Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đều dự đoán thị trường chứng khoán sẽ giảm mạnh và kinh tế Mỹ sẽ bị tác động nặng nề do lạm phát cao và kinh tế suy thoái.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang cảm thấy ngày càng bi quan về tương lai. Theo khảo sát các giám đốc quản lý quỹ toàn cầu mới nhất của ngân hàng Bank of America, phần lớn họ dự đoán thị trường chứng khoán sẽ giảm mạnh trong năm nay và nền kinh tế Mỹ sẽ gặp khó khăn do tình trạng lạm phát cao cùng với suy thoái kinh tế.
Kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu của nhà đầu tư đều giảm và dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, theo khảo sát hằng tháng của Bank of America được thực hiện trên 300 người đang quản lý tổng tài sản trị giá 1.000 tỉ đô la Mỹ.
Những lo ngại về lạm phát đã giảm bớt hồi đầu năm nay nhưng lại tăng trở lại trong tháng này, với hơn 60% nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ chịu tác động gấp đôi từ tình trạng lạm phát cao cùng với suy thoái kinh tế so với tháng trước.
Với lạm phát leo thang và bất ổn địa chính trị từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, kéo thị trường chứng khoán Mỹ vào vùng điều chỉnh trong năm nay, các nhà quản lý quỹ hiện đang sở hữu nhiều tiền mặt hơn, với tốc độ chưa từng thấy kể từ tháng 4.2020, khi các lệnh phong tỏa được áp dụng do đại dịch đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái ngắn hạn.
Phần lớn các nhà đầu tư chuyên nghiệp đều nghĩ nguy cơ suy thoái gia tăng một lần nữa. 60% trong số họ dự đoán thị trường giảm trong năm 2022 và hơn 50% dự đoán lạm phát cao sẽ “kéo dài.”
Từ trước đến nay, các thị trường chưa bao giờ tăng trưởng tốt khi lạm phát tăng cao cùng với suy thoái kinh tế. Khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với tình trạng trên vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon, chỉ số S&P 500 lần lượt giảm khoảng 17% và 30% vào năm 1973 và 1974.
“Các nhà đầu tư nên nhắc nhở bản thân đừng để gây họa cho danh mục đầu tư và quyết định theo cảm xúc,” Sam Stovall, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại CFRA, cho biết và tranh luận vẫn có nhiều cơ hội để tạo ra cổ phiếu chất lượng cao và cổ tức hưởng lãi cao.
Stovall cho biết thêm: “Thật khó để bỏ qua những gì chúng ta nhìn thấy và nghe người khác dự báo. Có một câu nói cổ, ‘Đừng sai quá lâu’”. Trong khi ông dự đoán cổ phiếu có thể giảm sâu trong năm nay, nhưng “tôi không nghĩ chúng ta quay trở lại kịch bản 1973/1974 khi thị trường chứng khoán giảm hơn hai năm và chỉ số S&P 500 gần như mất 50% giá trị. ”
Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lần đầu tiên kể từ năm 2018 sau khi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của ngân hàng trung ương kết thúc vào ngày 16.3.
Thị trường chứng khoán đã có một khởi đầu khó khăn trong năm 2022. Trong đó, các nhà đầu tư không chỉ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống lạm phát của cục Dự trữ Liên bang mà còn cả xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, khiến giá năng lượng tăng cao. Chỉ số S&P 500 hiện nằm trong vùng điều chỉnh, thấp hơn 10% so với mức cao kỷ lục hồi đầu năm nay, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đang giảm, thấp hơn 20% so với mức cao hồi tháng 11 năm ngoái.
Theo nhận xét của Bill Adams, kinh tế trưởng của Comerica Bank, “Nguy cơ suy thoái trong 18 tháng tới cao hơn so với trước khi Nga tấn công vào Ukraine tuy nhiên nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng tiếp tục tăng trưởng nhưng có thể với tốc độ chậm hơn so với đầu năm.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Chứng khoán Mỹ giảm sau thông tin lạm phát và đàm phán hòa bình Nga-Ukraine thất bại
Dow Jones lên 600 điểm bất chấp giá dầu lập đỉnh do xung đột giữa Nga với Ukraine