2022 là năm đầy biến động trong giá trị tài sản ròng của các tỉ phú công nghệ, tỉ phú Nga và Elon Musk.
2022 là một năm tồi tệ của các tỉ phú toàn cầu, với những người gặp thất bại trong kinh doanh hoặc vướng vào vòng lao lý. Sau hai năm 2020 và 2021 tăng thêm hàng nghìn tỉ USD, tổng giá trị tài sản của những người giàu nhất thế giới giảm mạnh khi thị trường chứng khoán lao dốc, chiến sự tại Ukraine và tình hình lạm phát tăng cao.
Forbes ước tính, tổng giá trị tài sản của các tỉ phú toàn cầu đã “bốc hơi” hơn 1.900 tỉ USD, giảm từ 13.800 tỉ USD hồi đầu năm xuống còn 11.900 tỉ USD tính đến ngày 9.12. Theo trang ghi nhận giá trị tài sản theo thời gian thực của Forbes, số lượng tỉ phú trong năm 2022 cũng giảm từ 2.671 xuống 2.523 người, với những cái tên nổi tiếng như Sam Bankman-Fried, Kanye West và RJ Scaringe – nhà sáng lập của hãng xe điện Rivian đều đã rời khỏi danh sách.
Trong năm 2022, nhóm tỉ phú công nghệ với khoảng 300 cái tên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi tổng giá trị tài sản mất hơn 1.000 tỉ USD. Sau một khoảng thời gian bùng nổ trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và sự hứng thú từ các nhà đầu tư giúp giá cổ phiếu cũng như giá trị vốn hóa thị trường của các công ty khởi nghiệp tăng cao, ngành công nghệ bước vào giai đoạn lao dốc với làn sóng cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự và tạm hoãn phát hành công khai lần đầu (IPO).
Cổ phiếu của Amazon đã “bốc hơi” gần 50% giá trị, lấy đi hơn 80 tỉ USD trong khối tài sản ròng của tỉ phú Jeff Bezos. Hai nhà sáng lập Alphabet, công ty mẹ của Google, Larry Page và Sergey Brin ghi nhận khối tài sản ròng giảm hơn 40 tỉ USD mỗi người khi giá cổ phiếu hạ 36%.
Giá cổ phiếu Microsoft giảm 27% tính đến ngày 9.12, khiến giá trị tài sản của nhà đồng sáng lập Bill Gates và cựu giám đốc điều hành (CEO) Steve Ballmer giảm mạnh. Riêng Bill Gates đã quyên góp 20 tỉ USD từ khối tài sản cá nhân vào quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation. Trong năm 2022, Mark Zuckerberg, được Forbes chuyển sang nhóm tỉ phú lĩnh vực truyền thông và giải trí, mất 78 tỉ USD trong khối tài sản ròng khi giá cổ phiếu Meta – công ty mẹ của Facebook giảm 66%.
Tỉ phú Elon Musk, được Forbes xếp vào nhóm tỉ phú ngành ô tô khi phần lớn tài sản từ hãng xe điện Tesla, giảm nhiều giá trị tài sản nhất trong năm 2022. Tính đến ngày 20.12, giá cổ phiếu của Tesla “bốc hơi” 60% khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Musk, cũng giữ chức CEO tại SpaceX, dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho Twitter (hiện ông cũng là CEO của mạng xã hội này).
Theo thống kê của Forbes, Elon Musk đã mất hơn 115 tỉ USD trong khối tài sản ròng kể từ đầu năm 2022. Musk từng khởi đầu năm 2022 với danh hiệu người giàu nhất hành tinh khi sở hữu khối tài sản khổng lồ, hơn tỉ phú ngành thời trang người Pháp Bernard Arnault khoảng 70 tỉ USD. Elon Musk đã có thời gian ngắn nhường lại vị trí dẫn đầu cho Bernard Arnault vào đầu tháng 12 này và tiếp tục ghi nhận giá trị tài sản giảm xuống.
Trong năm 2022, các tỉ phú Mỹ giảm nhiều giá trị tài sản nhất khi mất tổng cộng 660 tỉ USD. Bên cạnh Elon Musk và nhóm tỉ phú công nghệ chịu thiệt hại nặng nề, các doanh nhân từ xứ sở cờ hoa như nhà đồng sáng lập Nike Phil Knight (giảm 18,3 tỉ USD giá trị tài sản), Leonard Lauder – chủ tịch danh dự và cựu CEO của Estée Lauder (giảm 9,8 tỉ USD) và nhà sáng lập Rocket Mortgage Dan Gilbert (giảm 8,1 tỉ USD) đều nằm trong danh sách những nhà tài phiệt mất nhiều tiền nhất năm 2022.
Tương tự với Trung Quốc, khi quốc gia này đối mặt với những khó khăn từ đại dịch COVID-19, người dân biểu tình và nhu cầu của thị trường toàn cầu suy giảm. Trong năm 2022, tổng tài sản của các tỉ phú Trung Quốc mất 620 tỉ USD, với những cái tên ghi nhận mức giảm lớn nhất gồm Jack Ma (Mã Vân) – nhà đồng sáng lập của Alibaba (giảm 13,1 tỉ USD), được cho là đang sinh sống tại Nhật Bản sau khi cơ quan quản lý Trung Quốc thắt chặt quản lý ngành công nghệ, nữ tỉ phú bất động sản Dương Huệ Nghiên (giảm 11,6 tỉ USD) và tỉ phú lĩnh vực nước uống đóng chai Chung Thiểm Thiểm (giảm 11,3 tỉ USD).
Trong khi đó, cuộc chiến quân sự tại Ukraine đã tác động đến các tỉ phú Nga, chịu ảnh hưởng nặng nề từ những lệnh trừng phạt và hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Hệ quả là tổng giá trị tài sản của những người giàu nhất nước Nga trong năm 2022 giảm 150 tỉ USD.
Mặc dù vậy, thế giới vẫn xuất hiện những vị tỉ phú mới, bao gồm cả “ông trùm” đầu tư và thể thao Todd Boehly và Tom Ford từ ngành thiết kế. 2022 cũng là năm đáng nhớ với nhiều vị tỉ phú, bao gồm Hoàng Tranh (Colin Huang), nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo, có thêm 11,1 tỉ USD trong khối tài sản ròng và “Ông vua” ngành than đá Indonesia, Low Tuck Kwong ghi nhận tài sản tăng thêm 16 tỉ USD.
Tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani trở thành cái tên có mức tăng tài sản lớn nhất, khi có thêm 55 tỉ USD nhờ vào việc công ty của ông, Adani Group, kinh doanh trong các lĩnh vực cảng tàu, sân bay, sản xuất điện, năng lượng xanh và bất động sản, ghi nhận giá trị vốn hóa thị trường tăng phi mã. Với khối tài sản ròng 133,9 tỉ USD, ông Adani sẽ khởi đầu năm 2023 với vị thế người giàu thứ ba thế giới.
3 năm trước
Facebook chính thức đổi tên thành Meta3 năm trước
Facebook thay tên mới Meta có ý nghĩa gì?