Những vấn đề về kinh tế, chính trị và đại dịch COVID-19 khiến giá trị tài sản của 100 người giàu nhất Trung Quốc giảm 39% xuống còn 907,1 tỉ USD
Kể từ khi Forbes bắt đầu theo dõi giá trị tài sản cách đây hai thập niên trước, khối tài sản ròng của những tỉ phú giàu nhất Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất do những vấn đề về kinh tế, chính trị và đại dịch COVID-19.
Hệ quả là tổng giá trị tài sản của 100 người giàu nhất Trung Quốc năm 2022 giảm 39% xuống còn 907,1 tỉ USD từ 1.480 tỉ USD trong năm 2021.
Trong đó, chỉ có hai thành viên tăng giá trị tài sản, 79 cái tên rời khỏi danh sách, 12 cái tên quay trở lại và bốn cái tên phân chia tài sản.
Những lo ngại về xu hướng tả khuynh trong quan điểm chính trị của quốc gia tỉ dân sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10.2022 cũng là nguyên nhân khiến giá trị tài sản giảm xuống, bên cạnh tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ giảm hơn 12% trong hơn một năm qua.
Điều này khiến hai chỉ số chứng khoán quan trọng là CSI 300 của Trung Quốc đại lục và Hang Seng Index ở Hong Kong lao dốc, lần lượt giảm hơn 25% và gần 41% từ thời điểm công bố danh sách 100 người giàu nhất năm 2021.
So với những tỉ phú khác, khối tài sản ròng của Chung Thiểm Thiểm, chủ tịch công ty sản xuất đồ uống đóng chai và sản phẩm trà Nongfu Spring ghi nhận mức giảm thấp hơn khi chỉ hạ 5% giá trị từ 65,9 tỉ USD trong năm 2021 xuống còn 62,3 tỉ USD, giúp ông giữ vững danh hiệu người giàu nhất Trung Quốc.
Giá trị tài sản của ông Chung giảm ít hơn nhờ khoản đầu tư vào công ty sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19 Beijing Wantai Biological Pharmacy và phân phối mặt hàng thiết yếu là nước uống.
Trương Nhất Minh, nhà sáng lập và cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của Bytedance – công ty vận hành ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng TikTok – giữ vị trí thứ hai với khối tài sản ròng 49,5 tỉ USD, giảm gần 17% so với năm 2021 trong bối cảnh mức định giá của các công ty mạng xã hội trên toàn thế giới sụt giảm.
Tỉ phú Robin Zeng, chủ tịch của tập đoàn sản xuất pin điện tử lớn nhất thế giới Contemporary Amperex Technology (CATL), đứng thứ ba với khối tài sản giảm 43% từ 50,8 tỉ USD xuống 28,9 tỉ USD.
Gần 4/5 thành viên trong sách 100 người giàu nhất Trung Quốc năm 2022 giảm giá trị tài sản từ năm ngoái. Cổ phiếu Tencent bốc hơi gần 50% giá trị trong hơn một năm qua khiến khối tài sản của nhà sáng lập và chủ tịch Mã Hóa Đằng giảm từ 25,7 tỉ USD xuống còn 23,4 tỉ USD, mức giảm lớn nhất tính theo đồng đô la. Từ đầu năm 2022, lợi nhuận của Tencent giảm mạnh do doanh thu từ hai mảng kinh doanh game và quảng cáo tụt xuống.
Các tỉ phú công nghệ khác cũng thâm hụt giá trị tài sản. Nhà sáng lập và CEO Xiaomi Lôi Quân ghi nhận khối tài sản giảm từ 17,9 tỉ USD xuống 7,6 tỉ USD khi cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại này mất gần 50% giá trị so với năm 2021.
Còn chủ tịch của gã khổng lồ ngành thương mại điện tử JD.com, Lưu Cường Đông sở hữu khối tài sản ròng 8,3%, giảm từ con số 17,6 tỉ USD ghi nhận vào năm 2021 theo sau đợt bán tháo cổ phiếu công ty này.
Các tỉ phú bất động sản cũng không nằm ngoài tác động, với chủ tịch Dương Huệ Nghiên của công ty bất động sản Country Garden ghi nhận giá trị tài sản giảm 82% từ 27,8 tỉ USD, mức giảm lớn nhất theo tỉ lệ phần trăm, xuống 4,91 tỉ USD trong bối cảnh suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Năm tỉ phú bất động sản khác rời khỏi danh sách năm nay gồm Hứa Gia Ấn, chủ tịch tập đoàn bất động sản China Evergrande Group đang chìm trong nợ nần từng giữ “ngôi vị” người giàu nhất Trung Quốc cách đây 5 năm trước.
Nhưng vẫn có một vài điểm sáng, với 12 thành viên quay trở lại danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc sau nhiều năm vắng bóng. Danh sách bao gồm cả Wu Jianshu, chủ tịch công ty Ningbo Tuopu Group cung cấp phụ tùng cho các hãng xe như Porsche, BMW, Rivian và Lucid. Giá cổ phiếu của Ningbo Tuopu Group tăng 25% từ năm 2021.
Mặc cho tình hình khó khăn, danh sách năm 2022 vẫn chào đón ba thành viên mới, bao gồm cả Chris Xu, nhà sáng lập của thương hiệu thời trang nhanh trực tuyến Shein nổi tiếng với sản phẩm thời trang giá rẻ. Chris Xu xếp thứ 25 với khối tài sản ròng 10 tỉ USD sau khi huy động khoản tài chính mới cho công ty tư nhân của ông vào nửa đầu năm 2022. Trong năm 2022, Shein đã đưa vào hoạt động trung tâm phân phối mới tại Whitestown, Indiana (Mỹ), được kỳ vọng tạo ra 1.000 việc làm vào cuối năm nay.
Cái tên tiếp theo là Xue Min, cổ đông có quyền kiểm soát của công ty sản xuất thiết bị chụp chuẩn đoán hình ảnh y học Shanghai United Imaging Healthcaren niêm yết cổ phiếu trên sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vào tháng 8.2022, tốt nghiệp thạc sĩ tại đại học Case Western Reserve và Cleveland Clinic, xếp thứ 64 với khối tài sản ròng 5,25 tỉ USD.
Còn lại là Zhang Hejun, chủ tịch của nhà sản xuất bộ biến tần năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới Ningbo Deye Technology, với giá cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải tăng hơn hai lần kể từ đầu năm 2022.
Trong danh sách năm 2022, hai cái tên ghi nhận giá trị tài sản tăng từ lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm Jin Baofang, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của JA Solar Holdings sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, với giá trị tài sản tăng 16% lên 10,4 tỉ USD và nhà sáng lập Trina Solar Gao Jifan sở hữu khối tài sản 7,3 tỉ USD, tăng 2%.
Rất nhiều tỉ phú đến từ ba thành phố lớn của Trung Quốc gồm Thâm Quyến, Bắc Kinh và Thượng Hải. Thâm Quyến, “quê nhà” của hãng xe điện lớn nhất thế giới BYD (vượt qua Tesla trong năm 2021) đóng góp nhiều tỉ phú nhất Trung Quốc với 14 cái tên góp mặt trong danh sách năm 2022, theo sau là Bắc Kinh (13) và Thượng Hải (8).
Nền kinh tế sẽ mất nhiều thời gian để hồi phục với những lo ngại về việc Trung Quốc từ bỏ các chính sách thân thiện với doanh nghiệp sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, bên cạnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đã tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư và làm ảm đạm triển vọng tăng trưởng không chỉ quốc gia, mà còn những doanh nhân thành công nhất.