Luật sư đại diện của China Evergrande thông báo tới tòa án Hong Kong rằng tập đoàn đặt mục tiêu đạt thỏa thuận về điều khoản tái cơ cấu với các chủ nợ vào cuối tháng 3.2023.
Tỉ phú Hứa Gia Ấn đã có được sự đồng thuận từ các chủ nợ chính, khi luật sư của China Evergrande thông báo tới tòa án Hong Kong rằng tập đoàn bất động sản này có kế hoạch đệ trình bộ điều khoản tái cơ cấu nợ từ ngày 22.3.
Sáng ngày 20.3, luật sư đại diện của China Evergrande, tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới với khoản nợ vào khoảng 305 tỉ USD và là tâm điểm trong cuộc khủng hoảng ngành bất động sản Trung Quốc, thông báo tới tòa án Hong Kong rằng công ty đặt mục tiêu đạt thỏa thuận với các chủ nợ vào cuối tháng 3.2023. China Evergrande đã chịu tổn thất từ việc các chủ nợ và công ty đầu tư Top Shine Global Limited có trụ sở tại Samoa đệ đơn kiến nghị phát mại tập đoàn này liên quan đến các nghĩa vụ tài chính hơn 110 triệu USD vào tháng 6.2021.
Nhưng phiên tòa đã dời sang ngày 31.7 sau khi China Evergrande cho thấy tiến triển trong quá trình đạt thỏa thuận về các điều khoản cơ cấu nợ. Tập đoàn này đã có động thái xoa dịu một số chủ nợ để tránh bị kiện lên tòa án và đảm bảo cho một trong những quá trình tái cơ cấu lớn nhất Trung Quốc.
Việc này mở đường cho China Evergrande và các chủ nợ ở nước ngoài thống nhất về việc cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài trị giá 20 tỉ USD. Một vài lựa chọn thanh toán trái phiếu vẫn sẽ theo điều khoản kéo dài đến 12 năm, với lãi suất hiện ở mức 9%, theo một nguồn tin thân cận.
Vị này cho biết, China Evergrande cũng sẽ thanh toán cổ tức trong các công ty con như hãng xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group (Evergrande NEV) và Evergrande Property Services cung cấp dịch vụ bất động sản. Các điều khoản tái cơ cấu nợ sẽ có hiệu lực từ ngày 1.10, song có thể thay đổi tùy vào tình hình. Ông Hứa Gia Ấn, hiện sở hữu khối tài sản ròng 3 tỉ USD, với phần lớn trong số đó là cổ tức ông nhận được từ China Evergrande trong nhiều năm qua, cũng sẽ dùng tiền túi để trả nợ cho tập đoàn này.
Brock Silvers, giám đốc quản lý làm việc tại Hong Kong của quỹ đầu tư Kaiyuan Capital, nhận định China Evergrande vẫn đang trong tình thế khó khăn về tài chính, yếu tố chính để các chủ nợ nước ngoài tiến hành thảo luận về chứng khoán hóa. Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, khi Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cảnh báo cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này sẽ sẽ còn kéo dài.
“Các công ty bất động Trung Quốc sẽ khó quay trở lại quy mô tăng trưởng như trước thời điểm dịch COVID-19 và mô hình kinh doanh của China Evergrande không đủ khả năng để trở thành ‘điểm tựa’ cho điều này, kể cả khi đạt được điều khoản tái cơ cấu nợ trong dài hạn. Thỏa thuận có thể tháo gỡ khó khăn của ông Hứa Gia Ấn vào thời điểm hiện nay, nhưng về lâu dài vẫn còn là câu hỏi,” Silvers cho biết.
1 năm trước
Evergrande Group nộp đơn xin phá sản ở Hoa Kỳ