàn Vingroup) ra đời vào năm 2018, chuyên cung cấp những sản phẩm công nghệ chất lượng cao, giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàng cho biết cho đến nay, VinHMS là đối tác chính thức của Traveloka, Agoda, TripAdvisor, Google, Amazon… và là hội viên của Hiệp hội quốc tế định chuẩn giao thức cho các phần mềm của khách sạn (HTNG).
Bắt đầu từ nhà cung cấp giải pháp quản lí khách sạn (HMS) cho các khách sạn Vinpearl của Vingroup, ông đã mở rộng tệp khách hàng của mình như thế nào?
Ngay từ đầu, chúng tôi đã có tầm nhìn là công ty cung cấp nền tảng công nghệ, với Vinpearl là khách hàng đầu tiên của chúng tôi.
Có được Vinpearl là khách hàng đầu tiên vừa là một điều may mắn vừa là một thử thách. Để hỗ trợ Vinpearl, chúng tôi phải giải quyết tất cả các yêu cầu kinh doanh phức tạp nhưng chúng tôi biết rằng một khi đáp ứng mọi nhu cầu hoạt động của Vinpearl, sản phẩm của chúng tôi mới thực sự vững chắc. Mặt khác, khách hàng lớn có xu hướng kéo bạn về phía họ, yêu cầu bạn thực hiện nhiều tùy chỉnh để phục vụ nhu cầu cụ thể của họ. Do đó, việc cân bằng giữa các tính năng sản phẩm tiêu chuẩn và tùy chỉnh là một cuộc cải tiến và phát triển liên tục.
Sau Vinpearl, chúng tôi đã hợp tác với Melia và nhiều khách sạn địa phương trên khắp Việt Nam. Việt Nam có khoảng 100.000 phòng 4-5* theo số liệu năm 2019. Hiện tại, chúng tôi đang quản lí khoảng 18.000 đến 20.000 phòng, tương đương khoảng 18% thị phần. Ngành khách sạn và nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID nhưng thị trường của chúng tôi đang phát triển ổn định. Tôi nghĩ mục tiêu nắm được 30% thị phần trong thời gian tới mà chúng tôi đặt ra là khả thi.
Với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng hệ thống quản lí tại Mỹ và tại Amazon Web Services Việt Nam, ông đã phải giải quyết những thách thức nào khi khởi nghiệp tại Việt Nam?
Thật ra tôi đã khởi nghiệp ở Việt Nam cách đây 11 năm, vào năm 2012. Sản phẩm khi đó là hệ thống bán hàng & quản lý kho dành cho các nhà bán lẻ tạp hóa. Lúc đó còn quá sớm đối với SaaS và Cloud nên thật khó để thuyết phục khách hàng nên sử dụng “trang web” của chúng tôi để tính tiền thay vì giấy bút.
Việt Nam luôn có những tài năng kỹ thuật tuyệt vời, nhưng không có câu chuyện thành công nào về khởi nghiệp và ESOP, nên thực sự rất khó để kéo các nhà phát triển phần mềm giỏi ra khỏi các công ty lớn. Thị trường này cũng khá mới và không có nhiều mạng lưới hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp như hiện nay. Tôi phải xây dựng đội ngũ và văn hóa theo kinh nghiệm của Mỹ; một số điều trong đó thì thích hợp, một số khác lại không.
Khác biệt mà VinHMS đem đến cho thị trường khách sạn trong nước là gì?
Khách sạn là một trong những ngành nghề lâu đời nhất và được coi là một hoạt động kinh tế mạnh mẽ, tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, nhưng sự thiếu đổi mới công nghệ trong ngành khách sạn là một thực tế. Nhiều chuyên gia khách sạn đồng ý rằng “Airbnb không giết chết ngành khách sạn; thiếu đổi mới và sáng tạo mới là nguyên nhân.”
VinHMS không cố gắng xây dựng “một giải pháp phần mềm quản lý khách sạn khác.” Chúng tôi muốn cung cấp một nền tảng mở để các khách sạn thực hiện những đổi mới. Tất cả các công cụ vận hành khách sạn tiêu chuẩn đều có sẵn, nhưng điều quan trọng nhất về nền tảng của chúng tôi là chúng tôi có thể dễ dàng kết nối và tích hợp với nhiều dịch vụ công nghệ để cải thiện chi phí, doanh thu và trải nghiệm của khách nghỉ ở khách sạn.
Ví dụ, bây giờ bạn thấy thanh toán QR ở khắp mọi nơi ở Việt Nam. Trong siêu thị, quán cà phê, trung tâm mua sắm, nhưng phương thức thanh toán khách sạn vẫn bị mắc kẹt với tiền mặt và thẻ tín dụng. Hoặc nhìn vào quá trình checkin. Từ nhiều năm trước, các hãng hàng không đã cung cấp dịch vụ làm thủ tục trước và yêu cầu an ninh của họ rất nghiêm ngặt. Tại sao bạn vẫn phải xếp hàng và làm thủ tục tại quầy lễ tân của khách sạn?
Công nghệ đã có, nhưng vì nhiều giải pháp quản lí khách sạn không cởi mở nên họ không thể chấp nhận các phương thức thanh toán hiện đại hoặc áp dụng các quy trình mới. Những thay đổi này không chỉ đơn giản là cải thiện trải nghiệm của khách hàng mà còn giúp giảm chi phí (phí thanh toán QR có thể thấp hơn phí thẻ tín dụng) và tăng doanh thu (việc nhận phòng trước cho phép các khách sạn cung cấp thêm dịch vụ cho khách trước khi họ đến).
Quả thật là có rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên để thuyết phục các chủ doanh nghiệp chuyển từ hệ thống quản lí của riêng họ sang dịch vụ của ông không phải là điều dễ dàng. Ông đã làm điều đó như thế nào?
COVID đã thay đổi mọi thứ. Trước COVID, các chủ khách sạn không thực sự nghĩ rằng họ cần phải thay đổi hay đổi mới vì việc kinh doanh đã quá lâu không có gì thay đổi và họ vẫn đang kinh doanh ổn. Nhưng sau COVID, kì vọng của khách thay đổi, yêu cầu của thị trường thay đổi và không làm gì trở nên rủi ro hơn thay đổi.
Các khách sạn biết rằng họ phải cải thiện hệ thống của mình để thích nghi với môi trường mới. Nhưng mô hình mua máy chủ và phần mềm truyền thống không thực sự hữu ích khi các khách sạn vẫn đang phục hồi sau COVID, và họ không có nhiều tiền mặt. Mô hình SaaS của chúng tôi thay thế đầu tư CAPEX bằng OPEX để chủ sở hữu có thể có một hệ thống tốt hơn với mức đầu tư tối thiểu. Trong nhiều trường hợp, phí dịch vụ của chúng tôi cũng phụ thuộc vào doanh thu của họ, vì vậy chúng tôi chỉ có tiền khi khách sạn làm ra tiền. Đó là một quan hệ đối tác lâu dài, không phải là giao dịch một lần.
Thị trường này khá truyền thống nên chỉ có 2 nhóm giải pháp chính. Một là các phần mềm quốc tế toàn cầu được hầu hết các khách sạn 5 sao và chuỗi quốc tế sử dụng, hai là các phần mềm địa phương được các khách sạn 3 – 4 sao trong nước sử dụng. Chúng tôi có giá hợp lí hơn rất nhiều so với phần mềm toàn cầu. Mặc dù không phải là giải pháp rẻ nhất trên thị trường, chúng tôi tự tin giá trị mình đem lại cho khách sạn sẽ lớn hơn chi phí họ bỏ ra.
Ông từng chia sẻ trên mạng xã hội rằng có 3 điều để startup có thể cạnh tranh với các tập đoàn và startup lớn hơn về nhân tài: Đội ngũ sáng lập – Tầm nhìn – Lương thưởng. Tại sao lại là 3 yếu tố này?
“Đội ngũ sáng lập” là công cụ tuyển dụng quan trọng nhất mà một startup có được. Khi bạn không có tiền, không có sản phẩm, không có khách hàng, lí do duy nhất khiến mọi người tham gia với bạn là vì họ thích làm việc với bạn. Hoặc bởi vì họ nghĩ rằng họ có thể học hỏi từ bạn. Hoặc bởi vì họ nghĩ rằng họ sẽ phát triển cùng với bạn. Hoặc bởi vì họ tôn trọng bạn và họ nghĩ rằng bạn có thể dẫn họ đến thành công.
“Tầm nhìn” cũng rất quan trọng. Mọi người cảm thấy hài lòng về nghề nghiệp nếu họ có thể góp phần xây dựng một thứ gì đó lớn hơn bản thân họ. Không ai muốn làm việc với những thứ nhỏ nhặt, hay trở thành một bánh răng nhỏ trong một bánh xe lớn. Hầu hết thời gian, những người giỏi đã có một công việc tốt trong một công ty tốt và cách duy nhất để họ rời đi là vì họ được làm những việc thú vị hơn. Không có tầm nhìn lớn sẽ rất khó để tuyển dụng những người tuyệt vời.
“Lương thưởng” là điều mà nhiều nhà sáng lập đã bỏ qua, ít nhất là từ kinh nghiệm của bản thân tôi. Tôi đã thấy những người sáng lập công ty khởi nghiệp nói về việc để nhóm của họ làm việc với mức lương thấp hoặc không có lương trong nhiều tháng. Họ cho rằng đó là một thành tích. Tôi nghĩ là không.
Trở thành người sáng lập rất khó và bạn có thể phải hy sinh, nhưng bạn không có quyền yêu cầu điều đó từ nhóm của mình. Ngay cả khi người đó thích làm việc cho bạn, yêu thích những vấn đề mà họ đang giải quyết, thật không công bằng khi để người đó về nhà và bắt gia đình họ phải chịu đựng. Bên cạnh đó, nếu tầm nhìn lớn thì không thể thực hiện được trong vài tháng nên bạn cần có một kế hoạch tài chính hợp lí cho một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút. Trả cho nhân viên của bạn một giá trị thị trường hợp lí trong khi giao cho họ những thách thức lớn để giải quyết là một cách tốt hơn và bền vững hơn để cạnh tranh với các tập đoàn lớn.
Ông đang cải thiện điều gì để thu hút và giữ chân nhân tài cho công ty?
Tôi nghĩ rằng chúng tôi có một tầm nhìn đầy tham vọng, với một thị trường lớn để phát triển. Chúng tôi có nhiều khách hàng nghĩa là chúng tôi có doanh thu để cạnh tranh trong thị trường nhân tài nhưng chúng tôi không bao giờ có đủ người giỏi nên có rất nhiều điều tôi muốn làm.
Thông thường tôi dành khoảng 20% – 30% thời gian của mình cho tuyển dụng, nói chuyện với các ứng viên tiềm năng. Chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm tuyệt vời nhưng chúng tôi đã không làm tốt việc cho mọi người biết về điều đó nên tôi cũng dành thời gian gặp gỡ các đối tác và kể cho họ nghe câu chuyện của chúng tôi. Càng nhiều người biết về hành trình của chúng tôi, càng nhiều người muốn tham gia cùng chúng tôi.
Trong nội bộ, tôi tìm cách cải thiện cơ cấu lương thưởng của công ty và cho nhân sự của chúng tôi nhiều tự do hơn để đổi mới, rồi để họ chủ động làm công việc của họ .
Xin cảm ơn ông.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tong-giam-doc-vinhms-nguyen-van-hoang-khong-co-tam-nhin-lon-rat-kho-de-tuyen-dung-nhung-nguoi-tuyet-voi)
Xem thêm
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43