Shunsaku Sagami tận dụng công nghệ AI để tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty M&A Research Institute chuyên về môi giới của mình.
Khi thi đấu mạt chược, Shunsaku Sagami sẽ đánh giá rủi ro, quan sát cẩn thận nước đi và tư duy chiến thuật để vượt qua đối thủ. Đó là kỹ năng anh cũng áp dụng trong kinh doanh.
Shunsaku Sagami lập nghiệp từ năm 2018 khi thành lập công ty môi giới hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tập trung vào SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Đây là nhóm doanh nghiệp mà phần lớn đang đối mặt với thách thức khi chủ sở hữu lớn tuổi nhưng không có người kế nghiệp.
Không phải là cái tên đầu tiên gia nhập thị trường có sức cạnh tranh lớn từ những ngân hàng tên tuổi, nhưng Shunsaku Sagami giống như làn gió mới và có được một số thành công nhất định.
Hiện tại, Công ty M&A Research Institute Holdings (M&A Research Institute) của doanh nhân 33 tuổi này đã vươn mình thành một trong bốn nhà môi giới M&A tập trung vào doanh nghiệp SME hàng đầu Nhật Bản tính theo vốn hóa thị trường.
So với ba đối thủ gồm Nihon M&A Center, Strike và M&A Capital Partners, M&A Research Institute đạt kết quả tốt hơn về tăng trưởng thu nhập và số lượng thỏa thuận thành công (tính theo mỗi tư vấn viên).
Trong giai đoạn sáu tháng tính đến ngày 31.3, tổng số thương vụ môi giới M&A thành công của M&A Research Insitue tăng gấp đôi lên 123. Để so sánh, Nihon M&A Center hoàn thành tổng cộng 333 thỏa thuận, Strike và M&A Capital Partners lần lượt là 130 và 96.
Kể từ khi niêm yết năm 2022, cổ phiếu của M&A Research Institute đã đạt kết quả giao dịch ấn tượng trên sàn chứng khoán Tokyo và tăng gấp bốn lần tính đến tháng 4.2024. Vào thời điểm đó, Shunsaku Sagami trở thành tỉ phú nhờ 73% cổ phần nắm giữ trong M&A Research Institute.
Thời điểm bài báo này lên khuôn, Shunsaku Sagami vẫn giữ danh hiệu tỉ phú dẫu tỉ lệ sở hữu của anh đã giảm còn 53% do M&A Research Institute phát hành cổ phiếu lần hai, và anh bán bớt cổ phần vào tháng 3.2024.
Theo hồ sơ của M&A Research Institute, việc giảm cổ phần của Shunsaku Sagmi nhằm cải thiện tính thanh khoản cho công ty.
M&A Research Institute có lợi thế cạnh tranh từ thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò cầu nối giữa người bán và người mua, cùng phần mềm độc quyền dùng trong số hóa giấy tờ, thủ tục giúp đơn giản hóa phần tổng hợp chi phí.
Bên cạnh đó, công ty còn tích cực tuyển dụng nhân sự. “Mô hình kinh doanh của chúng tôi không phải điều gì đó quá cao siêu. Thế mạnh của M&A Research Institute nằm ở việc công ty phát triển hệ thống không thể nào sao chép được,” Shunsaku Sagami, hiện giữ chức CEO, trả lời phỏng vấn tại trụ sở của M&A Research Institute ở quận kinh doanh Marunouchi, Tokyo vào tháng 5.2024.
Shunsaku Sagami, một kỹ sư phần mềm tự học, cho biết phần mềm hỗ trợ quy trình làm việc do M&A Research Institute phát triển đã trải qua quá trình thử nghiệm hơn 10 ngàn lần để cải thiện hiệu suất. Điều này khiến các đối thủ cạnh tranh, những công ty vẫn áp dụng phương thức thủ công trong quản trị công việc, khó có thể bắt kịp.
Nhờ vậy, theo thông tin từ M&A Research Institute, công ty chỉ cần chưa đến bảy tháng để hoàn thành một thỏa thuận M&A. Chia sẻ qua email, nhà phân tích của Macquarie (trụ sở tại Tokyo) Shinji Tanioka cho biết con số này nhanh hơn nhiều so với thời gian trung bình từ 10-12 tháng trên thị trường. Tương tự, số thỏa thuận mà một tư vấn viên tại M&A Research Institute chốt được hằng năm cao gấp hai lần so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong báo cáo năm 2023, nhà phân tích này cho biết M&A Research Institute ứng dụng dữ liệu để cải thiện hiệu suất hoạt động, và điều đó như “cuộc cách mạng hóa quy trình môi giới các thỏa thuận M&A.”
Thành công của M&A Research Institute còn đến từ việc tích cực tuyển dụng nhân sự. Trong sáu tháng tính đến tháng 3.2024, Shunsaku Sagami đã tăng 33,33% đội ngũ tư vấn viên, lên 242 người. Anh dự định tăng lên 700 người vào tháng 9.2026.
Để so sánh, Nihon M&A Center, Strike và M&A Capital Partners có lần lượt 645 (tính đến ngày 31.3), 241 và 187 tư vấn viên, theo báo cáo của mỗi công ty.
M&A Research Institute sẽ xác định người nào muốn bán lại doanh nghiệp, sau đó dùng thuật toán AI để kết nối họ với khách hàng tiềm năng từ cơ sở dữ liệu riêng của công ty.
Đội ngũ tư vấn viên giàu kinh nghiệm chuyên môn về M&A cho doanh nghiệp SME sẽ đại diện cho cả bên bán lẫn bên mua để tham gia đàm phán và chốt thỏa thuận.
Shunsaku Sagami tập trung vào các công ty có doanh thu từ 500 triệu yen (ba triệu đô la Mỹ) trở lên, chiếm hơn 66,67% số lượng thỏa thuận M&A chốt thành công tính đến tháng 3.2024. Hơn một nửa số doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, công nghệ thông tin (IT), bán sỉ và bán lẻ.
Một trong những thương vụ thành công trước đó của anh là thỏa thuận bán công ty IT doanh thu 200 triệu yen (1,3 triệu đô la Mỹ) không có người kế nhiệm cho một doanh nghiệp lớn hơn nhiều với doanh thu đạt 15 tỉ yen (98 triệu đô la Mỹ).
Kết quả tăng trưởng của M&A Research Institute có một phần đến từ cách cung cấp dịch vụ độc đáo: chỉ thu phí khi thỏa thuận hoàn tất. Hướng đi này của công ty khác với các đối thủ cạnh tranh – phần lớn thu nhiều loại phí khác nhau như phí huy động nhân lực, tạm ứng…
M&A Research Institute thu phí cả người bán lẫn người mua. Mức phí của công ty sẽ tùy thuộc vào quy mô và những yếu tố khác trong thỏa thuận. Ví dụ, đối với thỏa thuận mua bán từ 200-500 triệu yen (1,3-3,27 triệu đô la Mỹ), M&A Research Institute sẽ thu từ bên mua 5% giá trị giao dịch. Còn bên bán sẽ trả công ty tối thiểu 25 triệu yen (163 ngàn đô la Mỹ) cho thỏa thuận dưới 500 triệu yen (3,27 triệu đô la Mỹ).
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, nhóm SME chiếm đến 99,7% doanh nghiệp đang hoạt động và cung cấp gần 66,67% số lượng việc làm tại quốc gia này. Nhóm doanh nghiệp như vậy đóng vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng, cung cấp thành phẩm cần thiết cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ vi xử lý đến thiết bị điện tử và ô tô.
Tại Nhật Bản, mỗi lĩnh vực, ngành nghề sẽ có định nghĩa khác nhau về SME. Một trong những định nghĩa phổ biến là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt tối đa 300 triệu yen (1,96 triệu đô la Mỹ) hoặc sở hữu 300 nhân sự. Nhưng quy mô còn tùy theo từng lĩnh vực, chẳng hạn như ngành sản xuất sẽ cao hơn so với cung cấp dịch vụ và bán lẻ.
Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 3.2024, Ami Terai và Haruka Mori, hai nhà phân tích làm việc tại Tokyo của JPMorgan dự báo giá trị của các thỏa thuận liên quan đến doanh nghiệp SME không tìm được người kế nghiệp sẽ tăng gấp đôi lên hơn 500 tỉ yen (3,27 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2033.
Hai nhà phân tích này ước tính, đến thời điểm đó số lượng giao dịch mỗi năm sẽ tăng từ bốn ngàn lên gần 10 ngàn.
Hơn 33,33% trong tổng số 3,4 triệu doanh nghiệp SME đang đứng trước viễn cảnh khó khăn về hoạt động khi chủ sở hữu lớn tuổi (hơn 60), nhưng các thành viên trong gia đình họ lại không có ý định tiếp quản sản nghiệp. Ít nhất một nửa trong số này đang có lợi nhuận.
“Đây là vấn đề rất lớn mà Nhật Bản đang đối mặt,” Shunsaku Sagami cho biết.
Tuy chững lại so với khoảng thời gian đầu vận hành, một phần do chi phí ngoài hoạt động tăng cao và công ty mất đi một số lợi thế về giảm thuế, M&A Research Institute vẫn tăng gấp đôi doanh thu và lợi nhuận thuần, lên lần lượt 8,6 tỉ yen (56,4 triệu đô la Mỹ) và 2,6 tỉ yen (17 triệu đô la Mỹ) trong năm tài khóa tính đến hết ngày 30.9.2023. Kết quả này cao hơn ba đối thủ còn lại.
Shunsaku Sagami tin tưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng gấp hai lần trong năm tài khóa hiện tại.
Theo dự báo từ các nhà phân tích của JPMorgan, M&A Research Institute có thể đạt doanh thu gần 43 tỉ yen (282 triệu đô la Mỹ) đến hết tháng 9.2026.
Xu hướng mua bán và sáp nhập của các doanh nghiệp SME sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ, thúc đẩy từ tỉ lệ sinh ở Nhật Bản giảm mạnh và thế hệ trẻ hiện nay không hứng thú tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Đến năm 2023, có hơn 20% doanh nghiệp SME tìm cách giải quyết vấn đề kế nghiệp thông qua thỏa thuận M&A, tăng từ 17% ghi nhận trong năm 2018, theo khảo sát công bố tháng 11.2023 từ Công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank trụ sở tại Tokyo.
Tuy vậy, Shunsaku Sagami và các đối thủ cạnh tranh đang đối mặt với khó khăn từ việc Nhật Bản tăng cường quản lý hơn nữa đối với lĩnh vực này. Vào ngày 9.6, tạp chí Facta đưa tin chính phủ Nhật Bản có kế hoạch giảm chi phí môi giới và thông tin này đã dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu trong bốn công ty M&A SME hàng đầu nước này.
Cổ phiếu M&A Research Institute cũng ghi nhận mức giảm 12%, nhưng sau đó tăng dần trở lại.
M&A Research Institute từ chối đưa ra bình luận trực tiếp về thông tin của Facta – xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Nhật Bản xác nhận điều chỉnh lại chỉ dẫn về hoạt động M&A nhằm nâng cao sự minh bạch và cải thiện quá trình sáp nhập.
Các chính sách mới được tuyên bố sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho việc mua bán doanh nghiệp. Vào tháng 5.2024, Nikkei đưa tin quy định mới dự kiến hoàn chỉnh vào cuối năm 2024, chính thức có hiệu lực từ khoảng tháng 4.2025.
Trả lời qua email, người phát ngôn của M&A Research Institute cho biết công ty chưa chuẩn bị trước cho sự thay đổi đột ngột liên quan đến quy định quản lý, khi điều này có thể dẫn đến những hệ quả khó lường và thách thức về tuân thủ theo yêu cầu. Mặc dù vậy, người này cho biết hoạt động kinh doanh của công ty sẽ không chịu tác động quá lớn nào.
Nhật Bản có khoảng 650 công ty môi giới M&A, bên cạnh gần hai ngàn doanh nghiệp khác liên quan đến lĩnh vực này. Tuy vậy, chỉ sáu công ty dẫn đầu có hơn 100 tư vấn viên, trong khi phần còn lại chưa đạt đến con số 10, theo Small and Medium Enterprise Agency.
Trong lúc này, Shunsaku Sagami đề ra mục tiêu đầy tham vọng: trở thành công ty đứng đầu thị trường về lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
“Đây là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới. Nhưng điều công ty thực sự muốn làm là đổi mới lĩnh vực này bằng công nghệ,” Shunsaku Sagami chia sẻ.
Trong năm tài khóa 2023, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của M&A Research Institute đạt 4,6 tỉ yen (30 triệu đô la Mỹ), đứng thứ tư trong số bốn công ty hàng đầu ở Nhật Bản.
Cũng trong năm 2023, Sagami thành lập một đơn vị tư vấn cho các doanh nghiệp tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Shunsaku Sagami còn lập bộ phận chuyên về cố vấn quản lý tài sản để hỗ trợ khách hàng cách đầu tư khoản tiền thu về sau khi bán công ty của họ.
Shunsaku Sagami từ chối tiết lộ cụ thể về mục tiêu thu nhập từ những hoạt động kinh doanh mới này.
Shunsaku Sagami cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tại Nhật Bản tiến ra thị trường nước ngoài và công ty quốc tế muốn gia nhập thị trường xứ sở mặt trời mọc. Gần một năm trước, M&A Research Institute đã môi giới cho các doanh nghiệp Mỹ và Đông Nam Á tìm kiếm khách hàng ở Nhật Bản.
Trong số các doanh nghiệp đang rao bán trên trang web của công ty có một cửa hàng thịt ở Singapore và đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời từ Hawaii (Mỹ).
Tuy Shunsaku Sagami không tiết lộ cụ thể mục tiêu cho thị trường quốc tế, nhưng cho biết số lượng thỏa thuận trên toàn cầu của Nihon M&A Center và M&A Capital Partners chỉ bằng 2,4% và 7,6% so với M&A Research Institute trong những năm tài khóa gần đây.
Shunsaku Sagami đã chọn đúng thời điểm để mở rộng việc kinh doanh. Năm 2023, quy mô giao dịch M&A ngoài lãnh thổ Nhật Bản tăng hơn 45% lên 66 tỉ đô la Mỹ so với năm 2022.
Tương tự, giá trị giao dịch trong nước đạt hơn 30 tỉ đô la Mỹ, theo Dealogic. Dealogic cũng cho biết điều này trái ngược với phần còn lại của châu Á, khi các giao dịch xuyên biên giới chỉ tăng 7% trong cùng kỳ.
Takashi Ohara, giám đốc làm việc tại Tokyo của công ty tư vấn thị trường Mỹ Bain, nhận định các thương vụ M&A trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục tăng lên trong một vài năm nữa. Động lực cho điều này đến từ bảng cân đối kế toán tốt, doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thị trường và lãi suất nội địa thấp.
“Về mặt lý thuyết, M&A Research Institute có thể áp dụng cách thức đã mang lại thành công cho công ty ở Nhật Bản vào những giao dịch quốc tế. Phần lớn các quốc gia châu Á đang chứng kiến tình trạng già hóa dân số, đồng nghĩa nhiều công ty sẵn sàng bán lại cho doanh nghiệp khác,” Timothy Morse, thành viên sáng lập Asymmetric Advisors, công ty tư vấn vốn sở hữu đặt tại Hong Kong và Singapore cho biết.
Quá trình phát triển sự nghiệp của Shunsaku Sagami là cuộc hành trình dài. Khi còn theo học chuyên ngành nông nghiệp tại Đại học Kobe (Nhật Bản), Shunsaku Sagami tự mày mò tìm hiểu về lập trình.
Sau khi tốt nghiệp năm 2013, anh trở thành kỹ sư phần mềm tại công ty quảng cáo MicroAd và tích lũy kinh nghiệm về tiếp thị tại đây.
Năm 2015, Shunsaku Sagami thành lập công ty truyền thông về thời trang lấy tên gọi Alpaca. Đến năm 2017, anh bán Alpaca cho Vector, công ty truyền thông đặt tại Tokyo, với giá trị vào khoảng 950 triệu yen (6,2 triệu đô la Mỹ).
“Kinh nghiệm tích lũy từ các lĩnh vực thiết kế, phần mềm và tiếp thị giúp tôi am hiểu về nhiều ngành nghề khác nhau. Thành lập công ty ở độ tuổi còn trẻ nên việc am hiểu nhiều khía cạnh khác nhau của những lĩnh vực như vậy đã giúp tôi xây dựng phong cách lãnh đạo hiệu quả,” Shunsaku Sagami chia sẻ.
Những trải nghiệm mà Shunsaku Sagami có được tạo ảnh hưởng lớn đến cách anh quyết định gia nhập thị trường M&A cho doanh nghiệp SME. Khi Shunsaku Sagami còn nhỏ, ông của anh phải dừng việc kinh doanh bất động sản ở độ tuổi 80 vì cha anh, một cảnh sát, không muốn tiếp quản công ty.
Về sau, khi bán startup do mình thành lập và gia nhập Vector để phụ trách về M&A, Shunsaku Sagami đã tiếp xúc với những thủ tục giấy tờ rườm rà, quy trình tốn nhiều thời gian và các khoản phí không rõ ràng liên quan đến giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
Shunsaku Sagami vẫn xem mạt chược, bộ môn mà anh đang nỗ lực lấy chứng nhận thi đấu chuyên nghiệp, là cảm hứng cho công việc kinh doanh của mình.
“Tôi có thể áp dụng các kỹ năng từ môn mạt chược như phán đoán tình huống, nhận định rõ được và mất… vào việc vận hành doanh nghiệp. Là doanh nhân trẻ, tôi tự tin rằng mình có thể đạt được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai,” Shunsaku Sagami cho biết.