multi-media / Megastory

Tài sản tỉ phú Nhật hụt hơi trong giai đoạn khó khăn

Khó khăn trên toàn cầu khiến tổng tài sản của những người giàu nhất Nhật Bản sụt giảm gần 1/3.

Cuộc chiến ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng cao, làm tiêu tan hi vọng phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Đồng yen giảm 17% so với đô la Mỹ, kể từ lần gần nhất Forbes tính toán giá trị tài sản vào tháng 4.2021.

Cuộc khủng hoảng lan sang thị trường chứng khoán, với chỉ số chứng khoán Nikkei 225 giảm 12% trong cùng thời gian. Vì thế, 50 người giàu nhất Nhật Bản đã chứng kiến tổng giá trị tài sản ròng của họ giảm gần 1/3 xuống còn 170 tỉ đô la Mỹ.

Nhìn chung, tài sản của 38 thành viên trong danh sách giảm so với một năm trước, chỉ có ba cái tên đạt mức tăng khiêm tốn. Ông lớn ngành bán lẻ quần áo Tadashi Yanai, người giàu thứ hai vào năm ngoái, đã giành lại danh hiệu người giàu nhất đất nước mặc dù tài sản của ông giảm 44% xuống còn 23,6 tỉ đô la Mỹ. Doanh số thị trường nội địa cũng như ở Trung Quốc bị sụt giảm gây ảnh hưởng đến cổ phiếu của Fast Retailing, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng Uniqlo.

Takemitsu Takizaki, người sáng lập hãng sản xuất thiết bị cảm biến Keyence lần đầu tiến lên vị trí thứ hai với 21,6 tỉ đô la Mỹ, dù tài sản của ông cũng giảm 4,2 tỉ đô la Mỹ so với một năm trước.

Năm ngoái, nhà sáng lập kiêm CEO của tập đoàn SoftBank, Masayoshi Son, đạt mức tăng lớn nhất về cả đồng đô la lẫn tỉ lệ phần trăm. Giá trị tài sản ròng của ông giảm hơn một nửa xuống còn 21,1 tỉ đô la Mỹ và ông xuống vị trí thứ ba. Trong bối cảnh hỗn loạn của nền công nghệ toàn cầu, hai quỹ Vision Funds của SoftBank báo cáo khoản lỗ kỷ lục 27 tỉ đô la Mỹ cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2022. Ngoài Son, hàng chục người khác cũng chứng kiến tài sản của họ giảm hơn một tỉ đô la Mỹ.

Bất chấp đợt sóng gió, sáu người đã vượt qua mọi khó khăn để lần đầu có mặt trong danh sách năm nay. Họ gồm nhà khoa học trở thành doanh nhân Keiichi Shibahara, người thành lập Amvis Holdings để cung cấp dịch vụ dưỡng lão; gia đình Sekiya, sở hữu công ty Disco chế tạo thiết bị xử lý chất bán dẫn; Yoshiaki Yoshida, người sáng lập thương hiệu làm đẹp DHC Nhật Bản, bắt đầu kinh doanh mỹ phẩm sử dụng ô liu hữu cơ của mình vào năm 1980; và Hachiro Honjo, chủ tịch của Ito En, nhà sản xuất trà đóng hộp và đóng chai.

Ba người trở lại sau khi ra khỏi danh sách vào năm ngoái, bao gồm nhà đại tư bản ngành game Yoshikazu Tanaka, sáng lập kiêm CEO của Gree, nhờ thành công khi ra mắt hai tựa game mới. Mặc dù mức tối thiểu để vào danh sách giảm xuống còn 925 triệu đô la Mỹ từ mốc 1,15 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái, nhưng vẫn có chín người thuộc danh sách năm ngoái bị loại trong năm nay.

Nhóm này gồm Shintaro Yamada, người sáng lập kiêm CEO của ứng dụng mua bán hàng đã qua sử dụng Mercari, có mức tăng theo tỉ lệ phần trăm lớn nhất trong danh sách năm 2021. Giá cổ phiếu của công ty được mệnh danh là eBay của Nhật Bản sụt giảm do kết quả lỗ trong chín tháng kết thúc vào tháng 3.2022, một phần do cổ phiếu niêm yết mất giá.

Takao Yasuda: Nghịch lý


Pan Pacific International Holdings, nhà điều hành hãng bán lẻ giảm giá Don Quijote và siêu thị đặc sản Nhật Bản Don Don Donki, đạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận mới khi kinh doanh phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch.

Các cửa hàng hoàn toàn mới và được tân trang, doanh số tăng khi bán các sản phẩm nhãn hiệu tư nhân mang lại lợi nhuận cao hơn và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn là những yếu tố đang giúp củng cố doanh thu.

Doanh thu trong chín tháng kết thúc vào tháng 3.2022 tăng 8% lên 1,37 ngàn tỉ yen (10,7 tỉ đô la Mỹ) so với một năm trước và lợi nhuận ròng tăng gần 2% lên xấp xỉ 46 tỉ yen sau quý một tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là cơ sở để công ty dự báo năm thứ 33 liên tiếp đạt kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận hoạt động trong kỳ tài chính kết thúc vào tháng 6.2022 và năm thứ 13 liên tiếp đạt kỷ lục lợi nhuận ròng.

Bất chấp lợi nhuận ấn tượng, cổ phiếu của Pan Pacific giảm 24% trong năm qua, kém so với chỉ số chứng khoán Nikkei 225, trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu suy thoái. Takao Yasuda thành lập công ty Don Quijote năm 1980 (đổi tên thành Pan Pacific năm 2019), chứng kiến tài sản ròng của mình giảm 35% xuống còn 2,6 tỉ đô la Mỹ trong cùng kỳ.

Yasuda từ chức CEO vào năm 2015, vẫn là chủ tịch sáng lập và cố vấn tối cao, đồng thời chuyển đến Singapore. Được biết đến với việc đưa ra các ý tưởng cửa hàng độc đáo, bắt đầu với Don Quijote bán mọi thứ từ đồng hồ Rolex đến thức ăn nhẹ và đồ chơi người lớn, Yasuda thành lập Don Don Donki nhằm phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm Nhật Bản.

Pan Pacific hiện có gần 700 cửa hàng tại Nhật Bản, Singapore, Hong Kong và Hoa Kỳ. Các cửa hàng ở nước ngoài chiếm hơn 14% doanh thu của công ty và bù đắp nhiều cho sự sụt giảm ở Nhật Bản, khi lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với khách du lịch kể từ đầu năm 2020 đã khiến du khách quốc tế có mức chi tiêu lớn không thể có mặt tại Nhật Bản.

Masatoshi Ito: Đi ngược xu hướng


Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã biến Seven & i Holdings thành doanh nghiệp khổng lồ ngành bán lẻ, với toàn bộ lợi nhuận của công ty đến từ hơn 35.000 cửa hàng ở Nhật Bản, Bắc Mỹ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Tuy vậy, Seven & i sẽ nhượng lại cửa hàng bách hóa và những mảng kinh doanh không chủ chốt khác để tập trung vào các sản phẩm như cơm nắm (onigiri), cà phê và bánh burrito khi nhận được lời đề nghị từ nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Vào năm 1973, Masatoshi Ito, chủ tịch danh dự của Seven & i, mang thương hiệu 7-Eleven đến Nhật Bản thông qua thỏa thuận với công ty vận hành Southland có trụ sở tại Dallas, Hoa Kỳ. Năm 1991, công ty Ito-Yokado của ông (tiền thân của Seven & i) mua lại phần lớn cổ phần trong Southland và thâu tóm toàn bộ vào năm 2005.

Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3.2022, công ty đạt 8.750 tỉ yen (68,9 tỉ đô la Mỹ) doanh thu, tăng 52% và lãi ròng 211 tỉ yen (1,62 tỉ đô la Mỹ), tăng 18% nhờ thương vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng tiện lợi Speedway (Hoa Kỳ) trị giá 21 tỉ đô la Mỹ. Giá cổ phiếu của Seven & i tăng gần 25% kể từ lần gần nhất Forbes tính toán giá trị tài sản của Masatoshi Ito và khả quan so với thị trường chung. Ông Ito, 98 tuổi, ghi nhận tài sản ròng tăng thêm 6%, lên 4,35 tỉ đô la Mỹ.

Mặc dù cho biết cửa hàng tiện lợi là trụ cột, song Seven & i đang chịu sức ép từ quỹ đầu tư ValueAct Capital đặt tại San Francisco trong việc tập trung vào các mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. Vào tháng 1.2022, ValueAct Capital, nắm 4,4% cổ phần trong Seven & i, gửi thư yêu cầu công ty cân nhắc bán các mảng kinh doanh khác ngoài cửa hàng tiện lợi.

Mục tiêu là hai cửa hàng bách hóa Sogo và Seibu, do doanh thu từ toàn bộ cửa hàng tại Nhật Bản giảm khoảng 60% trong ba thập niên qua, còn khoảng 39 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021. Vào tháng 2.2022, sau khi truyền thông đưa tin công ty đang tổng hợp doanh thu của Sogo và Seibu, Seven & i nhấn mạnh rằng họ đang xem xét về “mọi khả năng.” Tháng 4.2022, công ty thông báo giữ lại chuyên viên tư vấn tài chính để đưa ra đánh giá chiến lược về các cửa hàng bách hóa.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Nhật Bản

————————————————-

PHƯƠNG PHÁP
Danh sách này được tổng hợp bằng cách sử dụng thông tin tài chính và cổ phần từ các gia đình và cá nhân, sàn giao dịch chứng khoán, báo cáo hằng năm và các nhà phân tích. Bảng xếp hạng liệt kê cả tài sản của cá nhân và gia đình, bao gồm phần tài sản đồng sở hữu. Các công ty tư nhân được định giá dựa trên các công ty tương tự được giao dịch công khai. Giá trị tài sản ròng dựa trên giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 13.5.2022. Danh sách cũng có thể bao gồm công dân nước ngoài có quan hệ kinh doanh, cư trú hoặc các mối quan hệ khác với đất nước hoặc công dân không cư trú trong nước nhưng có mối quan hệ kinh doanh quan trọng hoặc các mối quan hệ khác với đất nước.

Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tai-san-ti-phu-nhat-hut-hoi-trong-giai-doan-kho-khan)