Chứng kiến Mỹ giảm trong phiên giao dịch 5.12 do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng mạnh lãi suất.
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm trong phiên giao dịch 5.12 khi các nhà đầu tư tranh luận liệu đợt phục hồi của thị trường gấu (thị trường giá xuống) đã kết thúc hay chưa, khi mà các chỉ số chính trên thị trường đã được kéo tăng tới 20% so với mức thấp kỷ lục hồi tháng 10.
Một số nhận định rằng việc Fed tiếp tục nâng lãi suất chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Trong phiên giao dịch 5.12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 482 điểm, tương đương 1,4%, còn 33.947 điểm. Trong khi đó, S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq lần lượt bốc hơi 1,8% và 1,9%.
Theo Viện Quản lý cung ứng (ISM), đợt bán tháo cổ phiếu diễn ra sau khi dữ liệu công bố sáng 5.12 cho thấy lĩnh vực dịch vụ bất ngờ tăng trở lại trong tháng 11.2022 nhờ hoạt động kinh doanh và số việc làm ghi nhận kết quả tốt hơn kỳ vọng. Đây là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế nhằm kìm hãm đà tăng lạm phát.
“Báo cáo này cho thấy áp lực tăng lương vẫn sẽ rất lớn,” Edward Moya, nhà phân tích của Oanda, nhận định trong email bình luận. Moya lưu ý tin tốt với nền kinh tế Mỹ lại là tin xấu đối với thị trường chứng khoán, khi điều này làm gia tăng rủi ro từ động thái nâng lãi suất của Fed và sẽ kéo dài đến năm 2023.
Trước đó, thị trường đã giảm điểm sau công bố báo cáo việc làm khả quan hôm 2.12, khiến thị trường chứng khoán bất ổn hơn nữa.
Trong báo cáo cho các nhà đầu tư sáng 5.12, nhà phân tích của Morgan Stanley Michael Wilson, từng nhận định chính xác về việc thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc, cảnh báo lãi suất tăng cao vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với thu nhập của các doanh nghiệp trong những quý tới. Trong đó, hai ngành công nghệ và hàng tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng nhất do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Mặc cho thị trường chứng khoán đang rơi vào sắc đỏ, Wilson nhấn mạnh cần phải chú ý đến dòng vốn rút ròng. Tuy nhóm cổ phiếu công nghệ từng được các nhà đầu tư ưu tiên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, Michael Wilson tin tưởng thị trường chứng khoán sẽ không chạm ngưỡng thấp kỷ lục mới vào năm 2023, khi hơn 60% cổ phiếu thuộc nhóm S&P 500 giao dịch hơn mức trung bình trong hơn 200 ngày qua.
Fed dự kiến tiến hành đợt tăng lãi suất tiếp theo vào ngày 14.12, với các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự báo mức tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 1 tới và tiếp tục nâng 0,75 điểm phần trăm trong năm 2023. Mức tăng này sẽ đẩy lãi suất cho vay lên 5,25%, cao nhất kể từ năm 2007. Tuy vậy, dữ liệu kinh tế có thể thấp hoặc cao hơn dự báo.
“Đây là cách ‘thị trường gấu’ khép lại, với nhóm cổ phiếu từng hưởng lợi từ xu hướng ‘thị trường bò tót’ sẽ ghi nhận hiệu suất kém theo biên độ tương tự như giai đoạn thị trường tăng giá trước đó,” Wilson dự báo cổ phiếu ngành công nghệ sẽ giảm mạnh trong năm 2023.
Kể từ tháng 10.2022, chứng khoán Mỹ ghi nhận đợt tăng giá ngắn hạn song vẫn đối mặt với mức giảm hai con số. Tính từ đầu năm 2022, chỉ số S&P 500 giảm 17% và chỉ số Nasdaq hạ 29%.
Trong báo cáo ngày 1.12, nhóm phân tích của JP Morgan với Dubravko Lakos-Bujas đưa ra dự báo tương tự chỉ số S&P 500 sẽ “kiểm tra lại vùng giá thấp trong năm 2022” vào nửa đầu năm 2023 và tiếp tục giảm 14%.
JP Morgan nhận định về “hiệu ứng tuyết lăn to dần” từ chi phí cho vay cao, tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống và số lượng người thất nghiệp gia tăng sẽ tiếp tục khiến thị trường chứng khoán lao dốc.
1 năm trước
Giá cổ phiếu của GameStop tăng phi mã gần 50%2 năm trước
Giá cổ phiếu Meta tăng gần 20%1 năm trước
Giá trị cổ phiếu của Starbucks giảm hơn 3%