Cả người lao động và khách hàng đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những động thái cụ thể hơn nữa về việc kinh doanh tại Nga.
Sau thời điểm Nga tấn công vào Ukraine, CEO toàn cầu của doanh nghiệp khổng lồ về tư vấn và kiểm toán Deloitte – Punit Renjen – ra thông cáo trên Twitter vào tuần trước, cho biết công ty “ủng hộ người dân Ukraine.” Ông lưu ý Deloitee đang nỗ lực thực hiện viện trợ nhân đạo và “làm mọi thứ có thể để bảo vệ cũng như đảm bảo an toàn cho nhân viên và người thân của họ.”
Nhưng một số nhà quan sát muốn nhiều hơn thế. Một vài bình luận trên Twitter đặt câu hỏi liệu Deloitte sẽ dừng hoạt động tại Nga hay chỉ đưa ra thông cáo không đầy đủ. Số khác nhận định đây là “thái độ cần thiết” từ Renjen để rút dịch vụ ra khỏi Nga. Vào ngày 2.3, công ty cho biết “đang xem xét lại việc kinh doanh và sự hiện diện tại Nga.”
Vào ngày 7.3, Deloitte là cái tên cuối cùng trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big 4) thông báo dừng hoạt động tại Nga và Belarus, cũng như tách công ty thành viên ở hai quốc gia này ra khỏi mạng lưới toàn cầu. “Tuy chúng tôi nhận thức đây là quyết định đúng đắn, song điều đó sẽ ảnh hưởng đến 3.000 nhân sự của Deloitte tại Nga và Belarus,” Renjen cho biết trong thông cáo mới (công ty không đưa ra bình luận về thông cáo đầu tiên của Renjen cho câu hỏi từ Forbes).
Nhìn vào các doanh nghiệp Mỹ, tình hình chiến sự tại Ukraine cho thấy thiếu vắng những bài viết trên mạng xã hội hoặc thông cáo báo chí không đưa ra hành động cụ thể, khi sự kỳ vọng từ người tiêu dùng, người lao động và khách hàng vào lĩnh vực tư nhân tăng lên trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc.
“Khi tôi nhìn vào bản nháp của một vài thông cáo, viết rằng ‘chúng tôi hướng đến Ukraine và đang thực hiện quyên góp,’ và đặt ra câu hỏi ‘bạn có tiếp tục hoạt động tại Nga nữa hay không?’ Bạn phải trả lời câu hỏi. Nếu bạn không thể cũng như chưa sẵn sàng đưa ra câu trả lời, hãy chuẩn bị tâm thế vì cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra.” Anthony Johndrow, điều hành công ty tư vấn về danh tiếng cho biết.
Đồng giám đốc toàn cầu về khủng hoảng truyền thông và quản trị vấn đề của SVC+FGH – Bruce Hayness cho biết sự trỗi dậy từ mô hình ESG (Môi trường, xã hội và quản trị) trong quản trị doanh nghiệp, văn hóa tẩy chay và phong trào hoạt động doanh nghiệp (corporate activism) trong nhiều năm gần đây đồng nghĩa các doanh nghiệp “phụ thuộc nhiều hơn vào cảm xúc và khía cạnh đạo đức từ quan điểm của cổ đông hơn bao giờ hết. Nhưng dù xu hướng này đã kéo dài nhiều năm qua, sự căng thẳng mãnh liệt như hiện nay vì tình hình tại Ukraine là chưa từng thấy,” ông cho biết.
Trong danh sách mới của Học viện Lãnh đạo cho Giám đốc điều hành (CELI) trực thuộc đại học Yale ghi nhận phản ứng của doanh nghiệp, hơn 200 tập đoàn đã rút hoạt động tại Nga, cũng như 30 công ty gặp tổn thất đáng kể tại quốc gia này vẫn chưa rời đi.
Theo phó hiệu trưởng lâu năm tại đại học Yale – Jeffery Sonnenfeld, người tổng hợp danh sách trên, một vài công ty hàng tiêu dùng lo ngại rằng người tiêu dùng Nga có thể cảm thấy tức giận nếu họ rời đi. “Rất khó để mọi người bàn luận về tác động ban đầu lên các cổ đông một khi BP, Chevron và Exxon rút hoạt động,” ông cho biết.
Sự dịch chuyển sang việc đòi hỏi những hành động rõ ràng hơn từ các doanh nghiệp thể hiện nổi bật hơn trong một vài lĩnh vực. Vào tuần trước, McKinsey & Co. cho biết sẽ “ngay lập tức cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp nhà nước Nga” và không tiếp nhận thêm khách hàng mới tại quốc gia này. Đây là cam kết theo sau thông cáo đầu tiên được công ty đưa ra, cho biết sẽ ngưng làm việc cho cơ quan chính phủ Nga.
Nhiều công ty về dịch vụ chuyên nghiệp đưa ra thông cáo “cùng thể hiện sự ủng hộ” hoặc “phản đối” chiến tranh, tuy vậy, lại tạm hoãn việc rút hoạt động ra khỏi Nga sang vài ngày tới.
Những công ty khác ghi nhận nhân viên đưa ra quan điểm để phản hồi lại thông cáo của doanh nghiệp. Trong một bài viết trên LinkedIn, CEO của Nestlé – Mark Schneider cho biết ông “thể hiện sự lo ngại về chiến dịch quân sự tại Ukraine” và tập đoàn hàng tiêu dùng toàn cầu sẽ có hỗ trợ phù hợp tới Hội chữ Thập đỏ.
Tuy một vài nhân viên thể hiện sự biết ơn, số khác lại muốn nhiều hơn thế. “Tôi muốn công ty không chỉ thể hiện sự lo lắng, mà còn thông qua hành động cụ thể,” người biên tập nội dung trang web tiếng Ukraine cho Nestlé viết. “Nestlé phải làm gì để đảm bảo rằng quê hương của nhân viên là nơi an toàn trong tương lai?” một nhà quản lý thương hiệu đặt ra câu hỏi về Kharkiv (Nestlé không đưa ra phản hồi cho email về những phản hồi trong bài đăng).
Sau 40 năm, người lao động, người tiêu dùng, khách hàng và ngay cả nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn rằng các doanh nghiệp sẽ giải quyết những vấn đề xã hội, sự kiện thế giới hay chính trị-pháp lý, khi họ đưa ra nhiều cam kết hơn về tính đa dạng (sắc tộc và giới tính), biến đổi khí hậu, nhân quyền và những điều có “giá trị.”
Biên dịch: Minh Tuấn
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nguoi-lao-dong-doi-hoi-doanh-nghiep-co-nhieu-dong-thai-hon-nua-tai-nga)