Startup Marathon hướng tới việc ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng của các lớp học thêm – hình thức học phổ biến tại Việt Nam.
Marathon đã nhận đầu tư vòng pre-seed (tiền hạt giống) từ các quỹ Forge Ventures, Venturra, iSeed SEA và một số nhà đầu tư thiên thần, trong đó có ông Marcel van Miert, giám đốc trường Việt Úc (VAS).
Startup này vừa được thành lập đầu năm 2021, hướng tới việc ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng của các lớp học thêm – hình thức học phổ biến tại Việt Nam. Marathon sẽ cung cấp các buổi học trực tuyến với giáo viên có kinh nghiệm và các phiên học nhóm – nơi học sinh có thể đặt câu hỏi trực tiếp với đội ngũ trợ giảng để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Marathon sẽ xử lý các công đoạn vận hành, cập nhật thông tin cho phụ huynh để giáo viên tập trung giảng dạy và tiếp cận được tới nhiều học sinh hơn. Startup này cho biết việc tổ chức dạy học với các giáo viên của nền tảng có thể nhận mức thu nhập cao hơn nhiều so với khi tự mở lớp, dù số lượng ca dạy và thời gian làm việc ngắn đi so với trước.
Trong giai đoạn thí điểm, Marathon sẽ tập trung dạy thêm các môn toán, lý, hóa cho khối lớp 6-12, và dần mở rộng ra các môn học chính khóa khác. Startup dự kiến sẽ thí điểm một khóa học giới hạn vào quý 4.2021 và giới thiệu các khóa học trên diện rộng vào đầu năm 2022.
“Những giáo viên dạy thêm tốt nhất thường giúp mang lại kết quả tốt cho học viên, nhưng họ chỉ dạy được quy mô nhỏ ở lớp offline. Chúng tôi tin rằng Marathon sẽ giúp những giáo viên này chạm tới hàng ngàn học sinh mọi miền, mà không ảnh hưởng tới chất lượng học,” ông Kaspar Hidayat, giám đốc quỹ Forge Ventures cho biết.
Đội ngũ sáng lập của Marathon bao gồm Phạm Đức – cựu chuyên viên quản đầu tư tại quỹ TPG Capital và Trần Việt Tùng, người từng đồng sáng lập nền tảng công nghệ du lịch Triip.Me và chuỗi khách sạn Christina’s.
Công nghệ giáo dục (edtech) là một trong những điểm nóng của giới đầu tư trong thời gian gần đây, với những thương vụ lớn phải kể đến Equest (100 triệu USD), Elsa (15 triệu USD), Edmicro cho tới những cái tên mới như Manabie, Vuihoc…
Theo Ken Research, ngành e-learning Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt hơn 20% trong giai đoạn 2019-2023 và dự kiến chạm quy mô 3 tỉ USD vào năm 2023.
2 năm trước
2 năm trước
Hai thập niên săn tìm kỳ lân