Là một trong những doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiếm hoi hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín, Thành Công nhanh chóng lấy lại vị thế kinh doanh lạc quan sau những biến động tiêu cực của thị trường toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Cuối tháng 4.2020, khi COVID–19 lây lan dẫn đến giãn cách xã hội, ông Trần Như Tùng – chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công kể, việc mỗi sáng của ông là “cầu nguyện cho 7.500 con người trong công ty không bị lây nhiễm”. Ông lo lắng đại dịch trên toàn cầu sẽ khiến nhu cầu mua sắm quần áo giảm, các đơn hàng có thể bị hủy, dẫn đến công ty không có tiền trả lương nhân viên.
Nhưng điều ông Tùng lo lắng đã không diễn ra. Chính phủ Việt Nam làm tốt công tác chống dịch, nhân viên của ông không ai bị lây nhiễm và các đơn hàng cũng không thiếu. Ngược lại, một năm sau, ông nói với Forbes Việt Nam: “Chúng tôi đang ‘bị’ quá tải đơn hàng.”
Năm ngoái, COVID–19 phủ màu xám lên các ngành kinh tế. Đà tăng liên tục của ngành dệt may trong suốt 25 năm cũng bị kéo giật xuống còn 35 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, giảm 10,5% so với năm 2019. Tuy nhiên Thành Công cho thấy con số khả quan hơn so với toàn ngành khi doanh thu giảm gần 4,8%, đạt 3.644 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng hơn 27%, đạt 276 tỉ đồng. Công ty nhanh chóng trở lại đường đua nhờ linh hoạt chuyển sang sản xuất các mặt hàng thiết yếu thời COVID–19 như khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.
Đáng kể hơn là sự đóng góp lớn từ đơn hàng mới từ Adidas, hãng thời trang thể thao lớn thứ hai thế giới. Bốn tháng đầu năm 2021, Thành Công trở lại ngoạn mục với doanh thu tăng 26% và lợi nhuận tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái. Bí quyết lội ngược dòng của Thành Công nhờ vào hệ thống may mặc hoàn chỉnh được xây từ nhiều năm trước giúp họ xoay trở linh hoạt trước những biến động khó lường.
Giữa cái nóng oi bức của tháng năm cùng với thông tin COVID–19 bùng phát đợt thứ tư, dòng người vẫn nườm nượp ra vào nhà máy công ty Thành Công tại khu công nghiệp Tân Bình. Tất cả nhà máy của công ty tại Vĩnh Long, Tây Ninh và TP.HCM đã chạy hết công suất nhưng cũng chỉ đáp ứng 80%. 20% đơn hàng còn lại, Thành Công phải đặt gia công tại hơn 30 cơ sở của các nhà thầu phụ mới đáp ứng hết đơn hàng đã ký đến hết quý III.2021.
Ông Tùng kể: “Ngày nào nhân viên chúng tôi cũng phải chạy đôn đáo đến các cơ sở gia công để kiểm tra”. Áp lực lên Thành Công trong năm nay, theo ông Tùng, là làm sao sản xuất đảm bảo chất lượng và kịp tiến độ giao hàng cho khách hàng.
Theo báo cáo của công ty, chỉ trong tháng 4.2021, Thành Công ghi nhận doanh thu tăng vọt gần 49% và lợi nhuận tăng 150% so với tháng 4.2020. Khách hàng mới nhất của họ là Lacoste ký hợp đồng vào tháng 3.2021.
Thương hiệu thời trang có hình con cá sấu chuyển sang đặt mua vải tại Thành Công sau khi ngành dệt may Trung Quốc hồi đầu năm 2021 bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức tại Tân Cương, vùng sản xuất bông lớn cho thế giới. Sự kiện này khiến hàng loạt hãng thời trang nổi tiếng như Nike, Adidas, Burberry, GAP, H&M, Zara… tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương trong sản xuất. Điều này cũng khiến họ mau chóng tìm địa điểm mới để dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang quốc gia có chi phí lao động thấp hơn, trong đó có Việt Nam.
Khách hàng đáng chú ý của Thành Công trong hai năm 2020 và 2021 là Adidas. Theo Adidas, Thành Công là một trong 72 nhà cung ứng cấp 1 (tier–1) của hãng thời trang Đức tại Việt Nam vào tháng 5.2021. Thành Công phục vụ phân khúc sản phẩm quần áo trẻ em của Adidas. Hãng này đã cắt giảm 111 nhà cung ứng cấp 1 trên toàn cầu so với tháng 1.2020 trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID–19, hiện còn 525.
Theo ông Tùng, trong bối cảnh bình thường, các nhà mua hàng thường đa dạng nhà cung ứng để phân tán rủi ro, tuy nhiên, khi thị trường biến động, họ có xu hướng cơ cấu lại chuỗi cung ứng với vài đơn vị chất lượng hàng đầu để đảm bảo sự ổn định.
Thành Công là một trong số ít công ty dệt may tại Việt Nam sở hữu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ sợi, dệt, nhuộm, may và phân phối, công ty chứng khoán VNDIRECT nhận định. Điều này giúp họ tự chủ nguồn cung vải, nhờ đó hưởng lợi nhiều nhất từ hai hiệp định thương mại CPTPP (hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU).
EVFTA có hiệu lực từ tháng 8.2020 mở ra nhiều cơ hội cho các công ty dệt may tăng xuất khẩu vào châu Âu – thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Tuy nhiên do các yêu cầu quy tắc xuất xứ ngay từ khâu vải nên hầu hết các công ty Việt Nam chưa đủ điều kiện hưởng lợi bởi chưa hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín từ sợi đến may.
VNDIRECT kỳ vọng, Adidas sẽ đặt 12 triệu sản phẩm tại Thành Công, tương đương 40% công suất may của nhà máy Vĩnh Long và đóng góp 30% doanh thu hàng may mặc cho công ty trong năm nay. Thành Công sản xuất quần áo thể thao cho Adidas dưới hình thức đơn hàng FOB, có giá trị gia tăng cao hơn so với phương thức gia công đơn thuần vì có cả phần cung ứng sợi, vải và nhuộm.
Điều này giải thích cho mức tăng lợi nhuận ấn tượng bốn tháng đầu năm 2021 của Thành Công lên 75% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh thuận lợi giúp thu nhập bình quân của người lao động Thành Công năm ngoái tăng 2% so với bình quân năm năm trước đó.
Tuy nhiên, bối cảnh toàn ngành dệt may không hoàn toàn sáng sủa. Do tác động của đại dịch, ngành dệt may vốn mang về kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai cho Việt Nam lần đầu tiên rơi vào mức tăng trưởng âm sau 25 năm, theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Các thị trường nhập khẩu chính là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bị ảnh hưởng do gián đoạn chuỗi cung ứng, hoạt động bán lẻ bị ảnh hưởng vì áp dụng phong tỏa, giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Quý 2.2020, ngành sử dụng 2,5 triệu lao động bị rơi vào cảnh thiếu đơn hàng trầm trọng. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, châu Á mất tới 70% đơn hàng từ các khách hàng lớn trong nửa đầu năm 2020.
VNDIRECT ước tính, tổng doanh thu của các công ty dệt may Việt Nam niêm yết trong năm 2020 giảm hơn 15% trong khi lợi nhuận ròng giảm gần 21% so với cùng kỳ. Công ty cổ phần May Việt Tiến ghi nhận lợi nhuận ròng năm 2020 giảm gần 1/5 so với năm trước đó.
Công ty May Sông Hồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi khách hàng lớn nhất là RTW Retailwinds sở hữu chuỗi cửa hàng New York & Company – NY&Co đã nộp đơn phá sản vào tháng 7.2020 khiến lợi nhuận ròng năm 2020 giảm mạnh 63,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Giang, những doanh nghiệp sản xuất đồ thể thao – sản phẩm thiết yếu trong mùa COVID–19 dễ phục hồi hơn, trong khi các công ty sản xuất đồ công sở, đồ vest, áo jacket vẫn chưa thể lấy lại mốc cũ.
Thành Công cũng bị rung lắc nhưng mau chóng ổn định. Theo báo cáo của công ty Chứng khoán FPT, lũy kế hai tháng đầu năm 2020, doanh thu của Thành Công đột ngột sụt giảm 21%, chỉ còn 21,3 triệu đô la Mỹ và lợi nhuận sau thuế giảm tới 63% so với cùng kỳ năm 2019, rơi xuống 0,82 triệu đô la Mỹ do tình hình dịch bệnh bùng phát tại các thị trường mua hàng.
Nhưng Thành Công nhanh chóng lấy lại vị thế. Một ngày tháng 4.2020, khi cả nước thực hiện lệnh giãn cách, cổng nhà máy công ty tại khu công nghiệp Tân Bình mở toang để đoàn xe tải vận chuyển khẩu trang và đồ bảo hộ y tế nối đuôi nhau hướng thẳng ra sân bay Tân Sơn Nhất đưa đến Mỹ. “Đó là lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm hoàn thành đơn hàng kỷ lục chỉ trong hai tuần,” ông Tùng chia sẻ.
Ngành may mặc Việt Nam nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm đến 58% giá trị kim ngạch. Theo ông Giang, Thành Công là số ít công ty có thể chuyển sang làm khẩu trang và đồ bảo hộ y tế thần tốc nhờ nguồn nguyên liệu có sẵn trong khi hầu hết các công ty phải đợi nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.
Việc đứt gãy đột ngột nguồn cung khiến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào của các công ty dệt may càng trở nên trầm trọng. Thành Công với nguyên liệu sợi sẵn có, chỉ cần thêm hóa chất kháng khuẩn theo chỉ định nhà thầu đạt tiêu chuẩn FDA của khách hàng Mỹ, sau đó sản xuất vải kháng khuẩn để may khẩu trang y tế.
Thống kê của văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA), Việt Nam đã xuất khẩu 272 triệu đô la Mỹ khẩu trang dệt kim trong 10 tháng đầu năm 2020. Cứ bốn chiếc khẩu trang tiêu thụ tại Mỹ, có một xuất xứ từ Việt Nam. Cùng thời gian này, Thành Công ghi nhận xuất khẩu khẩu trang vải đạt 21 triệu đô la Mỹ.
Năm 2021, khi vắc xin được tiêm chủng rộng rãi tại Mỹ và châu Âu, đơn hàng khẩu trang giảm đi thì các đơn hàng truyền thống của Thành Công cũng quay trở lại. Lý giải về đà hồi phục nhanh, ông Tùng nói: “Nhờ cả quá trình xây dựng hệ thống dệt may khép kín trong nhiều năm từ sợi, dệt, nhuộm, cắt, may”.
Thành Công được “lột xác” kể từ khi tập đoàn thời trang và bất động sản E–Land của Hàn Quốc đầu tư vào năm 2009. Sau khi trở thành cổ đông chính, E–Land đầu tư hàng loạt máy móc hiện đại cho các nhà máy sợi và đan kim. Tỉ lệ đơn hàng FOB tăng lên thay vì trước đó chỉ tập trung gia công.
E–Land thúc đẩy thành lập bộ phận R&D bằng cách lập văn phòng đại diện của viện Nghiên cứu Dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) ngay trong nhà máy Thành Công tại TP.HCM. Họ ứng dụng các công cụ quản lý tiên tiến như mô hình sản xuất tinh gọn (Lean), hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), áp dụng thẻ điểm cân bằng trong quản lý doanh nghiệp…
Ông Tùng cho biết: “Thành Công hiện có hệ thống dữ liệu kết nối tất cả các nhà máy sợi, đan, dệt, nhuộm, may tạo thành kho dữ liệu. Sau đó có bộ phận phân tích dữ liệu (BI) đưa ra các báo cáo vận hành theo thời gian thực, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời”.
Theo lời ông Tùng, trước khi nhận đơn hàng của Adidas, Thành Công mất khoảng sáu tháng trong năm 2019 xây nhà máy theo thiết kế của Adidas, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt họ đặt ra. Sau đó, Adidas “kiểm tra tới kiểm tra lui”, đưa từng đơn hàng “nhỏ giọt”.
Cuối năm 2019, họ thử nghiệm vài chục ngàn sản phẩm, rồi nâng dần quy mô từ vài trăm ngàn tới vài chục triệu sản phẩm như hiện nay. Đối với thương hiệu cá sấu Lacoste và Tommy Hilfiger, ông Tùng cho biết, ban đầu các hãng trên chỉ mua vải tại Thành Công nhưng công ty từng bước chứng minh năng lực để nhận đơn hàng khép kín từ sợi đến sản phẩm thời trang hoàn chỉnh.
Trong bối cảnh liên quan, các chuyên gia cho rằng dệt may Việt Nam đang cho thấy cơ hội hưởng lợi từ bức tranh vĩ mô. Các đối thủ dệt may của Việt Nam như Myanmar đang đối diện bất ổn chính trị, Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh đang lao đao vì COVID–19. Năm 2021, các nhà mua hàng muốn tận dụng cơ hội thuế suất từ các hiệp định tìm đến Việt Nam.
Trong một báo cáo của công ty Chứng khoán SSI đưa ra hồi tháng năm, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc tại Mỹ, tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ, trong khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28,5% trong tháng 12.2020 xuống 23,6% trong tháng 3.2021.
Ngoài các khách hàng mới, đơn hàng từ Timberland, New Balance cũng đổ về nhiều hơn. Tháng 5.2021, họ xây thêm nhà máy số 2 tại Vĩnh Long bên cạnh nhà máy đang làm hàng cho Adidas. Thành Công dự tính nâng công suất chuỗi lên gấp đôi vào năm 2024.
Những ngày này, ông Tùng tất tả đi tìm mua nhà máy nhuộm có sẵn để nhanh chóng mở rộng sản xuất. Ông Tùng chia sẻ: “Sau đại dịch COVID–19, ngành dệt may Việt Nam phục hồi theo mô hình chữ K. Một số công ty khó khăn, một số sẽ đi lên mạnh mẽ nhờ có thêm đơn hàng”.
Theo Forbes Việt Nam số 94, chuyên đề Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, phát hành tháng 5.2021.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43