HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống mức 6,3% do lo ngại về giá cả hàng hóa toàn cầu leo thang tác động xấu đến thương mại và lạm phát.
Báo cáo Vietnam At A Glance được HSBC thực hiện công bố hôm nay, 6.7, đánh giá các ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đang ngày càng rõ ràng hơn.
Một mặt, giá cả hàng hóa leo thang đã dẫn đến thâm hụt thương mại trong quý 2.2022, có thể khiến tình hình tài khoản vãng lai vốn không được khả quan sẽ còn trầm trọng hơn. Mặt khác, giá dầu cao sẽ khiến túi tiền của người dân vơi đi, làm giảm tốc độ hồi phục vốn khá cao trong thời gian qua. “Áp lực giá cả đã bắt đầu thể hiện, mặc dù vẫn ở mức độ có thể kiểm soát được so với các quốc gia khác trong khu vực,” báo cáo viết.
Từ cân nhắc các rủi ro đang gia tăng, đặc biệt từ lĩnh vực năng lượng, HSBC Việt Nam giảm dự báo tăng trưởng GDP 2023 xuống 6,3%. Trước đó, ngân hàng này dự báo tăng trưởng mức 6,7%.
Với năm 2022, HSBC Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,9% so với dự báo trước đó là 6,6%, có khả năng đứng đầu khu vực. Việt Nam được đánh giá đã phục hồi trên diện rộng nên GDP quý 2 tăng ngoạn mục 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái khi ngành dịch vụ liên quan đến du lịch và phục vụ hành khác phục hồi ấn tượng và ngành sản xuất tiếp tục tăng trưởng, giúp xuất khẩu lập kỷ lục.
Chuyên gia của HSBC đánh giá, dù GDP quý 2 tăng trưởng cao nhất tính theo quý kể từ năm 2011 nhưng khi phân tích kỹ hơn cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam. Thoạt nhìn, các lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng đáng kể nhờ du lịch hè phát triển mạnh, khách nội địa và quốc tế đều tăng; bán lẻ tăng 17% so với cùng kỳ cho thấy tiêu dùng hộ gia đình phục hồi; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2,3% trong khi số lượng việc làm tiếp tục tăng gần đến mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch vẫn chưa mang lại doanh thu tốt khi thiếu nguồn khách Trung Quốc trong khi khách nội địa dù lớn vẫn không đủ bù đắp.
Trong khi đó, xuất khẩu lập kỷ lục nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh, hơn 15% so với cùng kỳ. Một phần là vì bản chất phụ thuộc nhập khẩu của ngành sản xuất Việt Nam. Quan trọng hơn, Việt Nam là nhà nhập khẩu ròng năng lượng, giá năng lượng leo thang đã đẩy các hóa đơn năng lượng tăng theo.
Kể từ quý 2.2021, lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam đã dần bị xói mòn, khi thặng dư thương mại ngày càng giảm không thể bù lại thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập chính. “Sau khi chứng kiến mức thâm hụt 1% GDP trong năm 2021, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ bị thâm hụt năm thứ hai liên tiếp, dù mức thâm hụt thấp hơn năm ngoái. Điều này có thể gây áp lực hơn nữa lên tiền đồng,” báo cáo nhận định.
Về lạm phát, HSBC dự báo ở mức trung bình 3,5% nhưng đà lạm phát có thể tạm thời vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm. Đà lạm phát tăng nhanh do giá xăng dầu liên tục lập đỉnh đã đẩy lạm phát vận chuyển liên tục tăng cao đồng thời tác động mạnh mẽ lên giá các mặt hàng khác, từ thịt, trứng và rau củ, khiến lạm phát lương thực tăng 0,8% so với tháng trước.
Đặc biệt, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần hai năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.
“Áp lực giá sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2022. Dựa vào các dự báo, lạm phát có thể vượt mức 4% kể từ quý 4.2022 đến quý 2.2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ,” báo cáo nhận định.
————————
Xem thêm:
UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay lên 7%
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 về 5,3%
Niềm tin của doanh nghiệp châu Âu lại giảm
Goldman Sachs cảnh báo lạm phát tăng mạnh hơn trong mùa hè 2022
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhieu-rui-ro-tiem-an-voi-tang-truong-gdp)
2 ngày trước
1 năm trước
Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 – 5,5%