Gautam Adani, người ra khỏi danh sách tốp 5 người giàu nhất thế giới do cổ phiếu Adani Group giảm mạnh trong những ngày cuối tháng 1.2023, là ai?
Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani mất 6,5 tỉ USD vào ngày 25.1 sau khi công ty bán khống Hindenburg Research công bố báo cáo dài 100 trang cáo buộc gay gắt Adani và tập đoàn của ông gian lận, như thao túng thị trường chứng khoán. Hindenburg cáo buộc Adani “đã thực hiện vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử.”
Adani Group phủ nhận cáo buộc, nói đó là “những thông tin sai lệch có chọn lọc, vô căn cứ, làm mất uy tín” và Hindenburg không liên hệ tập đoàn để kiểm chứng thông tin.
Adani bỏ học đại học, từ chối tiếp quản cửa hàng dệt may của cha để thành lập một công ty xuất khẩu hàng hóa vào năm 1988. Năm nay 60 tuổi, ông là bạn lâu năm của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Khi Modi có thêm quyền lực, Adani cũng vậy, và Adani đang kiểm soát nhiều phần quan trọng của nền kinh tế Ấn Độ, bao gồm cả Mundra, cảng lớn nhất ở quốc gia này.
Ông cũng là nhà điều hành sân bay lớn nhất ở Ấn Độ và, thông qua bảy công ty niêm yết, ông đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện, xi măng và năng lượng xanh. Năm ngoái, khi nhiều tài sản trên toàn cầu sụt giảm do thị trường chứng khoán lao dốc, tài sản của Adani lại tăng thêm 55 tỉ USD, nhờ đó trở thành tỉ phú kiếm thêm nhiều tiền nhất trong năm 2022. Ngay cả sau lần sụt giảm gần đây, vào cuối ngày 24.1, tài sản của ông còn 119,1 tỉ USD, cao hơn 112 tỉ USD so với giá trị tài sản hồi năm 2014, khi Forbes lần đầu tiên tìm hiểu về mối quan hệ của ông với Modi, khi đó là thủ hiến của bang Gujarat, quê hương của Adani.
Dưới đây là trích lược câu chuyện về Gautam Adani đã được đăng trên Forbes Asia vào năm 2014.
Người đàn ông giàu nhất châu Á tích lũy được hàng tỉ đô la Mỹ một phần nhờ vào mối quan hệ lâu dài của ông với Thủ tướng Modi. Bây giờ tài sản của ông đang giảm do những cáo buộc tham nhũng và thao túng cổ phiếu.
Khi con trai ông kết hôn ở bang ven biển Goa năm ngoái, tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani mời người giàu nhất nước, nhiều giám đốc điều hành, chủ ngân hàng hàng đầu cùng với các quan chức. Tuy nhiên, hầu hết chỉ ghé qua vào đêm hôm trước để chúc phúc cho cặp đôi hạnh phúc và đều không tham dự buổi lễ chính.
Nhưng một người bạn nổi tiếng tham gia tất cả buổi lễ trong vài ngày, vui vẻ và thoải mái như người chú yêu quý. Đó là Narendra Modi, lúc đó là thủ hiến bang Gujarat, quê hương của Adani.
Trong những năm qua, Adani thuê 7.350 ha từ chính quyền ở một khu vực có tên là Mundra ở vịnh Kutch tại Gujarat. Phần lớn trong số đó ông nhận được từ năm 2005. FORBES ASIA có các bản sao của những thỏa thuận này cho thấy hợp đồng thuê trong 30 năm, có thể gia hạn với giá chỉ một cent/m2 (mức giá tối đa là 45 cent/m2). Sau đó, ông cho các công ty khác bao gồm cả công ty nhà nước Indian Oil Co., thuê lại mảnh đất này, với giá 11 USD/m2. Từ năm 2005 đến 2007, dân làng mất ít nhất 1.200 ha đất chăn thả gia súc.
Theo luật Ấn Độ, đất dành cho chăn thả gia súc chỉ có thể được sử dụng cho mục đích khác nếu diện tích đất quá lớn. Dân làng trong Đặc khu kinh tế của Adani nói rằng các trưởng làng trước đó ký hợp đồng cho thuê đất chăn thả gia súc của họ nhưng họ không hề hay biết. Vì thế, dân làng kiện lên tòa án tối cao Gujarat để phản đối hành động của chính quyền, từ năm 2005 và thậm chí trong thời gian trước đó nữa. Một số trường hợp vẫn đang chờ giải quyết.
Trên mảnh đất thuê với giá rẻ đó, Adani xây dựng một cảng tư nhân lớn nhất nước tính theo số lượng- nguồn mang lại lợi nhuận lớn- cũng như nhà máy nhiệt điện than 4.620 megawatt.
Nhìn bề ngoài, cảng Adani hoạt động sầm uất. Vào một ngày đầu tháng 2.2014, hai tàu lai dắt đang hướng dẫn một con tàu chất đầy hàng chạy về phía cầu cảng trong khi đó một con tàu khác đang chất đầy container ở đó.
Tại một khu vực của bến cảng, những chiếc xe Maruti Suzuki mới đang được lau chùi để chuyển đi. Ở một nơi khác, hàng hóa được khai thác trong vùng— bauxite, bentonite, quặng sắt — nằm thành đống riêng lẻ, chờ được chất lên để xuất khẩu.
Trong dữ liệu có sẵn gần đây nhất, GDP của Gujarat cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình là 13,4% trong nhiệm kỳ của Modi, vượt xa tốc độ tăng trưởng của cả nước 7,8% trong giai đoạn đó. Modi đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất ô tô cùng với năng lượng mặt trời. Bang đã ứng dụng công nghệ để thu gom nước mưa cũng như thủy lợi, đồng thời cung cấp nguồn điện gần 24 giờ trên toàn bang. (Ngược lại, quốc gia này có mức thâm hụt điện trung bình lên tới 9% trong ba năm qua, nhưng gần đây cải thiện được tình trạng đó.)
Hàng kilomet đường bằng phẳng, thỉnh thoảng đầy hoa giấy màu hồng, cam lẫn trắng nhưng được máy quét sạch, dẫn bạn đi vòng quanh thành phố đồ sộ nằm bên trong một vùng gọi là đặc khu kinh tế của Adani. Ý tưởng phát triển đặc khu này là để thu hút nhiều công ty xuất khẩu thành lập nhà máy ở đặc khu này, gần cảng Adani.
Để có thêm động lực, tỉ phú xây dựng tuyến đường sắt dài 64km, nối cảng với mạng lưới đường sắt quốc gia, cũng như đường băng tư nhân dài 1,78km mà những người thuê đất trong đặc khu có thể sử dụng cho các chuyến bay. Cho đến năm 2014 đã có 23 công ty đăng ký. Vì vậy, Gujarat đạt được một số sản lượng và tạo thêm việc làm, nhưng Adani lại là người hưởng tiền thuê.
Adani Group được thành lập vào năm 1988, trở thành công ty đại chúng vào năm 1994. Nhưng tập đoàn tăng trưởng thực sự trong giai đoạn Modi đương nhiệm chức ở Gujarat. Từ năm 2002 đến tháng 3.2014, doanh thu của tập đoàn tăng từ 765 triệu USD lên 8,8 tỉ USD trong khi lợi nhuận ròng thậm chí còn tăng cao hơn.
Trong giai đoạn này, tập đoàn xây dựng đặc khu, mua nhiều mỏ ở Indonesia và Australia để đảm bảo có nguồn cung cấp than ổn định cho các nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ và đưa cảng nhập khẩu than lớn nhất châu Á ở Mundra vào hoạt động. Vào năm 2011, tập đoàn tiếp tục mở rộng hoạt động ở Australia, mua lại Abbot Point, kho chứa than ở Queensland, với giá 2 tỉ USD. Tập đoàn cũng phải gánh một khoản nợ khổng lồ – 13 tỉ USD – tăng hơn gấp đôi từ năm 2011.
Mặc dù không có công ty nào khác ở Kutch nhận được ưu đãi hào phóng về giá đất như Adani nhưng họ cũng được hưởng lợi từ chính sách Modi đưa ra.
Trong cuộc biểu tình chính trị ở Lucknow xa xôi hồi đầu tháng 3.2014, Modi nói rằng nông dân là bạn của ông vì vậy ông sẽ sát cánh cùng họ. Ông cũng cho biết ông sẽ “không cho phép bất kỳ ai cướp bóc kho bạc.”
Nhưng hãy dành thời gian đi quanh các ngôi làng ở Kutch, thấy được một bức tranh hoàn toàn khác. Vùng này nổi tiếng với cây hồng xiêm, một loại trái cây màu nâu, nhiều thịt, nhỏ hơn quả bóng tennis một chút, cũng như chà là, dừa và thầu dầu. Nông dân trong khu vực cho biết cây đã chết hết. Tro bay và nước mặn từ Adani Power cũng như nhà máy Tata Power Co. Ltd. gần đó chính là nguyên nhân làm cho đất kém màu mỡ hơn. Có thể thấy hàng kilomet ống khói của hai nhà máy điện ở phía chân trời. Gajendra Sinh Jadeja, trưởng làng Navinal, 28 tuổi, cho biết chính quyền Gujarat lấy khoảng 930.770 m2 đất chăn thả gia súc của làng anh để phát triển Đặc khu kinh tế của Adani. Ông mua chúng với giá 19 cent/m2.
Đi ngang qua một vài cánh đồng cằn cỗi gần đó, Jadeja cho biết anh đã trồng xen kẽ bông, kê cùng với thầu dầu ở đó. Bây giờ những mảng muối trắng có thể dễ dàng nhìn thấy trên khắp các cánh đồng và trở thành hình ảnh phổ biến ở nhiều trang trại. “Nước mặn hủy hoại đất nên vụ mùa không còn bội thu như trước nữa,” anh cho biết.
Trên một cánh đồng khác, thầu dầu mọc um tùm, nhưng không bằng so với cánh đồng cao xanh mướt trong thời gian trước mà anh nhớ.
Ngôi làng Zarapara với 15.000 dân là một trong những ngôi làng lớn nhất trong khu vực. Khi chính quyền giao một ngàn mẫu đất chăn thả gia súc cho Adani SEZ, với giá khoảng 19 cent/m2, dân làng đã kiện lên tòa án cao nhất của Ấn Độ. Trước khi phán quyết, tập đoàn đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa án, theo đó Adani Group trả lại cho dân làng 400 mẫu đất chăn thả gia súc. Tập đoàn nói rằng đã trả lại đất trong khi dân làng cho biết chưa nhận lại mẫu đất nào cho đến 2014.
Zarapara từng nổi tiếng với hồng xiêm. Naran Ghadavi, sống ở Zarapara, có trang trại cách nhà máy điện Adani 4,8km, cho biết: “Vào mùa, năm chiếc xe tải chở đầy [hồng xiêm] từ ngôi làng này ra chợ mỗi ngày. Nhưng giờ chúng tôi chỉ thu hoạch đủ để chất đầy chiếc xe tải nhỏ.”
Ghadavi, 30 tuổi, cho rằng sản lượng giảm là do nước nhiễm mặn cùng với tro bay từ nhà máy điện Adani làm ô nhiễm mực nước ngầm cũng như phá vỡ quá trình thụ phấn. Chỉ vào chiếc áo sơ mi trắng của mình, người đàn ông nhỏ thó, gầy guộc nói: “Ngày trước quần áo chúng tôi ngả màu vàng [vì phấn hoa]. Bây giờ sương sớm đọng trên lá cây, mặt đất chuyển sang màu đen vì tro bay.”
Sau nhiều năm nhận khiếu nại về ảnh hưởng môi trường, cuối cùng, vào năm 2012, bộ Môi trường liên bang chỉ định một hội đồng—được gọi là ủy ban Sunita Narain theo tên người phụ nữ chịu trách nhiệm quá trình xử lý khiếu nại—để xem xét chúng.
Trong báo cáo vào tháng 4.2013, ủy ban Narain đã xác nhận lời khiếu nại của dân làng là đúng. Báo cáo cho biết Adani SEZ vi phạm nhiều quy định xanh tại các điểm khác nhau trong dự án khổng lồ—phá hủy rừng ngập mặn, lấp nhiều con lạch cũng như gây suy thoái đất và nước do đổ tro bay.
Tại nhà máy điện, hàng ngàn lít nước được hút từ biển qua một kênh được thải ra ngoài qua một đường ống. Sau khi hút vào, nước được giữ trong một bể chứa, sau đó bơm vào tua-bin để tạo ra điện và cuối cùng xả trở lại.
Ủy ban phát hiện ra rằng hồ chứa không có bất kỳ lớp lót nào để bảo vệ mạch nước ngầm. “Kết quả kiểm tra cho thấy đất trong khu vực dễ thấm và nếu không có biện pháp bảo vệ, dễ dẫn đến ô nhiễm. Đây là vi phạm rõ ràng về quy định bảo vệ môi trường,” ủy ban cho biết.
Ủy ban khuyến nghị Adani nên tạo một quỹ bằng 1% của toàn bộ chi phí dự án hoặc 37 triệu USD, thậm chí cao hơn. Công ty cũng nên xây dựng lại cả các kênh được sử dụng để lấy và thải nước trở lại, cũng như sửa chữa hoặc xây dựng lại hồ chứa với lớp lót không thấm nước ở đáy cũng như hai bên.
Nhưng sau gần một năm sau các khuyến nghị được đưa ra, công ty dường như không làm gì cả. Trong khi đó, công ty còn lên kế hoạch mở rộng SEZ rộng 7.350 ha lên 18.000 ha.
Trong email trả lời các câu hỏi, phát ngôn viên của Adani Group cho biết chính phủ giao đất cho tập đoàn sau khi tuân thủ tất cả các quy trình cũng như sử dụng khung định giá áp dụng vào thời điểm đó, trước khi khung định giá này tăng. “Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu chúng ta so sánh giá đất trước và sau khi phát triển vì doanh nghiệp mạo hiểm đầu tư một số tiền lớn để phát triển khu đất này. Nếu liên doanh thương mại thất bại thì chỉ có nhà phát triển nhận thua lỗ,” công ty cho biết.
Tập đoàn Adani cho biết xâm nhập mặn là một hiện tượng cục bộ và nhà máy điện sử dụng công nghệ để đảm bảo không có tro bay. Tập đoàn cũng bác bỏ kết quả giám sát của ủy ban Sunita Narain đồng thời cho biết mặc dù phát triển lớn đều sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nhưng chắc chắn rằng tác động ròng là tích cực. Ngoài ra, tập đoàn đều tuân theo tất cả các yêu cầu của chính phủ khi thực hiện dự án.
Ở Ấn Độ ngày nay cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, không có gì lạ khi chính quyền đưa ra nhiều ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư vào các vùng sâu vùng xa. Và như đã lưu ý, Adani không phải là người duy nhất hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi Modi đưa ra.
“Vấn đề ở đây là không đấu thầu cạnh tranh,” Aakar Patel, nhà bình luận của tờ báo Ấn Độ Mint cũng theo dõi sát về bang Gujarat trong khoảng thời gian dài, cho biết.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm: Tỉ phú Gautam Adani thâu tóm New Delhi Television
Tỉ phú Gautam Adani trở thành người giàu thứ tư thế giới
3 tháng trước
Ultratech Cement tăng đầu tư vào mảng sản xuất xi măng10 tháng trước
Tòa tối cao Ấn Độ yêu cầu chấm dứt điều tra Adani Group